Nghi án khủng bố thuê ở Philippines
Giới chức Philippines đang nỗ lực truy tìm thủ phạm vụ đánh bom Davao, giữa lúc có suy đoán về sự liên quan giữa vụ này với chiến dịch bài trừ ma tuý.
Nghi án khủng bố thuê ở Philippines
Giới chức Philippines đang nỗ lực truy tìm thủ phạm vụ đánh bom Davao, giữa lúc có suy đoán về sự liên quan giữa vụ này với chiến dịch bài trừ ma tuý.
Thị trưởng thành phố Davao, Inday Sara Duterte vừa công bố treo thưởng 2 triệu peso (hơn 958 triệu đồng) để bắt giữ thủ phạm vụ đánh bom gây chấn động Philippines vào ngày 2.9, khiến 15 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.
Khủng bố ma tuý
|
Theo Đài CNN, bà Sara Duterte, ái nữ của Tổng thống Rodrigo Duterte, ngày 5.9 cho biết 1 triệu peso sẽ được tặng cho người cung cấp thông tin nhận diện và hành tung của những kẻ đánh bom, khoản tiền còn lại sẽ được trao cho người giao nộp thủ phạm cho nhà chức trách.
An ninh đã được siết chặt tại Davao và nhiều địa phương khác trên toàn Philippines kể từ sau vụ tấn công nói trên.
Trong phát biểu tại lễ thượng cờ đầu tiên ở Tòa thị chính Davao kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6, tân thị trưởng Davao nhấn mạnh bà muốn bắt sống các thủ phạm để thu thập thông tin về việc các đối tượng này đã hợp tác với ai và liệu họ có dự định tiến hành thêm các cuộc tấn công khác tại Davao hay không.
“Chúng tôi muốn các nghi phạm được chuyển giao cho chúng tôi, vì chúng tôi muốn biết liệu có các cá nhân nào khác dính líu vào vụ tấn công hay không”, bà Duterte nói.
Cũng trong bài phát biểu hôm 5.9, nữ thị trưởng Davao đã ra lệnh bãi nhiệm Cảnh sát trưởng Davao, Michael John Dubria và chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Davao, Henry Robinson. Ông Dubria nhậm chức cùng thời điểm với bà Duterte, còn ông Robinson nhận nhiệm vụ vào tháng 5. Bà Duterte nói rằng việc bãi nhiệm 2 người nói trên không do năng lực của họ, mà vì bà coi vụ tấn công ngày 2.9 là một hành động xúc phạm đối với cá nhân bà.
“Quan hệ làm việc giữa chúng tôi sẽ trở nên căng thẳng nếu để 2 ông Dubria và Robinson tiếp tục tại vị. Là thị trưởng Davao, tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra”, bà nói. Người đứng đầu Davao không công bố danh tính những người sẽ được bổ nhiệm thay thế 2 quan chức trên.
Trong lúc quá trình điều tra vụ đánh bom ngày 2.9 vẫn đang được tiến hành khẩn trương, Tổng trưởng cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa ngày 5.9 nói rằng rất có thể vụ đánh bom ở Davao có liên quan đến chiến dịch trấn áp ma túy đang được đẩy mạnh ở Philippines. “Ngoài tổ chức Abu Sayyaf bị tình nghi thực hiện vụ đánh bom nhằm giảm sức ép từ chiến dịch tiễu trừ chúng của quân đội, vẫn còn một khía cạnh khác mà chúng tôi đang xem xét, đó là khủng bố ma tuý”, Đài ABN-CBS dẫn lời ông Dela Rosa.
Theo ông, nhiều khả năng các tên trùm ma túy đã trả tiền cho nhóm lực lượng Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf tiến hành vụ đánh bom ở Davao. “Những phần tử Abu Sayyaf này bắt cóc người vì tiền, đánh bom cũng vì tiền. Với bọn chúng, tất cả đều liên quan đến tiền bạc”, chỉ huy cảnh sát Philippines nói.
Dùng lính đánh thuê diệt khủng bố
Giới quan sát cho rằng nếu xác định được mối liên hệ giữa vụ đánh bom ở Davao và chiến dịch bài trừ ma túy, chắc chắn Tổng thống Duterte sẽ hành động quyết liệt và mạnh tay hơn. Chủ nhân Điện Malacanang rất tức giận với vụ đánh bom tại thành phố mà ông từng có nhiều năm làm thị trưởng. Theo tờ Philippine Daily Inquirer, Tổng thống Duterte đã tỏ ý sẵn sàng dùng lính đánh thuê để tiêu diệt Abu Sayyaf.
Trong một bài đăng trên Facebook ngày 4.9, Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol tiết lộ rằng trong cuộc họp với các quan chức an ninh và một số thành viên nội các diễn ra suốt đêm 3.9, ông Duterte đã tuyên bố: “Nếu buộc phải thuê Gurkha để giúp chống lại Abu Sayyaf, tôi sẵn sàng làm điều đó”. Ông Pinol cho hay Tổng thống Duterte có ý đề cập đến lực lượng lính đánh thuê Gurkha khét tiếng từ Nepal. Chủ nhân Điện Malacanang không nói gì thêm về ý tưởng này, nhưng nhiều người cho rằng với bản tính quyết đoán cùng quyết tâm trừng trị Abu Sayyaf, rất có thể ông Duterte sẽ làm thật.
Các tay súng Gurkha đã khiến người Anh phải kiêng dè vì sự thiện chiến, tinh thần quả cảm của họ trong chiến tranh Gurkha 1814 -1816. Nhà lãnh đạo Philippines thừa nhận Abu Sayyaf và các nhóm cực đoan khác là “sản phẩm của sự bất công lịch sử” nhưng những hành động gần đây của họ, như chặt đầu các nạn nhân bị bắt cóc và đánh bom, đòi hỏi sự trả đũa bằng vũ lực. “Không có lựa chọn nào khác. Bọn họ giống như vi trùng cần phải tiêu diệt”, ông Duterte nhấn mạnh.
Trùng Quang