Dệt may đỏ mắt chờ đơn hàng
Tình trạng đơn hàng đang chảy sang các nước lân cận khiến nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may mới chỉ nhận được đơn hàng đến hết quý 3-2016. Nguy cơ hàng ngàn lao động dệt may thiếu việc làm dịp cuối năm đang chực chờ…
Dệt may đỏ mắt chờ đơn hàng
Tình trạng đơn hàng đang chảy sang các nước lân cận khiến nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may mới chỉ nhận được đơn hàng đến hết quý 3-2016. Nguy cơ hàng ngàn lao động dệt may thiếu việc làm dịp cuối năm đang chực chờ…
Nhiều doanh nghiệp dệt may khó khăn vì đơn hàng bị chuyển sang nước khác. Trong ảnh: sản xuất hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội – Ảnh: ANH ĐỨC |
Đã vào chính vụ nhưng hiện nhiều DN vẫn đỏ mắt tìm đơn hàng khi mà đơn hàng từ các thị trường trọng điểm đều giảm sút.
Đơn hàng đang chuyển sang nước khác
Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Nguyễn Đức Thăng – giám đốc điều hành Công ty CP may Đáp Cầu – tỏ ra ngao ngán khi công ty hiện mới chỉ có đơn hàng đến hết tháng 10-2016, mà đơn hàng lại “cọc cạch”, không đúng sở trường của DN. Ông cho biết tình trạng giảm đơn hàng diễn ra từ năm 2015 và một số khách hàng của Đáp Cầu đã rút sang Myanmar để đặt hàng.
Ông Nguyễn Xuân Dương – phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cũng là chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP may Hưng Yên – cho biết tình trạng chảy đơn hàng sang các nước lân cận trong ASEAN hoặc Bangladesh đang diễn ra ngày càng nhiều.
Thực tế tại Tổng công ty CP may Hưng Yên, đến thời điểm này mới chỉ có 8/11 đơn vị có đơn hàng đến tháng 11-2016. Ông Dương tính nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, DN không có đơn hàng để chạy hết công suất, thì đến cuối năm hàng nghìn lao động mất việc làm là nguy cơ chực chờ.
Theo ông Phạm Xuân Hồng – chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), tính đến cuối tháng 8-2016 chỉ có 20 – 30% DN có đủ đơn hàng đến cuối năm, phần còn lại “đang chạy khắp nơi để tìm đủ đơn hàng mới mong có việc cho người lao động”.
Dệt may VN thua thiệt đủ đường
Theo lãnh đạo của Vitas, việc ngành dệt may có mức tăng trưởng thấp nhất trong mười năm trở lại đây, nguyên nhân chính là do chính sách tỉ giá và tiền lương đang khiến các sản phẩm dệt may có giá thành tăng cao hơn. Và đơn hàng đang chảy dần sang các nước có lợi thế giá.
Ông Nguyễn Xuân Dương phân tích: tỉ giá VND hiện nay chỉ điều chỉnh trong biên độ ±2%, trong khi tại thị trường nhập khẩu của VN họ đã điều chỉnh rất mạnh, như châu Âu giảm giá đồng tiền của mình tới 18%, Nhật Bản giảm 17%. Ngay các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với VN như Ấn Độ, Bangladesh… cũng giảm giá đồng tiền từ 10-20%, Trung Quốc giảm 8%.
Điều này khiến hàng hóa VN đắt hơn hàng các nước khác từ 10-16%. Thêm vào đó, việc liên tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng thêm gánh nặng tăng chi phí đầu vào của DN. Chi phí lãi vay ngân hàng quá cao cũng làm tăng chi phí sử dụng vốn.
Hiện nay, mức lãi suất mà các DN dệt may vay từ 8-10%/năm, tức là gấp 2-3 lần so với các nước cùng cạnh tranh khác, làm hàng của VN đắt hơn từ 2-4%.
Ông Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), công nhận khi các nước nới lỏng tỉ giá mà VN không nới thì xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhưng dệt may có thể tăng trưởng chậm lại chứ khó tăng trưởng âm.
Ông Độ cho rằng sẽ khó để Ngân hàng Nhà nước giảm giá VND bởi điều hành tỉ giá có nhiều mục tiêu. Khó có khả năng VN phá tiền đồng trên 5% để hỗ trợ xuất khẩu nhưng ông Độ nêu nếu thời gian tới Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỉ giá 0,5-1% và lãi suất giảm tiếp thì DN dệt may sẽ “dễ thở” hơn.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, các khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối mặt trong thời gian qua khó có thể giải quyết “một sớm một chiều”. Nhưng để duy trì việc làm cho người lao động, trước mắt Agtek đã chủ động kết nối các DN đang có nhiều đơn hàng với các DN có ít đơn hàng để chia sẻ.
Đồng thời, đã liên hệ với một số nhà phân phối, các thương hiệu thời trang nội địa để giúp DN sản xuất có hợp đồng cung ứng cho thị trường trong nước khi dịp lễ, tết cuối năm đang đến gần.
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ là tạm thời. Tương lai, ông Hồng cho rằng DN dệt may cần cải tiến năng suất lao động để có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn, cũng như tái cấu trúc mô hình sản xuất, phương thức xuất khẩu nếu không muốn tiếp tục rơi vào tình thế bị động.
“Chưa năm nào giảm mạnh như thế” Ông Ngô Đức Hòa, chủ tịch HĐQT Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi, nêu so với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng của công ty ông đang giảm khoảng 15-20%. “Chưa có năm nào đơn hàng giảm mạnh như thế” – ông Hoà đánh giá. Theo Tổng cục Hải quan, lần đầu tiên xuất khẩu dệt may sụt trong nửa cuối tháng 7. Đến nửa đầu tháng 8, hàng dệt may xuất khẩu tiếp tục giảm 4%. Tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng khiến ngành dệt may phải điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu năm nay xuống còn 29 tỉ USD. |