Rào cản lợi ích nhóm khi thoái vốn các “ông lớn”
Thủ tướng chỉ đạo bán vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp lớn là tín hiệu tốt. Nhưng để có kết quả, cần vượt qua lợi ích nhóm, có chế tài và phải cẩn trọng trước nguy cơ thất thoát lúc giao thời…
Rào cản lợi ích nhóm khi thoái vốn các “ông lớn”
Thủ tướng chỉ đạo bán vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp lớn là tín hiệu tốt. Nhưng để có kết quả, cần vượt qua lợi ích nhóm, có chế tài và phải cẩn trọng trước nguy cơ thất thoát lúc giao thời…
Tổng công ty Bia rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco) cổ phần hóa đã lâu nhưng chưa niêm yết. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, doanh nghiệp này phải niêm yết rồi Nhà nước sẽ thoái vốn tại đây. Trong ảnh: một dây chuyền sản xuất bia của Habeco – Ảnh: C.V.KÌNH |
“Cần chú ý nhóm lợi ích có thể liên kết với nhà đầu tư nước ngoài để mua lại cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp. Vấn đề này không thể không loại trừ |
TS Ngô Minh Hải |
Đó là ý kiến của TS Ngô Minh Hải, phó chủ nhiệm thường trực câu lạc bộ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.
Theo ông Hải, ngay những năm 1995-1996 đã thành lập Ban đổi mới DNNN để cổ phần hoá, thoái vốn. Tuy nhiên, gần 20 năm qua vẫn tiến triển rất chậm và thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân thì nhiều nhưng quan trọng nhất là có những rào cản đến từ lợi ích nhóm.
TS Ngô Minh Hải |
* Ông có nghĩ việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh hơn theo chỉ đạo của Thủ tướng?
– Chỉ đạo của Thủ tướng có ý nghĩa rất lớn, nhưng việc này có chuyển biến hay không còn là cả hệ thống. Cần phải làm rõ, chỉ đạo nhưng phải gắn với chế tài cụ thể, nếu không làm được thì phải thế nào, ai là người chịu trách nhiệm? Nên mọi chuyện không đơn giản.
Cụ thể, yêu cầu đưa lên sàn thì ai sẽ giám sát và có chế tài gì? Cần ra thời hạn trong vòng mấy tháng mà không hoàn thành, ví dụ như ở Bộ Công thương, nếu không thoái vốn được ở hai công ty rượu bia – nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công thương có dám chịu trách nhiệm và từ chức hay không? Vấn đề này cần nhắc đến. Theo tôi, Bộ Công thương đang có nhiều tàn dư không tích cực từ thời kỳ trước để lại. Chẳng hạn như với Sabeco, hiện lùng nhùng chuyện nhân sự, các vị trí chủ chốt đều là con của nguyên lãnh đạo cấp cao, cậu ấm con quan cả.
Trong khi Thủ tướng lại tiếp tục giao Bộ Công thương thực hiện bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp này thì liệu có minh bạch hay không?
Cũng cần nói thêm là năm trước yêu cầu cổ phần hóa 425 doanh nghiệp nhưng giờ gần hết năm 2016 rồi vẫn chưa xong, vậy ai chịu trách nhiệm trong chuyện đó?
* Thủ tướng trong chỉ đạo phải lưu ý chuyện lợi ích nhóm. Vậy theo ông, chống lợi ích nhóm bằng cách nào?
– Lợi ích nhóm bản chất là tham nhũng, vậy ai là những người có thể tham nhũng được? Lâu nay nhiều DNNN, lãnh đạo DNNN vẫn bám vào bầu sữa Nhà nước, ngoài đất đai thì vốn, tài sản… để lợi dụng. Nhiều người tài không được làm việc, còn những người không có năng lực, thuộc “hậu duệ”, bè phái thì được trọng dụng.
Như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, từ người đi buôn bán ở Đông Âu về, cất nhắc nhiều vị trí rồi làm chủ tịch Tổng công ty Xây lắp dầu khí và làm thất thoát hơn 3.000 tỉ đồng, vẫn rút êm xong lại được bầu vị trí quan chức và suýt làm đại biểu Quốc hội. Chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là điển hình thôi, có nhiều trường hợp na ná như vậy nhưng chưa được làm rõ.
Do đó, cùng quá trình đổi mới doanh nghiệp, cần hoàn thiện bộ máy quản lý nữa. Cần cải tổ hoàn toàn cách thi tuyển và tuyển dụng cán bộ, bắt đầu từ yếu tố con người và thể chế.
Cần tổ chức thi cử, xem lại bằng cấp và chọn người có thực tài, cạnh tranh lành mạnh. Quan trọng nhất là mọi thứ phải minh bạch, khi làm quản lý vốn nhà nước, làm chủ doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm giải trình nếu như doanh nghiệp không sinh lời.
* Bộ KH-ĐT đưa ra dự thảo thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước, nhằm tách quyền chủ sở hữu ra khỏi việc quản lý. Liệu mô hình đó có chống được lợi ích nhóm?
– Nếu thành lập ủy ban thì vấn đề nhân sự sẽ như thế nào? Cũng là nhân sự từ các cấp ủy, các bộ ngành cử người tham gia, tên gọi thì khác nhưng không khác gì Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nó làm phình to thêm bộ máy hành chính và tiêu tốn tiền ngân sách.
Thực tế, khi Nhà nước thành lập SCIC, không có vai trò gì nhưng phải bỏ hàng nghìn tỉ để trả lương cho nhau và có những ông quản lý lương đến vài trăm triệu một tháng. SCIC đã làm gì, hoạt động kinh doanh là của những doanh nghiệp kia chứ có phải của SCIC đâu mà hưởng lương như vậy?
Tôi cho rằng chỉ nên giữ lại rất ít DNNN làm công việc liên quan đến hoạt động xã hội, công ích, còn những doanh nghiệp kinh doanh thì nên thoái vốn hết, để cho tư nhân, những người có trình độ quản trị tốt làm.
Nếu vẫn để tồn tại các tập đoàn kinh tế, thành lập uỷ ban quản lý thì tôi e không hiệu quả. Thay vì thành lập ủy ban, hãy đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, buông ra để các thành phần khác tham gia.
* Nguyên bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng nói cổ phần hóa số lượng thì nhiều, nhưng thực ra mới được khoảng 5% vốn nhà nước. Số lớn đang nằm ở những tập đoàn lớn như điện lực, than và dầu khí…
– Đối với điện lực, than và dầu khí, dù phần nào được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ tỉ lệ quá lớn và quyền chi phối lớn nhất là bổ nhiệm lãnh đạo. Còn nếu tiếp tục để như vậy, DNNN độc quyền sẽ sinh ra ỷ lại, làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ và dẫn tới tham nhũng.
Do đó, cổ phần hóa càng mạnh thì những người mua cổ phần, là cổ đông ở đó sẽ là những người giám sát tốt nhất các hoạt động của doanh nghiệp. Thực hiện phải có quyết tâm chính trị và phải có chế tài cho những đơn vị nào chậm chạp, không làm theo đúng lộ trình, không quy trách nhiệm rõ.
* Theo ông, có nên cử cán bộ bàn giấy từ các bộ ngành về doanh nghiệp? Nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước nhiều rất ngán chuyện này?
– Quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp là nhân sự. Một công ty cổ phần hóa rồi thì người lãnh đạo công ty phải do đại hội đồng cổ đông quyết định theo đúng Luật doanh nghiệp chứ không phải do quy hoạch và được trung ương, bộ ngành cử về như hiện nay.
Nên hạn chế việc điều chuyển cán bộ từ các bộ ngành về, hãy ưu tiên nhân sự tại doanh nghiệp, cần quy định trong trường hợp đặc biệt nào đó mới chuyển người về để tránh lợi ích nhóm, kiểu “anh bổ nhiệm em, em có trách nhiệm với con anh” hoặc “bổ nhiệm đệ tử, về hưu nó sẽ lo cho mình”…
Trường hợp kinh doanh không hiệu quả, các bộ ngành cần tăng cường yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả từ chức để người có tài làm. Hiện ở ta đã quy hoạch rồi, dù có thua lỗ vẫn cứ để cho làm, có nhiều cách để hỗ trợ như miễn thuế, giảm thuế, ưu đãi, cơ chế đặc biệt… sẽ chỉ làm tình trạng chạy chọt, tham nhũng tăng lên.
TS Huỳnh Thế Du (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright): Cẩn trọng để tránh mất tiền nhà nước Nhà nước mãi không buông nhiều hoạt động là do vấn đề bên trong. Cho dù các trục trặc do sự tham gia của Nhà nước rất hiển nhiên, nhưng do chúng mang lại lợi ích cho một số cá nhân nên họ tìm cách cản trở việc chuyển giao với những lý do hết sức to tát, đặc biệt là vin vào chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Thoạt nhìn, quy mô các doanh nghiệp dự kiến được bán có vẻ lớn, nhưng nếu không giới hạn người mua là ai thì chúng lại rất nhỏ trên thị trường toàn cầu (có khi còn không đạt quy mô tối thiểu để nhiều nhà đầu tư quan tâm). Mấu chốt là làm sao có được một quá trình đấu giá minh bạch để những người muốn tham gia đều có thể tham gia được. Lúc này, người sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất (trả giá cao nhất) sẽ mua. Việc xác định giá trị đất đai riêng là cần thiết do khi chuyển giao có thể có vấn đề tranh tối tranh sáng, tạo kẽ hở cho trục lợi. Cần xem xét từng loại tài sản để biết giá trị của chúng, từ đó xác định giá trị cổ phần hoá, bán đúng giá, tránh thất thoát, mất tài sản nhà nước. |