Nhiều nông dân ở Hội An (Quảng Nam) tham gia trồng rau hữu cơ (organic) không chỉ đảm bảo sức khoẻ cho chính mình mà còn góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nâng cao đời sống kinh tế và phát triển du lịch địa phương.
Nông dân organic
Nhiều nông dân ở Hội An (Quảng Nam) tham gia trồng rau hữu cơ (organic) không chỉ đảm bảo sức khoẻ cho chính mình mà còn góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nâng cao đời sống kinh tế và phát triển du lịch địa phương.
Hơn 2 năm tham gia sản xuất tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An), ông Phạm Mèo (63 tuổi) đã thay đổi rất nhiều thói quen xấu trong canh tác. Ông tự nhận mình từ một “nông dân hoá học” đã dần trở thành một “nông dân sinh thái” bằng cách bỏ hẳn việc sử dụng thuốc, phân có nguồn gốc hoá chất và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng 6.300 m2 là nơi sản xuất của nhóm 10 hộ dân, ông Mèo cho biết mỗi hộ dân tham gia được chia đều diện tích và phân lô để gieo trồng. Mỗi khoảnh đất được cắm biển, đánh số để dễ dàng quản lý. “Không ai hình dung được, từ chỗ mỗi năm chỉ canh tác được khoảng 6 tháng với các loại cây như bắp, đậu… thì nay nông dân chúng tôi buộc đất “đẻ ra tiền” quanh năm. Thu nhập từ chỗ chỉ khoảng 6 triệu đồng/năm thì nay chúng tôi trồng trọt khoảng 3 tháng là đã gấp đôi số đó”, ông Mèo nói.
Diệt sâu bọ bằng… thảo mộc
Nhìn vườn rau hữu cơ không khác gì so với các vườn rau trồng theo cách bình thường. Tuy vậy, nếu để ý kỹ có thể thấy dọc lối đi chính, các hộ nông dân đều lắp đặt một tủ thuốc trông rất lạ mắt như một dấu hiệu để phân biệt. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Mèo dừng chân rồi lấy một bình thuốc ra giới thiệu: “Đây là tủ thuốc thảo mộc do chúng tôi tự chế từ rượu với tỏi, gừng, ớt. Để xua đuổi hoặc diệt sâu, bọ, chúng tôi dùng các loại thuốc này phun lên, đảm bảo thành công mà rất an toàn cho các loại rau, củ…”. Theo ông Mèo, trồng rau hữu cơ thường ít chi phí hơn do bớt tiền mua các loại phân, thuốc… “Thuốc thì đã có thảo mộc, còn phân thì sử dụng phân chuồng ủ với phân xanh, chế phẩm nên cũng ít tốn kém hơn”, ông Mèo nói thêm.
Ông Phạm Mèo giới thiệu tủ thuốc thảo mộc dùng xua đuổi côn trùng gây hại
Khi tham gia vườn rau hữu cơ, các nông dân phải tuân theo những nội quy hết sức chặt chẽ. Trong 1 tháng, mỗi hộ phải gieo trồng đúng các loại rau, củ đã được quy định để đến khi xuất bán hộ nào cũng có rau bán ra. Năng suất có thể không cao bằng canh tác thông thường, nhưng đầu ra thì không bao giờ phải lo lắng. “Bởi người tiêu dùng một khi đã tin tưởng thì giá rau hữu cơ có cao hơn vài ngàn đồng so với giá thị trường người ta vẫn sẵn sàng bỏ tiền để mua về dùng, nhất là các nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn”, ông Mèo tiếp lời.
Không ai hình dung được, từ chỗ mỗi năm chỉ canh tác được khoảng 6 tháng với các loại cây như bắp, đậu… thì nay nông dân chúng tôi buộc đất “đẻ ra tiền” quanh năm. Thu nhập từ chỗ chỉ khoảng 6 triệu đồng/năm thì nay chúng tôi trồng trọt khoảng 3 tháng là đã gấp đôi số đó
ông Phạm Mèo, Trưởng nhóm hộ trồng rau Thanh Đông
Hiện mỗi ký rau màu có giá 50.000 đồng, rau ăn lá và củ, quả cùng có giá 30.000 đồng/kg. So với giá cả chung thì mỗi loại đều đắt hơn 20% nhưng vườn rau hữu cơ Thanh Đông chưa bao giờ thiếu khách, thậm chí họ phải từ chối nhiều đơn hàng ngoài địa phương do sản phẩm làm ra vẫn còn ít so với nhu cầu. Đáng chú ý, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, rau hữu cơ không được tuỳ tiện tăng giá mà giá phải thông qua hiệp thương. Cho nên, dù hàng có khan hiếm thì nông dân vẫn giữ nguyên giá bán đã được thống nhất trước đó.
Thương hiệu “hoi an Organic”
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông là mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại TP.Hội An, được sự giúp đỡ và hướng dẫn của UBND xã Cẩm Thanh, Phòng Kinh tế TP và Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD). Hiện mô hình này đã được nhân rộng với các cơ sở Hiền Đông (Cẩm Châu) của 1 hộ dân, diện tích 500 m2; nhóm Cánh Én (Cẩm Thanh) với 4 hộ sản xuất trên 2.000 m2. Năm 2014, sau khi chọn thành lập vườn rau tại Thanh Đông, ACCD hỗ trợ cho nông dân nâng cao năng lực sản xuất cũng như giúp đỡ về khâu bán hàng… Song song đó, từ tháng 4.2014, các chuyên gia đã hình thành hệ thống Đảm bảo cùng tham gia (PGS) gồm 15 thành viên, đại diện cho các tổ chức nhà nước, các cơ quan kỹ thuật, tổ chức chính trị – xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp, hộ nông dân và người tiêu dùng. Từ việc thành lập PGS Hội An, thương hiệu “Hoi An Organic” cũng được hình thành.
Một cán bộ ACCD cho biết, PGS là hệ thống có vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng rau hữu cơ cũng như đảm bảo hình thức canh tác rau hữu cơ được thực hiện nghiêm túc. Với 22 tiêu chuẩn, PGS Hội An có nhiều điều nghiêm cấm nông dân như: cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất tổng hợp kích thích sinh trưởng; không được phép sản xuất song song (các cây trồng trong ruộng hữu cơ phải khác với các cây được trồng trong ruộng thông thường để tránh việc rau không rõ nguồn bị tuồn vào bán cùng với rau hữu cơ)… Các thành viên trong hệ thống PGS Hội An với sự tham gia của nông dân trực tiếp sản xuất được tập huấn rất bài bản và được gọi là thanh tra viên.
“PGS Hội An sẽ tổ chức thanh tra 2 lần/năm các vườn trồng rau hữu cơ. Ngoài ra khi có thông tin, phản hồi xấu, PGS sẽ tiến hành thanh tra đột xuất. Nếu một hộ dân vi phạm sẽ bị rút giấy chứng nhận của cả nhóm hộ. Bên cạnh đó, các vườn rau hữu cơ và giữa các hộ trồng rau sẽ giám sát chéo lẫn nhau”, cán bộ ACCD cho biết.
Mở tour du lịch đến vườn rau hữu cơ
Được sự hướng dẫn của ACCD, vườn rau hữu cơ Thanh Đông đã mở 2 dạng tour đón khách du lịch đến trải nghiệm và phục vụ học sinh tham quan, học tập tại vườn. Khi đến vườn rau, khách được nghe nông dân thuyết trình về cách thức gieo trồng rau hữu cơ cùng những thông tin liên quan. Nông dân chỉ nhận thù lao “hướng dẫn viên” với mức giá vài chục ngàn đồng. Một cán bộ ACCD cho biết, hiện có các chương trình cho học sinh tham quan ngoại khóa theo các chủ đề nông nghiệp phù hợp với lứa tuổi. Đối với học sinh cấp 1 là chương trình “Bé làm nông dân nhí”, cấp 2 là “Bạn là nông dân thông thái” và cấp 3 là “Học mà chơi – Chơi mà học”.
Hiện nay, Hội An đã lập đề án mở rộng mô hình sản xuất rau hữu cơ với hàng chục héc ta tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà).