23/12/2024

Đức Maria, hình ảnh tuyệt hảo về sự tự do và giải thoát của nhân loại

“Qua lời “xin vâng” đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), nhân danh toàn thể nhân loại, Đức Maria trong lịch sử đã chấp nhận Đấng do Chúa Cha gửi tới, Đấng Cứu Chuộc loài người.

Suy niệm lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1,26-38

“Lạy Cha, Cha đã chuẩn bị đức Trinh nữ Maria… và giữ cho ngài không hề vương tội ngay từ giây phút đầu tiên tượng hình”. Trong thực tế, không cần nói gì thêm. Cụm từ này, lấy từ kinh nguyện nhập lễ hôm nay, tuy chỉ vắn tắt ít lời, mà tóm lược mọi sự chúng ta cử hành ngày hôm nay.

Trong sách Sáng thế, một vài câu ở trước bài đọc hôm nay, ta thấy: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”.. Liền có như vậy.” Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp …” (St 1,28-31).

Có hai điểm rất quan trọng ở đây. Tại điểm thứ nhất, Thiên Chúa Cha ban cho tổ tiên chúng ta quyền thống trị mọi tạo thành. Điều quan trọng là cần nhớ rằng với sự “sa ngã của Ađam”, “kế hoạch của Tạo Hoá, ý nghĩa của các thụ tạo – trong đó có con người, được kêu gọi canh tác và chăm sóc tạo vật – vẫn không thay đổi” (TLHTXH, 256).

Tại điểm thứ hai, tác giả sách Sáng thế bảo rằng, vì bây giờ con người đã được thêm vào tạo thành, không chỉ là tốt… như ánh sáng và bóng tối, biển cả và đất khô, cá, chim và thú vật đã được mô tả… nhưng bây giờ thì tạo thành rất tốt.

“Ađam và Evà đã phạm tội. Họ đã làm tan vỡ mối quan hệ tin tưởng và hòa hợp với Thiên Chúa và sự ích kỷ của họ đã làm cho họ quên rằng họ đã “nhận mọi sự như quà tặng nhưng không và họ vẫn chỉ là thụ tạo chứ không phải là Tạo Hoá. Ađam và Eva phạm tội chính là do cám dỗ này: “Ngươi sẽ trở thành Chúa” (St 3,5). Họ muốn thống trị tuyệt đối trên mọi sự mà không phải phục tùng ý muốn của Tạo Hoá. Kể từ lúc đó, đất đai trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, thù nghịch một cách tệ hại (x. St 4,12); chỉ khi nào đổ mồ hôi trán, con người mới gặt hái được kết quả (x. St 3,17.19)” (256).

Không phải mọi sự đã bị mất hết. Thiên Chúa hứa: “Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Tuy nhiên, mối quan hệ tin tưởng và hòa hợp phải được tái lập. Qua các thời đại lời hứa được lập lại. Bây giờ, đã đến lúc mạc khải kế hoạch Thiên Chúa cứu độ chúng ta.

Trong thư gửi tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô vui mừng vì “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta… Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”.

Rõ ràng Thánh Phaolô hiểu rằng mối quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được chữa lành. Trong cuộc sống, sự dâng hiến, cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu, ta ý thức rằng ta đã được đổi mới như những người được Thiên Chúa yêu bởi vì Người đã nhận ta làm nghĩa tử qua Đức Kitô.

Trong Phúc âm Thánh Luca, ta nghe những lời quan trọng nhất từng được nói ra. Quan trọng hơn cả những lời của Đức Giêsu trong Phúc âm: “Tội của chị đã được tha rồi… Lòng tin của chị đã cứu chị. Hãy đi bình an” (Lc 7,48-50); hoặc “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14, 22); hoặc “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39); hoặc ngay cả: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha!” (Lc 23,46) hay sao?

Vâng, lời đáp của đức Maria đối với lời loan báo của sứ thần là những lời quan trọng nhất đã từng được nói ra. Lúc đó, như đức Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng tôi” (Ga 1,14). Đây là kế hoạch của Chúa Cha. Tuy nhiên, không có lời nói và hành động của Đức Giêsu có thể được nghe hay được thấy mà không có sự đáp trả của lòng tin và sự tín thác đã được thực hiện tại “một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, [bởi] một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse” (Lc 1,26).

Bỗng nhiên ta không còn bị mất mát. Lời hứa của Thiên Chúa Cha đã được ứng nghiệm. Câu truyện cứu độ đi vào khúc quanh đầy kịch tính trong khi mối quan hệ mà trước kia nhân loại đã có đối với Thiên Chúa, bị đánh mất vì tội của Ađam và Evà, đã được làm mới và ta sẽ được cứu.

“Qua lời “xin vâng” đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), nhân danh toàn thể nhân loại, Đức Maria trong lịch sử đã chấp nhận Đấng do Chúa Cha gửi tới, Đấng Cứu Chuộc loài người. Trong kinh “Magnificat”, ngài công bố Mầu nhiệm Cứu Độ đến, sự xuất hiện của “Đấng Mêsia của người nghèo” (x. Is 11,4; 61,1). Thiên Chúa của Giao Ước, mà Đức Trinh Nữ người Nazareth cất tiếng ca trong tinh thần hân hoan, là Đấng lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn, cho kẻ nghèo đói được no đủ, đuổi người giàu có trở về tay không, đánh tan tác kẻ kiêu ngạo và tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài (x. Lc 1,50-53).

Khi ngước nhìn tâm hồn Đức Maria, ngước nhìn đức tin sâu thẳm của ngài biểu lộ qua kinh “Magnificat”, các môn đệ Đức Kitô được mời gọi hãy làm mới lại một cách đầy đủ hơn “ý thức rằng sự thật về Thiên Chúa cứu độ, sự thật về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn huệ không thể tách rời sự tỏ bày tình thương ưu ái của Người dành người nghèo khó và khiêm tốn, tình thương này, được ca tụng trong kinh Magnificat, về sau được bày tỏ trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu”. Đức Maria hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa và hướng trọn vẹn về Người nhờ sức thúc đẩy của đức tin của ngài. Ngài là “hình ảnh trọn vẹn nhất về sự tự do và giải thoát của nhân loại và vũ trụ” (59).

Ta hãy cầu nguyện để ta có thể theo gương của ngài mọi ngày trong đời ta.

Đan Quang Tâm dịch