Nhật đòi Trung Quốc giải thích việc lắp đặt rađa
Ngày 7-8, chính quyền Tokyo phản ứng quyết liệt sau khi phát hiện Trung Quốc lắp đặt rađa gần khu vực tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cùng ngày, Nhật tiếp tục phản đối lần xâm phạm lãnh thổ thứ hai liên tiếp của Trung Quốc.
Nhật đòi Trung Quốc giải thích việc lắp đặt rađa
Ngày 7-8, chính quyền Tokyo phản ứng quyết liệt sau khi phát hiện Trung Quốc lắp đặt rađa gần khu vực tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cùng ngày, Nhật tiếp tục phản đối lần xâm phạm lãnh thổ thứ hai liên tiếp của Trung Quốc.
Các tàu chiến Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông từ ngày 1-8. Đợt tập trận bắn đạn thật này rất quy mô với hơn 300 tàu chiến, tàu ngầm và hàng chục máy bay. Từ sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, Bắc Kinh tỏ ra hung hăng hơn – Ảnh: Reuters |
Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo đã gửi công hàm phản đối chính thức sau khi phát hiện Bắc Kinh lắp đặt rađa trên một giàn khoan khai thác khí tự nhiên của nước này ở biển Hoa Đông, gần khu vực đang xảy ra tranh chấp giữa hai bên.
Theo tờ Nikkei, ngoài rađa tìm kiếm bề mặt, Trung Quốc còn lắp thêm camera do thám trên giàn khoan này. Tokyo lo ngại thiết bị rađa này, thường thấy trên các tàu tuần tra và không cần thiết cho hoạt động thăm dò khai thác khí tự nhiên, cho thấy ý đồ của Trung Quốc biến nhà giàn này như một trạm do thám quân sự và củng cố năng lực quân sự ở biển Hoa Đông.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết nước này đã phát hiện rađa của Trung Quốc từ tháng 6-2016 và đã yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ mục đích của thiết bị này. Trước đó, Tokyo cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc xây dựng các giàn khai thác dầu khí ở biển Hoa Đông, cho rằng hành động đơn phương vi phạm thoả thuận mà hai bên ký năm 2008 về việc duy trì hợp tác phát triển nguồn tài nguyên ở vùng biển này.
Căng thẳng tiếp tục dâng lên khi cùng ngày Nhật Bản lại phát hiện hai tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 10g sáng, giờ địa phương. Ngoài ra, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản còn nhìn thấy bảy tàu khác của Trung Quốc ở vùng tiếp giáp với khu vực trên, theo Kyodo News.
Tuyên bố của Bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết Thứ trưởng ngoại giao Shinsuke Sugiyama đã trao công hàm phản đối cho đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa. Đây là phản đối thứ hai liên quan đến vấn đề này trong cuối tuần qua.
Trước đó, 230 tàu cá cùng 7 tàu hải cảnh Trung Quốc, trong đó 1 tàu trang bị súng, cũng đã xuất hiện tại khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 6-8.
Trong phản đối hôm 6-8, Tokyo đã nhấn mạnh hoạt động vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh là “không thể chấp nhận được”.