Vì sao Trung Quốc hò hét “chuẩn bị hải chiến”?
Việc Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn lên giọng ban huấn lệnh cho thuộc hạ trong chuyến thị sát đến tỉnh Chiết Giang “nên chuẩn bị hải chiến”, “cần chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển”… không là điều gây bất ngờ.
Vì sao Trung Quốc hò hét “chuẩn bị hải chiến”?
Việc Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn lên giọng ban huấn lệnh cho thuộc hạ trong chuyến thị sát đến tỉnh Chiết Giang “nên chuẩn bị hải chiến”, “cần chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển”… không là điều gây bất ngờ.
Quân đội Trung Quốc tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – Ảnh: Reuters |
Những phát biểu như thế xuất phát từ não trạng bành trướng được nêu trong kế hoạch năm năm được công bố trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc năm ngoái và đã được hun đúc từ năm này qua năm khác kể từ khi đất nước – công xưởng thế giới này có được của ăn của để, tuy đã tạm gọi là bớt nghèo song ngày càng có những khát vọng và thách đố mới, cấp bách hơn.
Những vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước đông dân nhất thế giới này chính là cội nguồn sâu xa của những phát biểu cùng kế hoạch quân sự ngày càng “đao to búa lớn” trong ý đồ lấy chiêu bài “bảo vệ giang san” che khuất những thôi thúc nóng bỏng trong nước.
Những thôi thúc đó, theo World FactBook: (1) làm sao có được cơ hội tìm được lương cao hơn để có được một cuộc sống trung lưu, kể cả số dân nông thôn bỏ xứ đi lập nghiệp cùng số sinh viên tốt nghiệp;
(2) ít gánh nặng tham nhũng cùng các tội ác kinh tế hơn;
(3) kiềm chế được những tổn thất môi trường cùng xung đột xã hội xuất phát từ quá trình biến đổi kinh tế quá nhanh;
(4) bớt dị biệt phát triển giữa các tỉnh duyên hải với các tỉnh sâu trong lục địa hơn…
Nếu nhớ rằng riêng dân nông thôn phải di cư kiếm sống vào năm 2014 lên đến hơn 274 triệu người (cả người lao động lẫn thân nhân), tức 20% dân số, thì có thể thấy sức ép của các vấn đề trong nước là nặng nề đến đâu cho nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Sửa đổi để đáp ứng những thách đố và khát khao đó của 1/5 dân số không hề đơn giản chút nào khi đó là những vấn đề “kinh niên” không dễ gì chỉnh sửa. Giảm nạn tham nhũng cho dân bớt gánh nặng không chỉ đơn giản bằng một số vụ “đả hổ”.
Giải quyết được những hậu họa môi trường không phải một sớm một chiều và không đụng chạm đến những “hang ổ” lợi ích đã xơ cứng thành “thành trì”.
Làm gì để thay đổi nền kinh tế nông nghiệp để bớt đi làn sóng tha phương cầu thực đang chiếm đến 1/5 dân số cũng đang là chuyện đội đá vá trời cũng như chuyện tạo công ăn việc làm cho người trẻ mới ra trường.
Làm sao san sẻ lợi ích kinh tế – xã hội cho các tỉnh vùng sâu vùng xa của các “dân tộc anh em” như Tây Tạng, Tân Cương… khi mà mặc cho những kế hoạch dẫn nước về miền tây, dòng nước ngọt vẫn chưa về được tới đấy trong khi danh sách những tỉ phú đôla cứ ngày càng tăng cùng với chiều cao của các toà tháp ở Thượng Hải, Thâm Quyến, dòng du khách bay sang Las Vegas không phải để vô casino mà để xếp hàng mua túi xách thời trang cứ dài rồng rắn ở các đại siêu thị hai đầu thành phố này?
Càng bức bách hơn nữa khi mà cái tự cho là tính chính danh trên biển, cái “đường chín đoạn” tự vẽ ra đó, đã bị lật đổ bằng phán quyết ngày 12-7 của Toà trọng tài, một phán quyết mà chỉ mỗi Bắc Kinh phủ định giá trị.
Từ đó càng khuấy động hơn nữa cuộc chiến tranh tâm lý, càng nặn ra những mối đe dọa “tứ bề thọ địch” để cố giành được “lòng dân” bằng cách kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa khi nặn ra những “mối đe doạ đến từ biển” như bộ trưởng quốc phòng Thường Vạn Toàn hoặc những quan chức khác đang ra sức hò hét.
“Đe dọa từ biển” thế nào được khi mà tất cả ngoại trưởng ASEAN, trong thông cáo chung mới đây ở Vientiane, đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong mọi hoạt động, kể cả bồi đắp đất đai có thể làm cho tình hình thêm phức tạp và căng thẳng leo thang trên Biển Đông”?
Nếu Bộ trưởng Thường Vạn Toàn thành tâm lắng nghe lời kêu gọi đó, khi tất cả, kể cả Bắc Kinh, cùng hiền hòa thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), như Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về việc này, thì Thái Bình Dương sẽ thái bình rồi, ông Toàn đâu phải hò hét “chuẩn bị hải chiến”!