25/12/2024

Tàu ngầm Mỹ tấn công mạng

Các tàu ngầm của Mỹ không những là công cụ nghe lén mà còn là vũ khí tấn công mạng hơn hẳn các nền tảng và thiết bị khác.

 

Tàu ngầm Mỹ tấn công mạng

Các tàu ngầm của Mỹ không những là công cụ nghe lén mà còn là vũ khí tấn công mạng hơn hẳn các nền tảng và thiết bị khác.




Tàu ngầm hạt nhân USS Annopolis  /// Hải quân Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân USS AnnopolisHẢI QUÂN MỸ


Hồi tuần trước, dư luận Mỹ đã dậy sóng khi ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Donald Trump kêu gọi tin tặc Nga đào bới kho thư điện tử của đối thủ Dân chủ là bà Hillary Clinton thời bà này còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Hành động này, theo tờ The Washington Post, không chỉ gây rò rỉ thông tin an ninh quốc gia, mà còn phá hoại cơ sở hạ tầng an ninh của Mỹ.
Tuy nhiên, ít người biết Mỹ cũng hoạt động tích cực không kém các chính phủ nước ngoài trên chiến trường “ảo”. Trên thực tế, quân đội nước này đã tận dụng các tàu ngầm tối tân làm nền tảng tấn công mạng từ lòng biển.
Tàu ngầm trên tuyến đầu
Theo tờ The Washington Post, 2 quan chức hải quân Mỹ tham gia một hội nghị mới đây tại Washington D.C đã tiết lộ tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dàn trận trên internet. Chúng không những bảo vệ Mỹ trước những đợt tấn công mạng, mà đáng ngạc nhiên là còn trực tiếp tham gia vào những đợt tấn công nhằm xuyên thủng mạng lưới phòng ngự của các hệ thống nước ngoài.
Chuẩn đô đốc Michael Jabaley, quan chức phụ trách chương trình tàu ngầm của hải quân Mỹ, cho hay năng lực tham chiến trên mạng của tàu ngầm đang được đánh giá cực cao.
Dù không thể tiết lộ đầy đủ thông tin vì lý do an ninh, Chuẩn đô đốc Jabaley nhấn mạnh: “Chúng tôi triển khai các tàu ngầm trên những tuyến đầu và chúng tham gia hết sức chặt chẽ, với mức độ kỹ thuật cao nhất, thực hiện chính xác mỗi mệnh lệnh được nạp vào hệ thống”.
Hoạt động được mệnh danh là “sự phục vụ thầm lặng” của tàu ngầm đã có lịch sử lâu đời. Vào thập niên 1970, chính quyền Washington đã ra lệnh cho hạm đội tàu ngầm nước này kết nối với các đường cáp viễn thông ngoài khơi lãnh thổ Liên Xô để thu thập những thông điệp truyền qua lại giữa các lực lượng của đối thủ. Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã tiếp nối truyền thống đó bằng cách theo dõi cáp quang ngầm trên thềm các đại dương để thu thập thông tin tình báo.
Tàu ngầm Mỹ tấn công mạng - ảnh 1

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) được cho đã theo dõi cáp quang ngầm trên thềm các đại dương để thu thập thông tin tình báoREUTERS

Thậm chí, tờ The Washington Post còn dẫn nhiều trường hợp chính phủ Mỹ đã đạt được các thỏa thuận bí mật với những nhà cung cấp cáp viễn thông để đảm bảo rằng gián điệp nước này có thể giành được quyền truy cập an toàn vào kho thông tin được truyền dẫn qua các đường ống dưới biển.
Hiện một số tàu ngầm Mỹ được trang bị những loại ăng ten phức tạp, có thể được sử dụng để chặn và điều khiển lưu lượng truyền thông của đối phương, đặc biệt đối với những mạng an ninh yếu hoặc không được mã hoá. “Chúng tôi bám sát mục tiêu ở bất kỳ nơi nào”, theo Stewart Baker, cựu luật sư trưởng của NSA. Ông Baker thừa nhận việc triển khai những cuộc tấn công mạng dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với công tác phòng thủ.
Mẫu hạm do thám
Một trong những tàu ngầm tấn công mạng hàng đầu của Mỹ là USS Annapolis hiện tham gia vào mạng lưới gián điệp có quy mô lớn, theo tiết lộ từ cựu nhân viên CIA Edward Snowden. Trong một bài viết trên trang Gawker hồi năm ngoái, hai tác giả Adam Weinstein và William Arkin dẫn tài liệu bị rò rỉ cho hay mỗi tuần hải quân Mỹ thực hiện hàng trăm chiến dịch “khai thác mạng lưới máy tính”, trong đó nhiều hoạt động được thực hiện bởi tàu ngầm.
Tàu ngầm Mỹ tấn công mạng - ảnh 2

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden cáo buộc tàu ngầm USS Annapolis đang tham gia vào mạng lưới gián điệp quy mô lớnAFP

“USS Annapolis và các tàu ngầm cùng lớp là những kẻ xâm nhập trong cuộc chiến tranh mạng mới toanh, áp sát bất kỳ đối thủ nào – bên trong khu vực phòng thủ của họ – để phá sóng, phát tín hiệu, đánh lừa và tấn công mạng. Chúng thực hiện việc này thông qua các ăng ten và hệ thống thu thập thông tin tối tân trên tháp chỉ huy, một số là thiết bị độc nhất vô nhị được chế tạo riêng cho các mục tiêu khó vươn tới, đóng vai trò như là hộp đen của chiến trường tương lai”, theo hai ông Arkin và Weinstein.
Tuy nhiên, những điều được mô tả ở trên cũng chưa là gì so với mục tiêu mà hải quân Mỹ muốn đạt được trong thời gian tới: biến tàu ngầm thành “mẫu hạm cho các thiết bị lặn không người lái trong lòng biển”, có thể tự điều khiển để áp sát gần hơn nữa các bờ biển, để phá sóng hoặc tiến hành các chiến dịch tấn công mạng, trong khi cho phép tàu ngầm vẫn giữ khoảng cách an toàn. “Chúng tôi muốn con tàu có thể vươn tầm hoạt động xa hơn nữa”, theo Chuẩn đô đốc Charles Richard, Giám đốc bộ phận chiến tranh dưới nước của hải quân.

 

Thuỵ Miên