Chiến tranh mạng ngày càng khốc liệt
Trong bối cảnh xung đột toàn cầu không ngừng tăng, các chuyên gia cảnh báo chiến tranh mạng xuyên biên giới sẽ ngày càng khốc liệt.
Chiến tranh mạng ngày càng khốc liệt
Trong bối cảnh xung đột toàn cầu không ngừng tăng, các chuyên gia cảnh báo chiến tranh mạng xuyên biên giới sẽ ngày càng khốc liệt.
Một lớp tin học của các học viên quân đội Triều Tiên – Ảnh: Security Affairs |
Liên quan đến vụ tấn công mạng vào Uỷ ban quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ (DNC), ứng viên tổng thống Hillary Clinton vừa lên tiếng cáo buộc tình báo Nga đứng sau hành động này. Đây là quan điểm được đa số chuyên gia an ninh mạng đồng tình dù Washington chưa có kết luận chính thức.
Trước đó một ngày, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cũng thông báo hàng loạt cơ quan chính phủ, tổ chức khoa học và quốc phòng của họ bị tấn công bởi một loại virút do thám chuyên nghiệp…
Người Nga không nói rõ họ nghi ngờ ai thực hiện vụ tấn công nhưng có thể thấy đây là một cao trào mới của cuộc chiến không gian ảo.
Sở hữu khả năng đánh cắp thông tin mật của nước khác không nhất thiết ngăn được thông tin của chính anh bị đánh cắp |
Cựu giám đốc CIA MICHAEL HAYDEN |
Người Mỹ là chuyên gia
Kenneth Geers, nhà phân tích của NATO, nhận định chiến tranh mạng đang bắt kịp “súng ống, đạn cối” như một biện pháp giải quyết “nợ nần” giữa các bên xung đột hoặc cạnh tranh.
Trong vụ DNC chẳng hạn, ý tưởng một quốc gia nào đó dùng công cụ tấn công mạng gây ảnh hưởng đến nền chính trị của Mỹ có thể khiến nhiều người giật mình, nhưng thực tế đây là “chuyện bình thường” lâu nay giữa các cường quốc và người Mỹ vẫn hay xài chiêu này.
“Người Nga cho rằng tất cả các cuộc cách mạng màu sắc ở các nước Liên Xô cũ – cách mạng Da cam, cách mạng Hoa hồng – là do chúng tôi giật dây… Nên tôi nghĩ họ đang ăn miếng trả miếng, chứng tỏ rằng họ cũng có thể chọc phá chúng tôi… Nó mang tính quấy rối nhiều hơn là (giả thiết) cho rằng họ muốn ứng viên X, ứng viên Y nào đó chiến thắng” – cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Michael Hayden trả lời phỏng vấn Express News.
Ông Hayden, người từng chỉ huy Không lực 25 (còn gọi là Cơ quan Tình báo không quân) thuộc Không quân Hoa Kỳ vào thập niên 1990, tiết lộ NSA và Bộ tư lệnh Chiến tranh mạng nhận nhiệm vụ trực tiếp từ nhiều cơ quan hành pháp khác nhau, chịu trách nhiệm phòng vệ nước Mỹ và đồng thời tấn công hệ thống máy tính của các đối thủ.
John Pike, nhà sáng lập trang web globalsecurity.org, chia sẻ ý kiến này: “Họ (NSA) viết ra mã trong khi cố phá mã của các quốc gia khác. Họ nghe trộm điện đàm, cáp quang biển, chặn thư điện tử, theo dõi vệ tinh viễn thông”.
Theo Express News, các tin tặc thuộc trụ sở NSA Texas bị vạch trần thực hiện các vụ tấn công mạng nhắm vào Mexico, Cuba, Colombia, Venezuela và khu vực Trung Đông.
Báo Đức Der Spiegel cũng từng công bố một tài liệu của NSA năm 2006 mô tả “công việc hằng ngày” của họ là nghe trộm hệ thống điện thoại, dùng tài khoản email của khủng bố để phát tán virút và giúp quân đội định vị mục tiêu…
Cơn sóng của tương lai
Bình luận vụ DNC, ông James Bamford – tác giả quyển sách Body of secrets (Tổ chức của những bí mật) về NSA – nhận định những tin tức dạng này sẽ tiếp tục xuất hiện trên mặt báo vì nhân loại đang đi vào kỷ nguyên chiến tranh mạng. “Đây là cơn sóng của tương lai” – ông Bamford nhấn mạnh.
Ông Robert Butler, cựu viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ, tiết lộ Nga từng tấn công hệ thống máy tính của Estonia trong nhiều tuần lễ hồi năm 2007, và sau đó là Gruzia. Hoạt động này cũng bùng phát tại Crimea trước giai đoạn Nga sáp nhập vùng lãnh thổ này. Lẽ tất nhiên Matxcơva không thừa nhận.
Trong khi đó, Mỹ và Israel bị cho là tác giả của Stuxnet, loại virút tung ra với mục đích phá hoại chương trình hạt nhân của Iran. Tạp chí Wired từng gọi công trình này là vũ khí điện tử đầu tiên của thế giới.
Trở lại vụ DNC, đến nay chưa ai hiểu rõ cách thức tin tặc ra tay như thế nào. Nó gợi nhớ đến xìcăngđan Watergate năm 1972, hậu quả khiến tổng thống Nixon phải từ chức hai năm sau đó, nhưng khác ở khái niệm công nghệ. Mục tiêu đột nhập trong vụ DNC là một máy tính, không phải toà Bạch Ốc.
Vụ Watergate có năm người bị bắt trong khi DNC còn không biết mình bị tấn công cho đến lúc thủ phạm tung bằng chứng. Dù thế nào đi nữa, giới chuyên gia cảnh báo những sự kiện vừa qua chỉ là phần nhỏ của những kế hoạch lớn vốn mới chỉ bắt đầu.
Hàn Quốc tố tin tặc Triều Tiên tấn công Hãng tin Yonhap ngày 1-8 dẫn nguồn tin từ Văn phòng Công tố tối cao Hàn Quốc cho biết ít nhất 56 quan chức thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đã bị đánh cắp mật khẩu tài khoản email kể từ tháng 1 đến tháng 6-2016. Theo đó, nhóm tin tặc đã lập ra 27 trang web giả mạo dưới danh nghĩa các cổng thông tin do Bộ Ngoại giao và các trường đại học, tập đoàn liên quan đến quốc phòng vận hành để đánh cắp mật khẩu. Trước đó chỉ vài ngày, cảnh sát Hàn Quốc cho biết tin tặc Triều Tiên đã đánh cắp thông tin cá nhân của hơn 10 triệu khách hàng của công ty mua sắm trực tuyến Interpark. Điều đáng nói, công ty này vẫn không hề biết mình đã bị tấn công cho đến khi nhận được “tối hậu thư” từ nhóm tin tặc vào ngày 11-7 rằng sẽ công bố toàn bộ thông tin khách hàng nếu không trả cho chúng 3 tỉ won. Ngày 28-7, kết quả điều tra cho thấy đoạn mã và địa chỉ IP mà nhóm tin tặc này sử dụng giống hệt các đoạn mã và IP được sử dụng trước đó trong các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc. Chính quyền Seoul trong những năm gần đây liên tục cáo buộc tin tặc Triều Tiên đứng đằng sau các vụ tấn công mạng nhắm vào các học viện quân sự, ngân hàng, các tập đoàn nhà nước, đài truyền hình và thậm chí là một nhà máy điện hạt nhân. Nói với AFP, một quan chức tình báo Hàn Quốc tiết lộ Bình Nhưỡng được cho là đang duy trì một đội quân hơn 1.000 tin tặc, chuyên tấn công vào các cơ quan và quan chức cấp cao của Seoul. |