26/12/2024

Sáng suốt chọn ngành để đăng ký trước ‘giờ G’

Muôn nẻo đường ngành nghề, biết chọn ngành nghề nào để học nhằm phát huy sở trường, năng lực, có việc làm tốt sau khi ra trường… Điều đó, thể hiện sự khôn ngoan, sáng suốt của thí sinh trước thời khắc quyết định.

 

Sáng suốt chọn ngành để đăng ký trước ‘giờ G’

Muôn nẻo đường ngành nghề, biết chọn ngành nghề nào để học nhằm phát huy sở trường, năng lực, có việc làm tốt sau khi ra trường… Điều đó, thể hiện sự khôn ngoan, sáng suốt của thí sinh trước thời khắc quyết định.




Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trao đổi với giảng viên trong thư viện của trường.  /// Ảnh: T.T

Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trao đổi với giảng viên trong thư viện của trường.ẢNH: T.T


Ngay trong thời điểm mà việc chọn ngành, chọn trường đang rất “nóng” như hiện nay thì thí sinh cần có cái đầu “lạnh” để chọn đúng trường, đúng ngành. Nếu không, rất có thể bạn rơi vào tình cảnh “sai một li đi một dặm”.
Chọn ngành sai tương lai u tối
Rõ ràng, chọn ngành cũng là lựa chọn cho tương lai. Chọn sai ngành để học là đưa mình vào một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc, con đường lập nghiệp tiến thân cũng sẽ gian nan hơn.
Câu chuyện của Nguyễn Hồng Khánh là bài học. Đam mê và có năng khiếu vi tính, nhưng trước đây, khi chọn ngành học thì Khánh lại chọn quản trị kinh doanh. Quyết định này là để chiều lòng gia đình, vì bố mẹ, anh chị bảo “ngành gì mà dính đến quản trị, kinh doanh thì mới có thể làm sếp và làm giàu được”. Thế nhưng, do chọn ngành không đam mê, khả năng lại giới hạn nên Khánh đã nếm “trái đắng”. Khi học thì áp lực, ra trường lại rất khó khăn trong việc tiến thân, cuối cùng, Khánh âm thầm thi lại đúng ngành mình yêu thích.
Biết lắng nghe sự góp ý, định hướng của người thân trong gia đình trong việc chọn ngành, nhưng quyết định quan trọng nhất vẫn là chính bản thân người học. Vì chọn ngành, giống như… chọn vợ vậy, bản thân thí sinh cần thể hiện được chính kiến rõ ràng của mình.
Những sai lầm thường gặp của các thí sinh khi chọn ngành là: theo áp đặt của người thân trong gia đình, theo tiêu chuẩn nhóm, người yêu; chọn ngành theo phong trào, theo “nhãn mác”; chọn ngành nghe rất kêu cho oai; chọn ngành kiểu vô điều kiện, không màng học phí, môi trường học tập, đầu ra… Hệ quả của cách chọn lựa này là trong quá trình học sinh viên bị áp lực, kết quả học tập không tốt, có sinh viên phải bỏ học. Hệ quả này đã được thực tế chứng minh qua danh sách hàng ngàn sinh viên các trường ĐH bị buộc thôi học mà số đông trong đó bỏ học để thi lại. Trong trường hợp những sinh viên cố gắng để tốt nghiệp thì con đường lập nghiệp tiến thân của họ cũng rất gian nan.
Sáng suốt chọn ngành
Tiêu chí cơ bản và đơn giản nhất để không mắc sai lầm khi chọn ngành là chọn ngành phù hợp sở thích, năng lực, sở trường, năng khiếu, tính cách… của mình. Các chuyên gia chia sẻ rằng: Việc nhận thức về ngành nghề, thái độ về ngành nghề và xu hướng hành vi về ngành nghề sẽ quyện chặt vào nhau và giúp cá nhân chọn ngành học đúng đắn nhất, thích hợp nhất.
Bạn Nguyễn Lê Mai Phương, sinh viên năm thứ 2, Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: “Tôi nghĩ sinh viên phải đầu tư kỹ về việc chọn ngành học phù hợp, định hướng mục tiêu rõ ràng cho tương lai của mình để tránh tình trạng khi ra trường rồi vẫn không biết mình sẽ đi về đâu. Nếu bản thân mỗi người có định hướng rõ ràng khi chọn ngành và nỗ lực, quyết tâm học tập thì sau khi ra trường các bạn sẽ chẳng bao giờ sợ thất nghiệp”.
PGS-TS tâm lý học Trần Tuấn Lộ, Trường ĐH Văn Hiến đưa ra lời khuyên: “Khi chọn ngành để học, điều quan trọng là chúng ta phải biết mình là ai, ở đâu và muốn trở thành người như thế nào. Chúng ta sẽ sống và làm việc với ngành mình đã chọn với phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời. Nếu chọn đúng ngành mình thích, chăm học, chăm làm việc sẽ cảm thấy niềm vui và hạnh phúc, nếu chọn ngành không phù hợp, rõ ràng phần lớn cuộc sống sau này của chúng ta sẽ rất khó khăn”.
Còn tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Để trở thành một sinh viên thành công, bên cạnh việc lựa chọn cho mình một môi trường học tập tốt thì chúng ta còn phải bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để tham gia thật nhiều hoạt động, CLB, tiếp xúc với thực tế… Chỉ có vậy “chiếc giỏ hành trang” mới đầy bảo bối và khi ra trường chúng ta sẽ trở thành người thành công trong cuộc sống”.
 

 

Thiên Thảo