Nga đang chật vật đối phó đợt bùng phát bệnh than ở Tây Siberia trong đợt nắng nóng bất thường tại đây.
Bóng ma bệnh than đe doạ Nga
Nga đang chật vật đối phó đợt bùng phát bệnh than ở Tây Siberia trong đợt nắng nóng bất thường tại đây.
Theo Đài RT, quân đội Nga đã vào cuộc sau khi giới chức xác nhận bệnh than là thủ phạm làm chết 1.500 con tuần lộc ở bán đảo Yamal thuộc Khu tự trị Yamalo-Nenets ở Tây Siberia từ nhiều tuần trước đó.
Tình trạng khẩn cấp
Chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 25.7, khi thông tin về những vụ tuần lộc chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện. Người đứng đầu khu tự trị, ông Dmitry Kobylkin, tuyên bố “tất cả các biện pháp” đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân, bao gồm người chăn tuần lộc và các chuyên gia tham gia công tác kiểm dịch”.
Cụ thể, khu vực ảnh hưởng bị cách ly và khoảng 12 gia đình chăn nuôi tuần lộc đã được sơ tán. Theo tờ The Siberian Times, tổng cộng 72 người, trong đó có 41 trẻ em, đã phải nhập viện để điều trị do lo ngại có thể đã mắc phải căn bệnh nguy hiểm. Một cậu bé 12 tuổi là người đầu tiên tử vong vì bệnh than trong đợt dịch này vào ngày 30.7. Cậu bé tên Denis trong một gia đình chăn nuôi tuần lộc và người bà của cậu qua đời một ngày trước đó nhưng nguyên nhân của cái chết này chưa được xác định. Ngoài ra, còn có 8 người, trong đó có 3 trẻ em, đã được xác định nhiễm bệnh than.
Các chuyên gia nhận định tuỳ theo độc lực của từng dòng vi khuẩn, bệnh than có tỷ lệ tử vong từ 25 – 80%. Nó từng được Liên Xô nghiên cứu để sử dụng làm vũ khí sinh học vào thời Chiến tranh lạnh, nhưng chưa bao giờ được nước này sử dụng. Một trong những vụ sử dụng bệnh than làm vũ khí nổi tiếng nhất đã xảy ra tại Mỹ vào năm 2001 trong một loạt vụ tấn công bằng thư khiến 5 người thiệt mạng và 17 người nhiễm bệnh, sau vụ tấn công khủng bố 11.9.
Nhằm hỗ trợ công tác chống dịch, quân đội Nga đã điều 200 binh sĩ, 30 xe chạy mọi địa hình và tất cả những vật dụng tiếp tế cần thiết cho nhiệm vụ chống độc đến Salekhard, thủ phủ của Khu tự trị Yamalo-Nenets. Lực lượng này nhận lệnh trực tiếp từ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thực hiện thí nghiệm ngay tại chỗ, phát hiện, loại bỏ tiêu điểm nhiễm khuẩn và xử lý an toàn xác những con vật đã chết vì bệnh than.
Thách thức lớn nhất trong chiến dịch đối phó đợt bùng phát bệnh than ở Siberia chính là vấn đề hậu cần. Yamal là một khu vực có diện tích lớn nhất nước Nga, tương đương Thổ Nhĩ Kỳ và lớn hơn bang Texas (Mỹ). Phân nửa khu vực nằm phía trên vòng Bắc cực trong khi vùng này chủ yếu bao gồm những mảnh đất bị đóng băng, những đầm lầy giá lạnh và rừng taiga.
Yamal là một khu vực có diện tích lớn nhất nước Nga, tương đương Thổ Nhĩ Kỳ và lớn hơn bang Texas (Mỹ)REUTERS
Vi khuẩn thây ma
Đây không phải là lần đầu bệnh than bùng phát ở Nga, nhưng lần trở lại mới nhất của dịch bệnh này đang gây lo ngại về nguy cơ xuất hiện của loại “vi khuẩn thây ma” tác oai tác quái do hậu quả của tình trạng ấm dần lên toàn cầu.
Theo chính quyền và các chuyên gia, đợt bùng phát bệnh than ở Yamal có liên quan đợt nắng nóng bất thường tại khu vực này. Thường nhiệt độ bình quân trong tháng 7 ở đây chỉ dao động trong khoảng từ 17 – 25 độ C, nhưng năm nay, nhiệt độ tăng cao đến 35 độ C. Thời tiết nóng làm tan chảy phần đất bị đóng băng ở nơi chôn cất một con tuần lộc đã chết trong trận dịch cách đây 75 năm. Khi xác con vật này ấm lại, vi khuẩn gây bệnh than Bacillus Anthracis trỗi dậy và lây lan nhanh trong đàn tuần lộc địa phương, khiến chúng chết hàng loạt tại khu vực đã ngừng tiêm ngừa bệnh than cách đây 10 năm, sau nửa thế kỷ không xảy ra đợt bùng phát nào.
Theo Đài NBC News, chính quyền địa phương đang cân nhắc cách thức tốt nhất để xử lý tuần lộc chết vì bệnh, bởi phương pháp thông thường là thiêu xác có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng khác, đặc biệt khi phần lớn khu vực Siberia đang chìm trong những vụ cháy rừng.
Những vụ tuần lộc chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện ở YamalREUTERS
Những vi khuẩn thây ma “thức giấc” từ xác chết năm xưa và gây hại nghe có vẻ như chuyện chỉ có trong phim kinh dị. Tuy nhiên, giả thuyết trên không hẳn là một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Nói một cách khác, các nhà khoa học từ lâu tin rằng điều đó có thể xảy ra.
Theo cây bút Maddie Stone của trang tin khoa học Gizmodo, hiện có một lĩnh vực nghiên cứu mới có tên gọi “sinh thái hồi sinh”, tập trung vào việc phát hiện những vi khuẩn, nấm, cây trồng hoặc thậm chí động vật vốn sẽ sống lại sau một thời gian ngừng hoạt động lâu dài đến cả triệu năm, nếu điều kiện bảo toàn tốt.
Trong khi đó, chuyên gia vi trùng học George Stewart thuộc Đại học Missouri (Mỹ), trong bài viết trên tờ Missourian hồi năm 2014, nhận định vi khuẩn bệnh than là loại vi sinh vật “lì lợm”. Theo ông, chúng có thể hoá thành bào tử dưới thời tiết lạnh, kiên trì nằm dưới lòng đất trong một thời gian dài chờ nhiệt độ tăng cao. Khi thời tiết tăng đến một ngưỡng nhất định, chúng tái xuất trở lại và “lợi hại hơn xưa”.
Theo tờ The Washington Post, nếu mối liên hệ giữa một xác chết tuần lộc cách đây hàng chục năm và đợt bùng phát bệnh than mới ở Siberia được xác nhận, nó sẽ củng cố thêm những mối lo ngại mà các nhà khoa học đã nêu ra lâu nay.
Hồi năm 2011, hai nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga viết cho chuyên san Global Health Action đã đánh giá những điều kiện cần để bệnh than xuất hiện ở Yakutia, khu vực phía đông Yamal, nơi có 200 nghĩa địa dành cho các loài gia súc chết vì bệnh than. Viện dẫn các công trình nghiên cứu trước đó, các chuyên gia trên khẳng định bào tử bệnh than vẫn tồn tại trong lòng đất bị đóng băng đến 105 năm. Càng được chôn sâu, vi khuẩn càng có thể ngủ đông lâu hơn. Trong khi đó, những dữ liệu về khí tượng học sẵn có cho thấy nhiệt độ ở Yakutia đang tăng lên.
“Hậu quả của việc tan chảy ở các vùng đất bị đóng băng là các sinh vật gây ra những trận dịch bệnh nguy hiểm hồi thế kỷ 18 và 19 có thể trở lại, đặc biệt là gần những nghĩa địa nơi chôn cất các nạn nhân của dịch bệnh”, các chuyên gia cảnh báo. Theo họ, các nghĩa địa súc vật “phải được giám sát” và cơ quan y tế phải “không ngừng cảnh giác”.