25/12/2024

Thi THPT quốc gia 2018: Làm bài tích hợp môn văn như thế nào?

Theo đề thi minh hoạ môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT, sự thay đổi của đề thi năm nay chủ yếu nằm ở câu nghị luận văn học vì có sự tích hợp kiến thức lớp 12 với chương trình lớp 11. Đây là điều mà nhiều thí sinh băn khoăn nhất.

 

Thi THPT quốc gia 2018: Làm bài tích hợp môn văn như thế nào?

Theo đề thi minh hoạ môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT, sự thay đổi của đề thi năm nay chủ yếu nằm ở câu nghị luận văn học vì có sự tích hợp kiến thức lớp 12 với chương trình lớp 11. Đây là điều mà nhiều thí sinh băn khoăn nhất.
 
 
 
 
 
 

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn văn /// Đào Ngọc Thạch

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn văn    ĐÀO NGỌC THẠCH

 
 
Để ôn tập và làm bài tốt, thí sinh (TS) cần chú ý các trọng tâm sau đây.
Hai loại tích hợp
Tích hợp ở đây là gộp nội dung 2 chương trình, gồm lớp 12 và lớp 11 vào một yêu cầu câu hỏi của đề. Do nội dung chương trình lớp 12 được xem là chính nên trong cấu tạo của câu hỏi này thường có yêu cầu nội dung lớp 12 trước và 11 sau.
 
Thang điểm cho nội dung lớp 12 thường cao hơn phần tích hợp thêm của 11, tỷ lệ thường là 3/2 tổng điểm. Vì thế phần kiến thức lớp 12 được xem như cần thiết để xét tốt nghiệp. Phần tích hợp với lớp 11 là để phân loại TS.
 
Có 2 dạng bài tích hợp thường gặp. Dạng thứ nhất là tích hợp theo kiểu so sánh, đối chiếu kiến thức lớp 12 và lớp 11. Chẳng hạn đề cho hai đoạn thơ của hai bài thơ thuộc lớp 12 và 11 và yêu cầu “cảm nhận về vẻ đẹp riêng” của nó. Dạng thứ hai là tích hợp theo kiểu liên hệ, mở rộng. Nghĩa là đề cho một khía cạnh của lớp 12 (vế đầu của câu hỏi), sau đó liên hệ với một khía cạnh lớp 11 (vế sau của câu hỏi). Giống như đề minh họa năm 2018 vừa qua của Bộ: Cảm nhận về người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác (Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân). Từ đó, liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù, cùng tác giả) để nhận xét “quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người”.


Để hệ thống các tác phẩm, các khía cạnh tích hợp của 2 chương trình, TS có thể dựa trên nhóm thể loại: văn chính luận (nghị luận), thơ, văn xuôi, kịch. Theo cách hệ thống trên, toàn bộ chương trình của 2 lớp có các khía cạnh tích hợp sau đây: tích hợp hai tác phẩm của cùng một tác giả (như đề tham khảo nói trên); theo nhóm nhân vật/đề tài/chủ đề; theo phong cách sáng tác; tích hợp để so sánh làm nổi bật 2 trào lưu văn học; so sánh một khía cạnh nào đó về nội dung (như giá trị hiện thực/nhân đạo), hoặc về nghệ thuật (như tình huống/chi tiết nghệ thuật/cách kết thúc truyện…); so sánh 2 đoạn văn xuôi, 2 đoạn thơ của 2 chương trình…

 
Câu hỏi của đề tích hợp thường theo cấu trúc: “Từ A (lớp 12)…, liên hệ với B (lớp 11)… để tìm điểm gặp gỡ/để chỉ ra/để nhận xét/để bình luận… về cái hay/về quan điểm nghệ thuật/về phong cách/về đặc trưng thể loại… của tác phẩm/tác giả”. Ví dụ: Từ kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân), liên hệ với cách kết thúc của truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) để từ đó thấy được sự khác nhau về quan điểm nghệ thuật của hai tác giả, hoặc trào lưu văn học của hai tác phẩm.
 
Xây dựng cách triển khai hợp lý
Trước hết, TS phải thấy rằng đây là dạng đề bài theo hướng gợi mở, cho nên phải linh hoạt, sáng tạo khi làm bài. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải xây dựng được hướng triển khai theo dàn bài thật hợp lý. Theo yêu cầu của đáp án chấm, cần có các bước triển khai sau đây theo 2 dạng đề bài trên.
 
Dạng 1, tích hợp theo kiểu so sánh, đối chiếu. Có thể triển khai theo 4 bước sau: Bước 1, giới thiệu chung (cả hai lớp 12 và 11); Bước 2, triển khai theo trình tự đề bài yêu cầu; Bước 3, so sánh, đối chiếu và nhận xét điểm giống và khác nhau; Bước 4, rút ra kết luận, ý nghĩa từ việc so sánh, đối chiếu.
 
Đối với dạng bài 2, tích hợp theo kiểu liên hệ, mở rộng: Triển khai theo các bước sau: Bước 1, giới thiệu chung (chỉ cần nêu những kiến thức liên quan đến vế thứ nhất câu hỏi là được); Bước 2, triển khai để làm rõ yêu cầu của vế thứ nhất; Bước 3, giới thiệu vấn đề được tích hợp liên hệ ở vế thứ 2 và triển khai yêu cầu của vế thứ 2; Bước 4, bàn bạc để làm rõ và tìm ra đặc trưng, điểm chung và riêng của hai vế yêu cầu; Bước 5, kết luận.
 
 
 
TRẦN NGỌC TUẤN