23/12/2024

Triều Tiên đẩy mạnh khả năng tên lửa

Không chỉ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để phóng tên lửa, Triều Tiên còn được cho là đang xây hệ thống phòng thủ bằng loại vũ khí này.

 

Triều Tiên đẩy mạnh khả năng tên lửa

Không chỉ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để phóng tên lửa, Triều Tiên còn được cho là đang xây hệ thống phòng thủ bằng loại vũ khí này.




Hình ảnh được cho là tên lửa đạn đạo Musudan trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng /// AFP

Hình ảnh được cho là tên lửa đạn đạo Musudan trong một cuộc diễu binh ở Bình NhưỡngAFP


Cách đây hơn 2 tuần, chuyên gia Mỹ Joseph Bermudez nhận định rằng CHDCND Triều Tiên dường như đã đạt được bước tiến trong việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) sau mỗi lần phóng.
Trong lần phóng mới nhất hồi đầu tháng này, SLBM bay chỉ 10 km, thấp hơn 3 lần so với lần phóng hồi tháng 4. Với tầm bay ngắn như thế, giới chức Hàn Quốc và Mỹ cho rằng 2 đợt phóng SLBM mới đã thất bại, nhưng ông Bermudez nhận định Triều Tiên có thể đã cố tình giới hạn tầm bắn và sẽ phóng tiếp tên lửa này với tầm hoạt động đầy đủ trong vòng 12 tháng tới, theo Yonhap.
Phóng tên lửa gần gấp đôi đời cha
Nếu suy đoán của ông Bermudez chính xác, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục bỏ ra số tiền có thể lên tới gần 10 triệu USD cho một lần phóng SLBM. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính mỗi quả SLBM mà Triều Tiên đang phát triển ngốn chi phí từ 4,45 – 8,9 triệu USD. Kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền hồi cuối năm 2011 tới nay, Bình Nhưỡng đã chi gần 100 triệu USD cho việc phóng tổng cộng 31 tên lửa đạn đạo, theo tờ Chosun Ilbodẫn phân tích mới nhất từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Con số này gần gấp đôi tổng số tên lửa đạn đạo (18 quả) được Bình Nhưỡng phóng trong toàn bộ 18 năm lãnh đạo của cha ông Kim là ông Kim Jong-il (qua đời năm 2011).
Cụ thể, Triều Tiên đã phóng 3 quả SLBM, 16 tên lửa Scud (tầm bắn 300 – 1.000 km, có thể tấn công mọi mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên), 6 tên lửa Rodong (1.300 km, có thể vươn tới Nhật), và 6 tên lửa Hwasong-10 (3.500 km, đủ vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ).
Mỗi tên lửa Scud và Rodong có giá từ 890.000 – 1,78 triệu USD nếu được tính bằng giá xuất khẩu cho các nước Trung Đông. Chính quyền Bình Nhưỡng đã phóng 22 tên lửa Scud và Rodong nên đã tốn khoảng 19,6 – 39 triệu USD. Mỗi tên lửa Hwasong-10, còn được gọi là Musudan, có giá 2,6 – 5,3 triệu USD vì vậy Bình Nhưỡng đã mất 16 – 32 triệu USD khi phóng 6 quả.
 
Với tổng số tiền nói trên, chính quyền Bình Nhưỡng có thể mua lượng lương thực đủ cho toàn bộ dân số Triều Tiên (gần 25 triệu người) sống khoảng 1 – 2 tháng, theo Chosun Ilbo.
Tình trạng liên tục phóng tên lửa vừa qua cũng cho thấy Triều Tiên phớt lờ nghị quyết của HĐBA LHQ là cấm nước này phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Hồi tháng 6, khi bị HĐBA LHQ chỉ trích về vụ phóng 2 quả Hwasong-10, Bình Nhưỡng đã lên tiếng bác bỏ và gọi đó “sản phẩm của sự hống hách cố tình vi phạm chủ quyền của một nhà nước độc lập”, theo KCNA.
Triều Tiên đẩy mạnh khả năng tên lửa - ảnh 1

Một vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều TiênAFP

Sở hữu hàng ngàn tên lửa?
Không chỉ liên tục phóng tên lửa, kể từ cuối năm 2013, lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh quân đội tăng cường khả năng phòng thủ bằng tên lửa để phòng khi chiến tranh bùng nổ, vì vậy loại vũ khí này đã được triển khai tới các đơn vị quân đội khắp Triều Tiên, theo nhiều nguồn tin tiết lộ với JoongAng Ilbo hồi tuần trước. Nguồn tin còn khẳng định Triều Tiên sở hữu hàng ngàn tên lửa, chứ không phải khoảng 1.000 quả như Mỹ và Hàn Quốc ước tính. Một người đào tẩu từng làm việc trong một cơ quan quốc phòng Triều Tiên còn nhận định với JoongAng Ilbo rằng nước này có thể sản xuất 50 – 100 tên lửa/năm.
Ngoài ra, theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu quốc phòng Hàn Quốc (KIDA), Triều Tiên đang thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa. “Hồi tháng 5, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo phóng thử tên lửa đất đối không KN-06 và ra lệnh quân đội đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa của miền bắc lên mức cao hơn”, KIDA viết trong báo cáo.
Hàn, Mỹ chuẩn bị ứng phó
Một quan chức Hàn Quốc vừa tiết lộ với Yonhap rằng Bộ Quốc phòng nước này đang trong quá trình nâng cấp hệ thống chống tên lửa Patriot PAC-2 thành hệ thống PAC-3 hiệu quả hơn cho khu vực thủ đô Seoul. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thay thế dần tất cả PAC-2 ở bên trong và xung quanh Seoul bằng PAC-3 trước năm 2022.
Trước đó, hải quân Hàn Quốc còn tiết lộ với Yonhap về kế hoạch nâng cấp hệ thống tên lửa cho khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis để đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Cụ thể, Hàn Quốc sẽ lắp đặt hệ thống phóng thẳng đứng mới trên 3 khu trục hạm Aegis để có thể phóng các tên lửa hạm đối không SM-6 và SM-3, với tầm bắn lần lượt 400 và 500 km. Những trục hạm Aegis hiện nay của Hàn Quốc chỉ có thể khai hỏa tên lửa SM-2 với tầm bắn 150 km, không đủ để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Về phần mình, lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK) trong năm 2017 sẽ triển khai tên lửa PAC-3 mới với độ cao đánh chặn là 40 km, cao gấp 2 lần so với độ cao tương tự của PAC-3 hiện nay. Cũng trong 2017, Mỹ sẽ lắp đặt hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Một khi PAC-3 mới và THAAD được triển khai tới Hàn Quốc, USFK sẽ có hệ thống phòng thủ 3 lớp với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo bay ở độ cao 40 – 150 km, theo tờ Chosun Ilbo.

 

Văn Khoa