Cha đẻ của “thánh chiến thế hệ thứ ba”
Những kiểu tấn công khủng bố bất ngờ, đa dạng trong thời gian ngắn vừa qua là phản ánh rõ nét của phong trào thánh chiến mà nay gọi là “thế hệ thứ ba”.
Cha đẻ của “thánh chiến thế hệ thứ ba”
Những kiểu tấn công khủng bố bất ngờ, đa dạng trong thời gian ngắn vừa qua là phản ánh rõ nét của phong trào thánh chiến mà nay gọi là “thế hệ thứ ba”.
Hình ảnh hai tên được cho là đã thực hiện vụ tấn công khủng bố bắt con tin tại nhà thờ ở Pháp hôm 26-7. Hình ảnh này vừa được đưa bằng clip lên mạng xã hội cho thấy hai tên này tuyên thệ trung thành với IS – Ảnh: Reuters |
Chỉ trong tháng 7 vừa qua đã xảy ra liên tiếp những vụ khủng bố gây tâm lý hoang mang, thậm chí hoảng loạn ở nhiều quốc gia vốn được coi là an toàn ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
Các vụ này có chung những đặc điểm như: thủ phạm chỉ là một hoặc hai người, trẻ tuổi, mới trở thành cực đoan, hầu như không có tiền án tiền sự, hành động tàn bạo mà mục tiêu rất ngẫu hứng.
Những phiên bản tấn công mới
Hiện tượng khủng bố mới lạ này phù hợp với nội dung của cuốn sách Truyền bá kháng chiến Hồi giáo của Abu Musab al-Suri.
Nhân vật này mới được lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bổ nhiệm làm “bộ trưởng quốc phòng” sau khi Abu Omr Sheishani (người Chechnya) bị Mỹ tiêu diệt bằng không kích tại phía nam Mosul hồi đầu tháng 7 vừa qua.
Sách Truyền bá kháng chiến Hồi giáo nêu ra những cách thức hoạt động của tổ chức IS trong giai đoạn hiện nay, trong đó có các chiến dịch tấn công liều chết “tân kỳ” nhất.
Hiện thời, các hoạt động khủng bố của IS không chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức của IS mà được hình thành một cách rất đa dạng và nguy hiểm, thông qua những “sáng tạo” dựa trên nền tảng triết lý “thánh chiến nổi loạn”, hoặc còn gọi là “toàn cầu hoá thánh chiến” trên mọi cấp độ.
Phương thức hoạt động này không cần tài trợ từ phía tổ chức, không cần phải di chuyển hoặc phải thay đổi hoàn cảnh sống của người thực hiện. Vụ việc hoàn toàn tuỳ thuộc vào một quyết định cá nhân.
Như diễn đạt trong sách Truyền bá kháng chiến Hồi giáo là “Hãy theo Hồi giáo, rồi chiến đấu”. Cụ thể là “chỉ cần tuyên thệ thánh chiến trước Allah, tuyên thệ tuân phục thủ trưởng đơn vị; không cần phải hoàn toàn phụ thuộc vào thủ lĩnh trung ương”.
Nội dung lời thề được quy định chỉ cần thể hiện là: “Hãy cứ chủ động tự nguyện gia nhập thì thánh chiến đã là một nghĩa vụ ràng buộc rõ ràng.
Hãy tự chọn mục tiêu phù hợp với khả năng tài chính và trình độ tác chiến của mình. Hãy suy nghĩ, tự bày đặt kế hoạch hành động, cầu nguyện đức Allah ban phước. Thế là có thể đánh!”.
Tự học hỏi, tự tấn công
Trường phái “cực đoan cá nhân dân sự”, hay còn gọi là “tiểu tổ khủng bố”, mà giới chuyên môn gọi là “con sói đơn độc” là kiểu hoạt động của các cá nhân hoặc nhóm rất nhỏ hoàn toàn đơn tuyến. Chiến thuật này phù hợp với chủ trương của IS về “các mặt trận mở” ở Syria, Iraq và Libya.
Chiến thuật nhóm kháng chiến Hồi giáo toàn cầu có một số đặc điểm nổi trội: không hề có sự gắn kết về tổ chức; chỉ cần phù hợp với đường lối chung, với các quy định hành động chung, dưới danh xưng chung và nhằm mục đích chung.
Abu Musab giải thích: mỗi tiểu tổ gồm một hay vài người, tạo thành một đơn vị độc lập hoàn toàn dưới quyền chỉ huy của một người – chức danh là “Amir”.
Việc điều hành hoàn toàn độc lập và trực tiếp; không cần đến một hình thức liên hệ nào với tổ chức. Tiểu tổ tự chọn mục tiêu, tự tấn công và tự quảng bá bằng bất cứ phương tiện nào.
Về trang bị vũ khí: đó là vũ khí của “chiến tranh nhân dân” – vũ khí của chiến tranh du kích dân sự. Vũ khí hết sức đơn giản và sử dụng hết sức dễ dàng.
“Con sói đơn độc” là chiến thuật mà người thực hiện tham gia thánh chiến rất nhanh chóng, lao vào chiến đấu ngay, tự huấn luyện bằng nỗ lực hoàn toàn cá nhân. Thậm chí Abu Musab còn bày vẽ: không nên mở rộng tiểu tổ, không nên phát triển thêm tổ nhóm khác để tránh dễ bị phát hiện.
Chiến thuật “tiểu tổ” này rất phù hợp với hoàn cảnh eo hẹp về khả năng tài chính và điều kiện huấn luyện.
Abu Musab viết: “Tuyệt đại bộ phận tín đồ Hồi giáo chỉ có thể thực hiện những việc đơn giản không đòi hỏi trình độ tác chiến phức tạp. Nhưng các việc nhỏ này lại có tầm quan trọng lớn. Đó là có thể thực hiện đồng thời nhiều vụ, tại nhiều địa bàn khác nhau, gây tiếng vang rộng khắp và khiến kẻ thù mất ăn mất ngủ”.
Nhiều cơ quan tình báo phương Tây đã bắt đầu nhìn nhận sự lan toả của chiến lược mới này của lực lượng khủng bố IS.
Đó cũng chính là mối lo khiến họ mất ăn mất ngủ khi có cảnh báo rằng thời điểm IS đang bị dồn đuổi trên các chiến trường chính ở Trung Đông, chúng sẽ phân tán ra để tấn công trả đũa ngay trong lòng các nước mà chúng cho là thù địch.
Abu Musab al-Suri là ai? Hắn có tên thật là Mustafa Sethmariam Nasar, sinh năm 1958 tại thành phố Aleppo – trung tâm công thương nghiệp lớn nhất ở miền bắc Syria. Y tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thuộc Viện đại học Aleppo. Ngoài 20 tuổi, Abu Musab gia nhập tổ chức thánh chiến mang tên “Tiền phong chiến đấu” (Talee’a Muqatila) của phong trào Anh em Hồi giáo (AEHG) tại Syria. Abu Musab chuyên sâu về kỹ nghệ chất nổ, chiến tranh du kích đường phố và các phi vụ đặc biệt. Hắn tham gia huấn luyện tại các căn cứ của cánh quân sự thuộc tổ chức AEHG ở Jordan và tại các trại huấn luyện của tổ chức này ở Baghdad (Iraq). Trong thời gian bạo loạn diễn ra ở tỉnh Hamah chống chính quyền Syria hồi đầu thập niên 1980, ban lãnh đạo AEHG Jordan bổ nhiệm Abu Musab làm uỷ viên bộ chỉ huy quân sự tối cao và phó tư lệnh quân khu tây – bắc Syria. Từ đó, hắn chuyên trách “sự nghiệp thánh chiến” tại lãnh thổ mà Hồi giáo nguyên gốc gọi là “nước Sham” (bao gồm Syria, Libăng, Jordan). Chức phận mới này đưa Abu Musab đến Afghanistan trong giai đoạn thánh chiến chống quân đội Xô viết. Tại Peshawar, Abu Musab được chiêu mộ vào tổ chức “những kẻ khủng bố người Ả Rập” và chuyên huấn luyện kinh nghiệm chiến đấu cho các chiến binh Ả Rập mới đến Afghanistan tham gia thánh chiến. Abu Musab trở thành người của al-Qaeda ngay từ thời gian đầu của tổ chức này tại Afghanistan, được coi là một trong những người thân cận của Osama Bin Laden. Abu Musab bị quân đội Mỹ bắt giam ở Pakistan năm 2005 và di lý về Syria đầu năm 2012, trao cho chính quyền al-Assad giam giữ. Nhưng hắn đã được phóng thích sau đó để rồi gia nhập IS và trở thành tư lệnh quân sự cao nhất của IS hiện nay. |