23/12/2024

Na Uy muốn tặng núi cho Phần Lan

Chính phủ Na Uy đang cân nhắc biếu Phần Lan một đỉnh núi nhân dịp nước láng giềng kỷ niệm 100 năm giành độc lập.

 

Na Uy muốn tặng núi cho Phần Lan

Chính phủ Na Uy đang cân nhắc biếu Phần Lan một đỉnh núi nhân dịp nước láng giềng kỷ niệm 100 năm giành độc lập.




Phần đỉnh Na Uy đang cân nhắc tặng cho Phần Lan /// Ảnh chụp màn hình Independent

 

Phần đỉnh Na Uy đang cân nhắc tặng cho Phần LanẢNH CHỤP MÀN HÌNH INDEPENDENT


Tờ The Guardian hôm qua đưa tin chính phủ Na Uy xác nhận đang xem xét đề xuất dịch chuyển đường biên giới để đỉnh núi cao 1.331 m thuộc dãy núi Halti nằm về phía Phần Lan. Một khi được thông qua, đây sẽ là món quà lớn mà Oslo dành tặng Helsinki nhân dịp Phần Lan kỷ niệm 1 thế kỷ độc lập khỏi Nga vào năm 2017. “Có một chút khó khăn và tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy vậy, chúng tôi đang cân nhắc vấn đề này”, Đài truyền hình quốc gia NRK dẫn lời Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết.
Tình láng giềng
Dãy núi Halti nằm ở khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan. Phần lớn núi thuộc lãnh thổ Phần Lan song đỉnh núi cao 1.331 m lại nằm ở Na Uy. Theo các chuyên gia địa lý, chỉ cần dịch chuyển đường biên giới chung khoảng 150 m về hướng bắc và 200 m về phía đông sẽ giúp Helsinki sở hữu phần đỉnh cao 1.331 m của Halti trong khi Oslo chỉ mất chừng 15.000 m2 diện tích đất.
“Diện tích Na Uy hoặc Phần Lan cũng chẳng thay đổi gì đáng kể song điều này tạo khác biệt lớn là điểm cao nhất tại Phần Lan là đỉnh núi chứ không phải là sườn đồi như hiện nay”, chuyên gia địa vật lý Bjorn Geirr Harsson, từng làm việc tại Cơ quan Bản đồ Na Uy, chia sẻ với tờ The Telegraph. Nằm ở độ cao hơn 1.331 m, phần đỉnh nói trên thậm chí không có tên trong danh sách 200 đỉnh núi cao nhất của Na Uy. Thế nhưng nếu được trao tặng cho Phần Lan, nó sẽ trở thành đỉnh núi cao nhất của quốc gia này, thay cho điểm cao nhất của Phần Lan hiện nay là Halditsohkka, cao 1.324 m.
“Đây sẽ là món quà tuyệt vời cho đất nước chị em của chúng ta”, Thị trưởng Svein Leiros cùng nhiều chính trị gia khác tại Kafjord – nơi núi Halti tọa lạc đã bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành trong lá thư gửi chính phủ. Thị trưởng Leiros cũng chỉ ra rằng việc trao tặng không gây tổn thất lớn nào cho Na Uy vì đỉnh núi Galdhopiggen cao nhất của nước này đã là 2.469 m, theo tờ The Guardian.
Na Uy muốn tặng núi cho Phần Lan - ảnh 1

Đường biên giới mới theo đề xuấtẢNH: DAILY MAIL

 
Tranh cãi hiến pháp
Người đưa ra sáng kiến tặng núi chính là ông Harsson. Nhà địa vật lý học 76 tuổi cho biết ông từng thấy bối rối khi xem đường biên giới được vẽ hồi thập niên 1750 trong lúc bay qua núi Halti trong những năm 1970 để thực hiện công tác đo đạc. Theo ông, đường biên giới như vậy là hết sức phi lý về mặt địa lý học. Tờ The Guardian đưa tin ông Harsson đã gửi thư trình bày ý tưởng tặng núi lên Bộ Ngoại giao Na Uy hồi tháng 7.2015, đồng thời nói rằng phần cho đi không đáng kể song đem lại niềm vui lớn cho người dân Phần Lan.
Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Na Uy nói rằng mặc dù đây là sáng kiến hay song điều 1 trong hiến pháp nước này ghi rõ Na Uy là “một vương quốc tự do, độc lập, không thể chia cắt cũng như không thể chuyển nhượng”. Tờ Aftenposten của Na Uy dẫn lời ông Michael Tetzschner, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát của quốc hội, cho biết thêm hiến pháp “rõ ràng cấm nhà nước bàn giao mọi phần lãnh thổ Na Uy cho chính quyền khác”.
Thế nhưng, Giáo sư luật Oyvind Ravna thuộc Đại học Norwegian Arctic chỉ ra rằng hiến pháp Na Uy không áp dụng đối với những thay đổi nhỏ về đường biên giới, đồng thời dẫn chứng rằng biên giới giữa Na Uy với Phần Lan và cả Nga đã dịch chuyển thời gian gần đây do những thay đổi trong lòng sông cũng như do sự chuyển động của bãi cát cùng đảo nhỏ. Theo tờ Aftenposten, ông Ravna khẳng định hiến pháp không áp dụng cho những thay đổi nhỏ như vậy.
Trong khi đó, phản ứng của dư luận đối với sáng kiến trên tại Phần Lan lẫn Na Uy đều khả quan. Cộng đồng mạng Na Uy thậm chí đã mở chiến dịch vận động tặng đỉnh núi trên Facebook. Bà Anne Cathrine Frostrup, Giám đốc Cơ quan Bản đồ Na Uy, cũng đã tán thành ý tưởng trên. Bà nói: “Ý tưởng đó rất hay. Đây quả là món quà tuyệt vời cho quốc gia thiếu một ngọn núi cao, nơi mà điểm cao nhất của họ thậm chí cũng chưa phải là một đỉnh núi”. Ông Markku Markkula từ Cơ quan Khảo sát đất đai Phần Lan phát biểu trên tờ Hufvudstadsbladet rằng sẽ không có nhiều trở ngại về mặt pháp lý liên quan đến vấn đề tặng núi. Ông thông tin: “Chỉ là việc thoả thuận giữa hai nước”. Còn một người dùng trên Facebook tên Jyrki Veranen viết rằng: “Người dân Na Uy sẽ làm nên lịch sử và trở trành những người anh hùng không chỉ ở Phần Lan mà còn đối với thế giới”. Tuy vậy, cộng đồng dân bản địa Sami cư trú ở cả Na Uy lẫn Phần Lan, vốn thường xuyên qua lại vùng núi Halti, thì cho rằng đỉnh núi trên không nên thuộc về nước nào cả.
Nghi án Ai Cập “tặng” đảo cho Ả Rập Xê Út
Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi và chính phủ Ai Cập mới đây đã hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận liên quan đến thoả thuận phân định biên giới giữa nước này với Ả Rập Xê Út, theo Reuters. Theo thoả  thuận được ký trong chuyến thăm Cairo của Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman hồi tháng 4, Ai Cập sẽ trao chủ quyền đối với hai hòn đảo Tiran và Sanafir cho Riyadh. Các hòn đảo không người ở này nằm ở cửa ngõ vào vịnh Aqaba, được xác định ở trong vùng biển thuộc chủ quyền Ả Rập Xê Út. Năm 1950, do lo ngại nguy cơ bị Israel tiến chiếm nên Ả Rập Xê Út đã giao cho Ai Cập bảo vệ. Ông al-Sisi giải thích thỏa thuận nói trên là đúng đắn vì đơn giản là “vật trả về chủ cũ”.
Tuy nhiên, đa số người dân Ai Cập cáo buộc chính phủ “bán” đảo để đổi lấy đầu tư và viện trợ từ Ả Rập Xê Út. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác của Ai Cập, đòi Tổng thống al-Sisi từ chức. Một nhóm luật sư có tiếng tại Ai Cập đã nộp đơn kiện chính phủ. Trong phiên xét xử vụ kiện vào tháng 6 vừa qua, tòa án hành chính Ai Cập đã ra phán quyết bãi bỏ thoả thuận “trao trả” kể trên, đồng thời tuyên bố 2 hòn đảo vẫn thuộc chủ quyền của Ai Cập.

 

Danh Toại