Giới xuất bản trước nguy cơ… ngồi tù
Nhiều kiến nghị về những điều khoản khắc nghiệt, bất hợp lý đối với lĩnh vực xuất bản – in – phát hành trong bộ luật Hình sự 2015 được nêu tại hội nghị tổng kết xuất bản 6 tháng đầu năm 2016 do Hội Xuất bản VN – Văn phòng phía nam tổ chức chiều 28.7 tại TP.HCM.
Giới xuất bản trước nguy cơ… ngồi tù
Nhiều kiến nghị về những điều khoản khắc nghiệt, bất hợp lý đối với lĩnh vực xuất bản – in – phát hành trong bộ luật Hình sự 2015 được nêu tại hội nghị tổng kết xuất bản 6 tháng đầu năm 2016 do Hội Xuất bản VN – Văn phòng phía nam tổ chức chiều 28.7 tại TP.HCM.
Luật chồng luật
Đại diện các công ty xuất bản tham dự hội nghị đều cho rằng phần lớn những nội dung trong bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (đã hoãn thi hành) là chồng chéo và không cần thiết, bởi đã hình sự hoá những điều khoản đã chế tài trong luật Xuất bản (LXB) 2012 và trong Nghị định 159/2013 với nhiều điều khoản rất cụ thể.
Bị phản ứng dữ dội nhất là điều 344 của BLHS đã đưa thêm rất nhiều nội dung với các khoản phạt rất nặng, thậm chí phạt tù một cách dễ dàng. Theo đó, hành vi “không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, hoặc “không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”… có thể bị phạt tù đến 2 năm được nhận định là quá mạnh tay.
“Những lỗi đó trước đây bị xử phạt hành chính nhưng nay đã nâng lên mức hình sự hóa. Theo tôi, nên bỏ hẳn điều 344 trong BLHS 2015 chứ làm nghề xuất bản, đưa văn hoá tri thức đến xã hội mà như đứng bên bờ vực thẳm như vậy thì ai dám”, anh Nguyễn Huy Hải, Giám đốc Công ty sách Huy Hoàng chi nhánh phía nam, than thở.
Ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty sách Thời Đại, cho rằng: “LXB 2012 đã có đầy đủ các nội dung rồi, không cần thiết đưa vào BLHS 2015. Tôi tin rằng các cơ quan chức năng sẽ lắng nghe và sẽ có những điều chỉnh cần thiết”.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội XB VN, xác nhận tại cuộc toạ đàm ngày 21.7 do Văn phòng phía nam của Hội XB tổ chức tại TP.HCM thì hầu hết ý kiến đều cho rằng nên bỏ điều 344.
“Quy định về việc nộp lưu chiểu trong bao lâu, nộp chậm thì bị phạt như thế nào đều đã rất rõ trong LXB 2012. Ngoài ra, các điều khoản trong LXB, luật Sở hữu trí tuệ đều quy định rất chi tiết, tại sao BLHS 2015 lại phải đưa thêm vào các điều khoản rườm rà?”, ông Lê Hoàng khẳng định. BLHS 2015 phần xuất bản cũng bị nhận thấy còn nhiều lỗi, bất cập, như vấn đề xuất bản ebook, minh định phát hành sách xưa, sách trước 1975 (miền Nam), trước 1954 (miền Bắc), sách in ở nước ngoài… và không thống nhất, hay xử lý khác LXB đã ban hành trước đó.
Phần lớn đại diện các công ty xuất bản đều đánh giá những quy định mới trong BLHS 2015 không có tác dụng làm lành mạnh, nâng cao trình độ xuất bản, mà chỉ làm khó các đơn vị, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất bản.
Hình sự hóa tội in lậu, in sách giả
Ý kiến chung của ngành xuất bản là không nên hình sự hoá những công việc hành chính và cái thiếu trong BLHS 2015 là điều khoản xử lý tội in lậu.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty sách First News, bức xúc: “Tại sao lại siết chặt xuất bản chính thống, buông lỏng in lậu? Một biên tập viên, nhân viên hành chính… sơ suất trên một cuốn sách có giấy phép xuất bản có thể phạt phá sản và bị ngồi tù. Trong khi một trùm in lậu làm giả, in lậu 10.000 cuốn sách không hề có giấy phép hành nghề, giấy phép xuất bản, dùng hoá đơn tài chính giả… khi bị bắt quả tang vẫn chỉ bị phạt hành chính trên 10 triệu đồng”.
Theo ông Lê Hoàng, chỉ nên áp dụng hình sự hóa xuất bản – in – phát hành đối với tội in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm. Nên đưa tội danh này vào điều 192, BLHS 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Lucy Nguyễn