Điểm thi quá thấp, có nên tổ chức thi tiếng Anh?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả môn thi tiếng Anh thấp, có nhiều ý kiến phân tích khác nhau. Tuy nhiên đa số đều cho rằng cần xem lại cách dạy và học, cách tổ chức thi môn ngoại ngữ này.
Điểm thi quá thấp, có nên tổ chức thi tiếng Anh?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả môn thi tiếng Anh thấp, có nhiều ý kiến phân tích khác nhau. Tuy nhiên đa số đều cho rằng cần xem lại cách dạy và học, cách tổ chức thi môn ngoại ngữ này.
Thí sinh trao đổi bài trước giờ thi môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THPT Gia Định thuộc cụm thi Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG |
TS Phạm Ngọc Thạch, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho rằng: “Môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc nên sẽ có rất nhiều thí sinh dự thi với tâm lý chỉ để tránh điểm liệt. Vì vậy có những cụm thi có nhiều thí sinh kết quả thi tiếng Anh thấp cũng không khó hiểu”.
Do thí sinh hay do đề thi?
Theo ông Thạch, đề thi năm nay có tính phân hoá cao hơn. Với đề thi này, thí sinh đạt mức điểm 8 trở lên sẽ ít hơn. “Nhưng tôi nghĩ nếu chất lượng dạy học ở bậc phổ thông ổn, thí sinh đạt yêu cầu học tập ở mức trung bình thì không khó khi đạt điểm 5-6 ở đề thi tiếng Anh năm nay” – ông Thạch nhận xét.
Tuy nhiên, TS Đỗ Tuấn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), thì nhận xét với đề thi gồm 64 câu trắc nghiệm, hai bài đọc và một bài điền từ thì thí sinh cần có ít nhất 100 phút để làm nhưng thời gian cho phép trên thực tế chỉ có 90 phút thì hơi ít. Vì thế những thí sinh làm được trọn vẹn đề thi này sẽ không nhiều.
Ông Minh cũng phán đoán “những thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ không chú trọng làm phần tự luận. Điều này có thể lý giải có nhiều bài thi bị 0 điểm hoặc bỏ trắng phần tự luận”.
GS Nguyễn Quốc Hùng M.A, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, cho rằng: “Mặc dù đề thi được hiểu có phần phân hoá cao hơn dành để xét tuyển ĐH, CĐ nhưng với khoảng trên 50% là câu hỏi dễ và khó ở mức trung bình nhưng kết quả đến gần 90% học sinh không đạt được điểm ở mức trung bình thì đây không phải lỗi của người ra đề”.
Theo nhận xét của GS Hùng, đề thi năm nay không quá khó, vượt ra ngoài chương trình THPT như nhiều người nghĩ nhưng phương pháp tiếp cận mới hơn. Bởi vậy, điều cần suy nghĩ là ở các nhà trường phổ thông cần tạo được sự chuyển biến phù hợp về phương pháp học của học sinh.
Không nên tổ chức thi môn tiếng Anh
Cô Trần Thị Huyền Thanh, nguyên tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho rằng: “Phổ điểm năm nay quá thấp cũng là điều dễ hiểu, bởi trong trường phổ thông giáo viên phải dạy học sinh theo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết; phải dạy theo chuyên đề; dạy theo phương pháp bàn tay nặn bột… nhưng khi đi thi thì học sinh chỉ thi viết, quanh quẩn với từ vựng, với văn phạm, với viết đoạn văn…
Tôi cho rằng các cấp quản lý cần nghiêm túc xem lại cách triển khai thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và cách viết chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Anh của bậc phổ thông.
Lâu nay, dư luận cho rằng nhà trường phổ thông dạy tiếng Anh không hiệu quả, học sinh không sử dụng được ngoại ngữ này trong cuộc sống đời thường; cách thức thi cử môn tiếng Anh cũng có nhiều bất cập…
Theo tôi, Nhà nước không cần biên soạn sách giáo khoa môn tiếng Anh nữa, hãy cho học sinh học theo giáo trình quốc tế. Nhà nước cũng không nhất thiết phải tổ chức thi môn tiếng Anh (trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh ĐH, CĐ hay tốt nghiệp THPT quốc gia) một cách rầm rộ và tốn kém mà lại không hiệu quả như hiện nay.
Học sinh lấy được một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo quy định là đạt yêu cầu, không cần phải thi nữa. Như vậy sẽ tránh được những lãng phí của việc viết chương trình – sách giáo khoa – dạy, học và thi môn tiếng Anh như hiện nay”.
Cũng liên quan đến mục tiêu của đề án ngoại ngữ 2020 thể hiện ở việc đổi mới đề thi năm nay, TS Phạm Ngọc Thạch cho rằng: “Tác động của đề án chưa thể hiện được ở chất lượng học tập của học sinh cũng như kết quả thi THPT quốc gia. Vì trên thực tế đề án mới làm được một số việc như rà soát, nâng chất lượng giáo viên, chủ yếu là xem xét về mặt trình độ đào tạo. Trong khi đó việc đổi mới phương pháp dạy học và sự chuyển biến ở chất lượng dạy học thể hiện trong kết quả học tập, thi cử sẽ cần phải có thời gian dài hơn mới có thể đánh giá được”.
Còn cô Phạm Phương Hạnh, một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, phân tích: “Đề thi năm nay có những thay đổi về yêu cầu kiểm tra kiến thức, kỹ năng. Ví dụ bổ sung các yêu cầu đọc hiểu, viết bài văn. Đây là những kỹ năng học sinh phổ thông chưa được rèn luyện nhiều mặc dù việc phát triển bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết của học sinh là định hướng của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020”.
“Học sinh đang “lách” điểm môn tiếng Anh” Lý giải về việc kỳ thi năm nay điểm trung bình môn tiếng Anh thấp bất thường, cô Phạm Thị Mỹ Lệ – tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) – cho biết có hai nguyên nhân chính. Cụ thể hiện nay cơ cấu để xét tốt nghiệp không đưa tiêu chí cụ thể cho môn học tiếng Anh. Môn học này dù được đánh giá là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhưng vẫn được coi là “bình đẳng” với các môn học khác, học sinh chỉ cần học đủ để khi đi thi tránh bị điểm liệt là có thể đủ tiêu chí. Nguyên nhân thứ hai là hiện nay đa số học sinh chỉ làm tốt môn tiếng Anh là diện học sinh ở các thành phố lớn có điều kiện để học tập, sử dụng kỹ năng tiếng Anh, trong khi phần lớn học sinh ở các khu vực còn khó khăn thì khả năng tiếng Anh còn hạn chế. Chính vì thế trong cơ cấu điểm thi tốt nghiệp học sinh có tâm lý tiếng Anh là một môn “khó lấy điểm”, chỉ cần khỏi bị điểm liệt, tập trung các môn khác để vừa lấy điểm xét tốt nghiệp, vừa kéo tổng điểm lên thì sẽ đủ điểm để đậu tốt nghiệp. |
4 tỉnh đã có hàng chục ngàn thí sinh bỏ trống phần tự luận Trước đó ngày 16-7, khi cung cấp thông tin cho một số phóng viên báo chí, ông Lê Anh Phương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế (đơn vị đảm trách cụm thi Hà Tĩnh), cho biết có 11.684 bài trong tổng số 15.728 bài thi môn tiếng Anh có phần tự luận 0 điểm. Nhiều giảng viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế coi thi môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh cũng nhận xét trình độ làm bài của thí sinh Hà Tĩnh hầu hết rất yếu, trong mỗi phòng thi có rất nhiều thí sinh để trống phần tự luận. Nhiều thí sinh “đánh bừa” phần trắc nghiệm rồi… úp mặt lên bàn, chờ đến giờ nộp bài. “Vì vậy mà việc chấm thi môn tiếng Anh phần tự luận của thí sinh (khu vực Hà Tĩnh) rất khoẻ, nhiều bài giấy trắng nên chỉ cần cho điểm 0” – một giảng viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế có tham gia chấm thi môn tiếng Anh cho biết. PGS.TS Võ Thanh Tùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế (đơn vị đảm trách cụm thi Quảng Bình), cho biết có đến 3.196 bài thi tiếng Anh khu vực Quảng Bình có phần tự luận 0 điểm, chiếm gần 2/3 trong tổng số 5.024 bài. Tương tự, PGS.TS Trần Văn Hoà, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – ĐH Huế (đơn vị đảm trách cụm thi Quảng Trị), cho hay có đến 3.634 bài thi tiếng Anh của thí sinh Quảng Trị có phần tự luận 0 điểm, chiếm gần 2/3 trong số 5.946 bài tiếng Anh. Số bài từ 5 điểm trở lên chỉ đạt 7,84%, còn lại hơn 92% là dưới 5 điểm. Tại Thừa Thiên – Huế, hội đồng tuyển sinh ĐH Huế cho biết có đến 4.728 bài thi tiếng Anh của thí sinh tỉnh này có phần tự luận 0 điểm, trong tổng số 8.600 bài, chiếm hơn 1/2. Theo PGS.TS Võ Thanh Tùng, phần tự luận tiếng Anh chủ yếu do thí sinh đầu tư khối D mới chú ý làm bài, còn thí sinh những khối khác chỉ tập trung làm phần trắc nghiệm, chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp. Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Hoà cho rằng: “Điểm tiếng Anh thấp như vậy phản ánh thực trạng đào tạo tiếng Anh bậc phổ thông “có vấn đề”. Ở bậc phổ thông đào tạo tiếng Anh không chuẩn nên rất khó cho bậc ĐH. Chúng tôi thường rất khổ sở với những chương trình liên kết với nước ngoài cần tiếng Anh!”. |