24/12/2024

Tranh cãi việc cấp phép nuôi tê tê

Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa có văn bản phản ứng quyết liệt việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cấp phép gây nuôi thương mại loài tê tê quý hiếm cho nhiều trang trại trên địa bàn.

 

Tranh cãi việc cấp phép nuôi tê tê

Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa có văn bản phản ứng quyết liệt việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cấp phép gây nuôi thương mại loài tê tê quý hiếm cho nhiều trang trại trên địa bàn.




Cá thể tê tê được nuôi tại trung tâm cứu hộ ///  Ảnh: ENV cung cấp

Cá thể tê tê được nuôi tại trung tâm cứu hộẢNH: ENV CUNG CẤP


Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, cho biết vào đầu năm 2016, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cấp giấy phép nuôi sinh sản, sinh trưởng tê tê Java và tê tê vàng cho hàng loạt trang trại như Công ty TNHH Thịnh An Khang (xã Tân Đông, H.Tân Châu), trang trại ông Nguyễn Văn Trà (xã Gia Lộc, H.Trảng Bàng) và trang trại của ông Nguyễn Văn Mỹ (xã Thành Long, H.Châu Thành).
Cấp phép là trái quy định
 
 
Theo ENV (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN), tê tê vàng (Manis pentadactyla) và tê tê Java (Manis javanica) thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Hai loài tê tê này cũng đã được nâng cấp bảo vệ cao nhất (CR – cực kỳ nguy cấp) trong sách đỏ IUCN. Mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép tê tê bất kể khối lượng, số lượng, giá trị tang vật sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 190 bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với mức phạt tối đa lên tới 7 năm tù giam.
 

Bà Hà nói: “Việc cấp phép cho các trang trại này gây nuôi tê tê vì mục đích thương mại là trái các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ loại động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm”. Theo lý giải của đại diện ENV, Nghị định 82/NĐ-CP ngày 10.8.2006 của Chính phủ (về quản lý hoạt động nuôi sinh sản, sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo ĐVHD), quy định một trong những điều kiện để đăng ký gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như tê tê là phải có xác nhận bằng văn bản của Cơ quan Khoa học CITES VN. Cụ thể, tê tê là loài có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát hoặc việc nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng tới việc bảo tồn tê tê trong tự nhiên. “Hiện nay, tê tê Java và tê tê vàng là 2 loài ĐVHD được bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật VN. Do không có khả năng sinh sản trong môi trường nuôi nhốt nên tất cả cá thể tê tê nuôi sinh trưởng hiện nay trong các trang trại tại VN đều có nguồn gốc từ tự nhiên. Do vậy, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cấp phép nuôi loài này khi chưa được Cơ quan Khoa học CITES VN chấp thuận là trái quy định”, bà Hà phân tích thêm.

Theo bà Hà, trong khi cơ quan khoa học chưa xác nhận về việc tê tê phù hợp với môi trường sống nuôi nhốt phục vụ phát triển kinh tế thì tại Tây Ninh, hàng loạt trang trại đã được cơ quan kiểm lâm tỉnh này cấp phép gây nuôi là không thể chấp nhận được”.
Từ đó, ENV đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh thu hồi ngay lập tức giấy phép gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng tê tê cũng như các loài nguy cấp, quý, hiếm bị cấm kinh doanh tại các trang trại; đồng thời không xem xét, phê duyệt các hồ sơ đang xin phép gây nuôi vì mục đích thương mại…
Đã ngưng cấp phép
Trả lời Thanh Niên vào ngày 22.7, ông Phạm Chí Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, cho rằng việc ENV quy kết kiểm lâm cấp phép nuôi tê tê thương mại trái quy định là chưa chính xác. “Kiểm lâm đã cấp giấy phép từ trước khi Nghị định 160/NĐ-CP ra đời (ngày 12.11.2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ – PV) và không có văn bản nào ban hành về tiêu chí xác định chế độ quản lý thuộc danh mục loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vì vậy, những hộ xin giấy phép nuôi đều có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc rõ ràng nên trách nhiệm của đơn vị là phải cấp phép theo quy định. Sau khi Nghị định 160 có hiệu lực (từ 1.1.2014), Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã ngưng cấp phép cho các hộ dân nuôi loài tê tê và một số loài khác nhưng hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn việc xử lý vấn đề này”, ông Trung lý giải.
Cũng theo ông Trung, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ còn trang trại của ông Nguyễn Văn Mỹ (xã Thành Long, H.Châu Thành) nuôi tê tê mà Chi cục Kiểm lâm đã cấp phép trước đó. Tuy nhiên, hiện tại chi cục đã vận động chuyển giao toàn bộ 15 cá thể tê tê cho Công ty TNHH MTV khu vui chơi Trương Trần tại H.Hóc Môn (TP.HCM) nuôi dưỡng theo khuyến cáo của ENV.
Chỉ được nuôi khảo nghiệm và nghiên cứu khoa học
Ông Vũ Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN- PTNT) cho rằng, tê tê vàng và tê tê Java là những loài ĐVHD đặc biệt quý hiếm trong nhóm 1B Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp,
quý hiếm cần phải được bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt. Cho đến Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì tê tê nằm trong nhóm được phép chăn nuôi nhưng chỉ phục vụ cho mục đích khảo nghiệm và nghiên cứu khoa học chứ không cho phép gây nuôi sử dụng vào mục đích thương mại. Cụ thể, chỉ có các cơ sở có chức năng và khả năng bảo tồn, cứu hộ mới được cấp phép nuôi loài động vật quý hiếm này. Và khi con vật khỏe mạnh, trưởng thành, cơ sở nuôi buộc phải tái thả vào tự nhiên chứ không được giữ lại sử dụng vào các mục đích có tính chất thương mại.
Cũng theo ông Vũ Thế Liên, hiện tại ở VN chỉ có Trung tâm cứu hộ tê tê Cúc Phương là đơn vị được cấp phép chăm nuôi để nghiên cứu khoa học và thực hiện chức năng cứu hộ những cá thể do cơ quan chức năng như công an, kiểm soát, biên phòng… tịch thu, bắt giữ trong các vụ buôn bán, vận chuyển tê tê trái phép chuyển về. Khi cá thể tê tê khỏe mạnh, toàn bộ sẽ được thả trở lại vào môi trường tự nhiên để bảo tồn.

 

Giang Phương – Phan Hậu