27/12/2024

Ngân hàng sai phạm, nợ xấu vẫn tăng

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã trình Quốc hội kết quả kiểm toán năm 2015. Hàng loạt vi phạm của các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng đã được chỉ ra.

 

Ngân hàng sai phạm, nợ xấu vẫn tăng

 

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã trình Quốc hội kết quả kiểm toán năm 2015. Hàng loạt vi phạm của các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng đã được chỉ ra.

 

 

 

Ngân hàng sai phạm, nợ xấu vẫn tăng
Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam – Ảnh: NAM TRẦN

Nợ xấu là yếu tố cốt lõi khiến các ngân hàng khó giảm lãi suất và thời gian qua VN đã tập trung xử lý nợ xấu, với con số báo cáo xử lý được rất lớn. Thế nhưng KTNN đã chỉ ra tỉ lệ nợ xấu các ngân hàng có vốn nhà nước đến cuối năm 2014 là 145.200 tỉ đồng.

Nợ xấu tăng thêm 28.700 tỉ đồng

Con số trên tăng thêm 28.700 tỉ đồng so với cuối năm 2013, chiếm 3,25% tổng dư nợ! Đáng chú ý là tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển VN (VDB) với 11%, tăng 68% so với năm 2013.

KTNN đánh giá việc xử lý nợ xấu năm 2014 của các ngân hàng nhà nước không hiệu quả, chủ yếu chỉ dựa vào việc bán nợ cho Công ty Quản lý nợ của tổ chức tín dụng (VAMC).

Trong năm 2014, các ngân hàng nhà nước đã bán 79.610 tỉ đồng trong tổng số 143.500 tỉ đồng nợ xấu được xử lý cho VAMC.

Nhưng VAMC chỉ xử lý được 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỉ đồng nợ xấu đã mua của các tổ chức tín dụng.

Trong báo cáo, KTNN chỉ ra tồn tại của các tổ chức tín dụng trong năm 2014 là việc trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng.

Cụ thể: VietinBank 20,5 tỉ đồng, BIDV 36,5 tỉ đồng, VCB 41,3 tỉ đồng. Mặt khác, một số ngân hàng đã cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ.

Làm sai, hiệu quả sử dụng đất thấp

Năm 2015, KTNN nêu đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty… Kết quả, KTNN nêu 5/38 tập đoàn, tổng công ty… kinh doanh thua lỗ (riêng Tổng công ty Hàng hải – Vinalines lỗ 3.478,48 tỉ đồng)…

KTNN cho biết thực tế: Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Kết quả, KTNN phải tính toán lại, điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn thêm 1.854 tỉ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.518 tỉ đồng; các khoản thuế và phải nộp thêm vào ngân sách tăng 6.220 tỉ đồng (trong đó riêng Tập đoàn Dầu khí phải tăng nộp thuế tới 4.562 tỉ, Habeco thêm 210,3 tỉ đồng, MobiFone 201 tỉ đồng, Vinataba 128,3 tỉ đồng…).

Nhiều doanh nghiệp nhà nước sở hữu đất đai rộng lớn, KTNN nêu thực tế một số tập đoàn, tổng công ty đã không sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả… Những cái tên được nêu ra như Vinalines, PVOil, Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN…

Thậm chí có nơi đất được dùng không đúng mục đích như Tổng công ty Mía đường II (tới 270,5ha).

Bất chấp quy định để khai thác khoáng sản

Theo báo cáo của KTNN, tình trạng khai thác khoáng sản đáng báo động. Theo báo cáo của KTNN, không chỉ doanh nghiệp tư, các cá nhân mà cả doanh nghiệp nhà nước lớn cũng vi phạm trong khai thác khoáng sản.

Cụ thể, KTNN xác định Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) đã thăm dò khai thác vượt phạm vi, giới hạn của giấy phép (những cái tên cụ thể vi phạm lại đều là những “anh cả” trong ngành than như Công ty Than Hạ Long, Uông Bí, Dương Huy, Mạo Khê, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc đã khoan thăm dò ngoài phạm vi được phép quản lý). Ở TKV còn có tình trạng quyết toán 
vượt tổng mức đầu tư.

Về quỹ thăm dò và quỹ môi trường than – khoáng sản giai đoạn 2010-2014 của TKV, KTNN cũng phát hiện hàng loạt vi phạm: chưa xây dựng đầy đủ kế hoạch sử dụng; chưa mở tài khoản riêng tại ngân hàng để theo dõi, hạch toán các khoản lãi phát sinh và tăng nguồn theo quy định.

Đáng lưu ý, TKV đã trích từ quỹ môi trường vượt mức được phép năm 2012 là 113 tỉ đồng; sử dụng quỹ để đầu tư cho các dự án, đề án không đúng quy định trên 238 tỉ đồng. Hầu hết đề án khoan thăm dò không tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định (TKV chỉ định luôn đơn vị thi công trong quyết định phê duyệt đề án)…

Nghiêm trọng hơn, theo KTNN, một số đề án khai thác khoáng sản của TKV triển khai khi… chưa được cấp phép (4 đề án của Công ty Than Hạ Long, 2 đề án của Công ty Than Uông Bí – những đơn vị lớn trực thuộc TKV).

Nợ đọng thuế 75.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của KTNN, tổng số nợ thuế đến cuối năm 2014 là 76.073 tỉ đồng, tăng 6.731 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2013.

Qua kiểm toán cho thấy nợ thuế có xu hướng tăng qua các năm cả về số tuyệt đối. Cụ thể năm 2011 nợ thuế 35.117 tỉ đồng, năm 2012 là 55.056 tỉ đồng, năm 2013 là 69.342 tỉ đồng, năm 2014 là 76.073 tỉ đồng.

Đặc biệt, nợ khó thu năm 2014 tăng 2.617 tỉ đồng so với một năm trước. Nguyên nhân khiến nợ đọng thuế tại một số địa phương tăng cao, theo KTNN đánh giá, là do cục thuế địa phương thực hiện không triệt để các biện pháp cưỡng chế.

Về nợ đọng thuế, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Thanh, nguyên phó chủ tịch Uỷ ban 
Kinh tế của Quốc hội, cho rằng ông giật mình khi Tổng cục Thuế cho biết tình trạng nợ đọng thuế ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tính đến hết tháng 6, tổng số tiền thuế nợ đọng của cả nước lên đến 75.000 tỉ đồng, trong đó có 20.000 tỉ đồng không thể thu hồi được.

Ở các nước, đã nói đến thuế là phải thu bằng được. Ông Thanh đề nghị KTNN cần phải kiểm toán cả nghĩa vụ thu thuế của cơ quan thuế. Tại sao cơ quan thuế VN có đến 4,2 vạn cán bộ mà lại để số nợ đọng thuế lớn đến như vậy?

Hàng loạt tỉnh không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng

Theo báo cáo về kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2014, KTNN khẳng định một thực tế đáng buồn: “Hầu hết các địa phương chưa tuân thủ triệt để những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn tới 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2014 với số tiền lên tới trên 13.300 tỉ đồng (điển hình là Thanh Hoá nợ thêm 1.729,26 tỉ, Hà Giang 1.093 tỉ đồng; Quảng Nam 1.062 tỉ; Hà Nội 939,7 tỉ; Ninh Thuận 442 tỉ; Lạng Sơn 270 tỉ; Quảng Ninh 241,66 tỉ; Bắc Ninh 220 tỉ đồng…

Một số tỉnh nghèo cũng nợ thêm như Điện Biên 213 tỉ; Lai Châu 185 tỉ; Đắk Lắk 180 tỉ, Thái Bình 69,08 tỉ; Hậu Giang 20,09 tỉ đồng…). Một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

C.V.KÌNH – L.THANH