Thanh trừng khốc liệt ở Thổ Nhĩ Kỳ
Cho đến nay, số người bị nghỉ việc hoặc bị tống giam kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra đã lên tới hơn 50.000 người. “Số vụ bắt giữ từ ngày 15-7 (ngày đảo chính) rất đáng báo động” – Tổ chức Ân xá quốc tế lên tiếng.
Thanh trừng khốc liệt ở Thổ Nhĩ Kỳ
Cho đến nay, số người bị nghỉ việc hoặc bị tống giam kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra đã lên tới hơn 50.000 người. “Số vụ bắt giữ từ ngày 15-7 (ngày đảo chính) rất đáng báo động” – Tổ chức Ân xá quốc tế lên tiếng.
Ngày 17-7, Tổng thống Erdogan dự lễ tang một nạn nhân thiệt mạng trong cuộc đảo chính – Ảnh: Reuters |
Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về sự kiện đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ và quy mô cuộc thanh trừng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan..
Những ngày qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang thanh trừng các tướng lĩnh, quan chức có liên quan đến sự kiện đảo chính tuần trước. Hàng chục ngàn người bị truy trách nhiệm hoặc gắn mác “liên đới” dù người phát ngôn chính phủ cho rằng mọi việc diễn ra “hoàn toàn theo pháp luật”.
Mượn gió bẻ măng
Theo báo Guardian, chiến dịch “nhổ cỏ” của ông Erdogan đạt đến một cấp độ khiến người ta nghi ngờ ông này “mượn gió bẻ măng” để quét sạch những thành phần bất đồng chính kiến, bất kể họ có tham gia cuộc đảo chính hay không.
Trước đó, Ankara đã sa thải gần 8.800 cảnh sát, bắt giữ 6.000 binh lính, 2.700 thẩm phán, công tố viên, hàng chục tỉnh trưởng và hơn 100 tướng lĩnh (gần 1/3 số tướng lĩnh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ). Về truyền thông, khoảng 20 trang web chỉ trích chính phủ cũng bị chặn.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hành động của họ nhằm “bảo đảm an toàn” cho đất nước và những người bị bắt giữ hoặc sa thải đều có liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen – thủ lĩnh tinh thần của phong trào đối lập – hiện đang lưu vong tại Mỹ.
Ngày 19-7, Ankara thông báo đã chuẩn bị một hồ sơ yêu cầu Washington dẫn độ ông Gulen, nhưng Nhà Trắng chỉ nói sẽ xem xét cơ sở của yêu cầu này. Cùng ngày, Tổng thống Barack Obama trong cuộc điện đàm với ông Erdogan khẳng định sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết, nhưng đồng thời yêu cầu người đồng cấp nên giữ đúng mực trong việc truy cứu những người có trách nhiệm.
Quả thật, quy mô của chiến dịch bắt bớ và sa thải khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Quan sát nhân quyền cùng các nhà lãnh đạo Âu – Mỹ đều đồng thanh kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nên tuân thủ luật pháp.
“Số lượng vụ bắt giữ kể từ ngày thứ sáu (15-7, ngày diễn ra đảo chính – PV) rất đáng báo động… Những người liên quan đến bạo lực và giết chóc phải trả lời trước công lý nhưng đàn áp người bất đồng chính kiến hay doạ khôi phục án tử hình không phải là công lý” – Tổ chức Ân xá quốc tế khẳng định.
Tuy nhiên đáp lại những chỉ trích, người phát ngôn của ông Erdogan – ông Ibrahim Kalin – bày tỏ sự bực dọc: “Chúng tôi là những người phải xuống đường, đổ máu vì dân chủ và luật pháp (chứ không phải các vị)”.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akarar (giữa) dự đám tang một cảnh sát đặc nhiệm tại thủ đô Ankara, ngày 19-7 – Ảnh: Reuters |
Đảo chính dàn dựng?
Thế đứng của Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính giờ đây vững chắc đến mức dư luận nghi ngờ ông này tự đạo diễn, hay ít nhất là biết trước và cố tình lợi dụng nó.
Trong số câu hỏi có những thắc mắc như tại sao phe đảo chính không khống chế ông Erdogan và dàn quan chức cấp cao, hay tại sao họ không chiếm sân bay, đài phát thanh, truyền hình, mạng Internet một cách hiệu quả?
Kết quả của sơ hở này là trong những giờ đầu hỗn loạn của cuộc đảo chính, ông Erdogan và các bộ trưởng quan trọng của ông kịp thời xuất hiện trên các phương tiện đại chúng để kêu gọi những người ủng hộ hành động.
Nhân vật mà ông Erdogan cáo buộc chịu trách nhiệm vụ đảo chính – giáo sĩ Fethullah Gulen mạnh mẽ phủ nhận vai trò của mình trong sự kiện này.
Ông Gulen khẳng định điều mà nhiều người Thổ đã nhận xét kể từ lúc thông tin xuất hiện: “Có khả năng đây là một cuộc đảo chính dàn dựng”.
Tuy ông Erdogan một mực cho rằng mình là nạn nhân, dẫn chứng rằng hai vệ sĩ đã thiệt mạng trong toà biệt thự nghỉ dưỡng ở Địa Trung Hải, nhưng người ta vẫn thắc mắc tại sao vụ tấn công chỉ diễn ra sau khi ông này đã rời khỏi đó dù ai cũng biết vị trí của dinh thự này.
Một giả thiết khác khả dĩ hơn đó là ông Erdogan không dàn dựng cuộc đảo chính ngay từ đầu nhưng đã biết trước. Nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm này có thể cố tình để đảo chính diễn ra nhằm dụ những kẻ thù của mình lộ diện.
Chính quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19-7 cũng thừa nhận đã nhận được tin tình báo trước vài giờ. Nhìn chung, dù thật, giả hay cố ý, ông Erdogan đã tận dụng triệt để cơ hội cuộc đảo chính mang lại, minh chứng là các vụ bắt bớ quy mô lớn. “Ông Erdogan kiểm soát tuyệt đối các cơ quan chính phủ, nên nếu nói ông ta giả vờ không biết trước âm mưu đảo chính của một nhóm nhỏ quân đội thì cũng không có gì ngạc nhiên” – một giáo sư Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nhận xét với kênh FoxNews.
NATO cảnh báo Ankara Câu hỏi về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được đặt ra sau hàng loạt vụ bắt bớ của chính quyền ông Erdogan. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Ankara có thể đối mặt với việc bị khai trừ khỏi NATO nếu vẫn cố chấp với chiến dịch thanh trừng. Thành viên NATO buộc phải tuân thủ một số quy tắc dân chủ nhất định – ông Kerry nhấn mạnh. Theo Telegraph, trong những lần bất hoà trước đây, mối lo Thổ Nhĩ Kỳ ngả về Nga hoặc các chế độ độc tài ở Trung Đông khiến Mỹ và đồng minh “nhắm một con mắt” trước những bất cập chính trị của Ankara, nhưng giờ đây nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ bị NATO tẩy chay là có thật. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu vẫn còn tức giận vì vai trò của ông Erdogan trong cuộc khủng hoảng di cư hè năm vừa qua, ấy là chưa nói đến sự dây dưa của Thổ Nhĩ Kỳ với các nhóm phiến quân Al-Qaeda tại Syria. |
Hơn 50.000 người bị “sờ gáy” Cho đến nay, tổng số người bị đình chỉ công việc hoặc bị tống giam kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra đã lên tới hơn 50.000 người. Mới nhất, 15.000 nhân viên ngành giáo dục, 1.500 trưởng khoa các trường đại học, 257 viên chức văn phòng thủ tướng, 492 giáo sĩ thuộc ban phụ trách các vấn đề tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ… đã bị sa thải hoặc ép phải từ nhiệm. |