Tự tạo cơ hội: Ăn nên làm ra từ rau muống VietGAP
Nhờ chuyên canh rau muống VietGAP, ông Nguyễn Văn Bi ở TP.Cần Thơ có nguồn lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng mỗi tháng.
Tự tạo cơ hội: Ăn nên làm ra từ rau muống VietGAP
Nhờ chuyên canh rau muống VietGAP, ông Nguyễn Văn Bi ở TP.Cần Thơ có nguồn lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Bi (56 tuổi, ngụ khu vực Thới Hoà, P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho hay hơn 20 năm gắn bó với ruộng rẫy, ông từng trồng đủ các loại rau củ như bầu, bí, cà chua, bắp cải… nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. “Rau củ ở đây không cạnh tranh nổi với hàng từ Đà Lạt về. Mỗi vụ rẫy kéo dài 2 – 3 tháng, tới mùa thu hoạch có khi thương lái thu mua chỉ vài trăm đồng 1 kg, không đủ tiền để bù phân, thuốc”, ông Bi nói.
Tình cờ một lần đến nhà bạn chơi, thấy mô hình trồng rau muống khá hiệu quả vì ít tốn công chăm sóc, thời gian thu hoạch nhanh, giá ổn định nên ông Bi quyết định làm theo. Từ vài luống rau gieo thử ban đầu, đến năm 2000, ông chuyển toàn bộ 1,5 công đất sang trồng rau muống và là người đầu tiên ở Thới An chuyên canh loại rau này. Chỉ sau vài vụ, ông đã chứng minh được hiệu quả kinh tế mà rau muống mang lại. Nhờ tìm được đầu ra ổn định, sau mấy năm, ông tích lũy được một số vốn mua và thuê thêm đất mở rộng diện tích. Hiện tại, ông có 6 công đất trồng rau muống.
Năm 2010, ngành chức năng phát động phong trào nông dân liên kết trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Bi đứng ra vận động 8 nông dân địa phương thành lập HTX Rau an toàn Hoà Phát chuyên canh cây rau muống với tổng diện tích 5 ha. “Tôi đã ấp ủ ý định trồng rau muống an toàn từ lâu nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Nay được hỗ trợ phân, giống, hướng dẫn kỹ thuật… tôi sẵn sàng tham gia. Trồng rau sạch vừa góp phần giữ sức khoẻ cho người tiêu dùng mà lương tâm người trồng rau cũng thanh thản”, ông Bi nói.
Trồng rau muống VietGAP tuy chi phí cao và tốn công chăm sóc nhưng nếu áp dụng đúng kỹ thuật, năng suất sẽ cao hơn so với trồng theo cách thông thường. Hiện ông đang áp dụng phương pháp giảm 50% lượng phân hóa học, chuyển qua dùng phân hữu cơ, đồng thời sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Sau khi làm đất, đánh liếp, bón lót phân hữu cơ và rải tro, mỗi công sẽ gieo khoảng 25 – 30 kg hạt. Khi cây nảy mầm, lên lá từ 9 – 10 ngày thì bón thêm phân NPK cho rau mau lớn và xịt thuốc sinh học để trừ sâu. Thời gian cách ly phân thuốc trước khi thu hoạch khoảng 7 ngày. Do thời gian trồng rau muống khá ngắn, chỉ từ 18 – 20 ngày nên trung bình mỗi năm, ông sản xuất khoảng 10 vụ.
Hiện rau muống của HTX Rau an toàn Hòa Phát do ông Tám Bi làm giám đốc đã được Chi cục Bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ cấp giấy chứng nhận “Đủ điều kiện sản xuất rau an toàn” và đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Ông cũng thường xuyên đem sản phẩm của HTX tham gia vào các hội chợ triển lãm giới thiệu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo ông Bi, rau muống VietGAP có những đặc điểm như cọng rau không quá xanh, giữ được tươi lâu và có vị ngọt tự nhiên… Mỗi ngày ông cung cấp ra thị trường khoảng
500 kg rau muống; trong đó, ông liên kết với HTX Rau an toàn Long Tuyền (Q.Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ) đưa 100 kg rau muống vào các cửa hàng rau sạch trên địa bàn với giá 8.000 đồng/kg. Số còn lại được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá dao động từ 3.000 – 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày ông thu lời khoảng 1,5 triệu đồng.
Nhiều hộ trong vùng thấy ông Tám Bi ăn nên làm ra nhờ trồng rau muống nên đã học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Đến nay, ở khu vực Thới Hoà có khoảng 30 hộ chuyên trồng rau muống và đều xây dựng được nhà cửa khang trang. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 – 4 lao động nữ, thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày.
Hương Giang