Học giả Trung Quốc: ‘Đường lưỡi bò’ sẽ dẫn vào ngõ cụt
Ngay sau khi tuyên bố Bắc Kinh nên nghiêm túc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa tiếp tục kêu gọi Trung Quốc nên từ bỏ việc theo đuổi “đường 9 đoạn”.
Học giả Trung Quốc: ‘Đường lưỡi bò’ sẽ dẫn vào ngõ cụt
Ngay sau khi tuyên bố Bắc Kinh nên nghiêm túc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa tiếp tục kêu gọi Trung Quốc nên từ bỏ việc theo đuổi “đường 9 đoạn”.
Ngày 15.7, học giả Trung Quốc chính trực Lý Lệnh Hoa tiếp tục viết trên mạng xã hội Weibo bài báo nhan đề Nếu kiên trì đường 9 đoạn, việc phân định ranh giới Biển Đông sẽ đi vào ngõ cụt.
Theo đó, ông Lý Lệnh Hoa tỏ thái độ không đồng tình về việc mặc dù Toà trọng tài thường trực (PCA) đã công bố phán quyết về Biển Đông từ ngày 12.7, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn nhiều lần không chấp nhận, không thừa nhận điều này.
Xâm phạm cửa nhà người khác
Ông Hoa đặc biệt nhấn mạnh, việc Toà trọng tài quốc tế cho rằng “đường 9 đoạn” ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế khiến ông nhớ tới câu nói của ông La Ngọc Như – cựu Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc rằng: “Ranh giới lãnh hải của Trung Quốc không nên vạch tới cửa nhà người khác”. Ý của ông Như là điều này luôn phù hợp trong cả vấn đề ranh giới biển ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông. Học giả Lý Lệnh Hoa giải thích thêm: “Ông Như cho rằng “đường 9 đoạn” đó quả thực đã mở rộng tới cửa nhà người khác, chiếm tới 85% tổng diện tích Biển Đông, hơn nữa nó lại là đường ảo. Chả trách Philippines đã khởi kiện Trung Quốc như vậy”.
Ông Hoa cũng viết rằng nguyên tắc phân chia ranh giới biển mà quốc tế hiện sử dụng là phải dựa trên cơ sở địa hình ven biển, bao gồm cả địa hình và chiều dài bờ biển. Học giả này nhấn mạnh: “Trung Quốc bắt buộc phải tuân theo điều này khi phân chia ranh giới biển vào thực tế. Bởi nếu kiên trì đeo đuổi “đường 9 đoạn” như vậy, việc phân chia ranh giới biển của Trung Quốc sẽ rơi vào ngõ cụt”.
Đàm phán song phương không hiệu quả
Ông Hoa cũng cho rằng, về việc tranh chấp các quần đảo trên Biển Đông, Trung Quốc không chỉ gây tranh cãi và mâu thuẫn với một mình Philippines, vì vậy để xử lý vấn đề này ra sao, mỗi bên đều cần có nhận thức thống nhất.
“Về vấn đề phân chia ranh giới biển, mọi mâu thuẫn tồn tại giữa Trung Quốc với các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia đều có điểm chung. Trung Quốc kiên trì “đường 9 đoạn” trong lịch sử, nhưng các nước khác lại đều chủ trương tuân theo điều 74 và điều 83 trong Công ước LHQ về luật Biển ký năm 1982. Tức là cùng phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh”, ông Hoa viết.
Học giả Lý Lệnh Hoa cũng thừa nhận thời gian đối lập nhau về quan điểm đã kéo quá dài, việc đàm phán qua lại không mang lại kết quả, chỉ tổ gây lãng phí thời gian và thiệt hại tài sản, tiền tài cho mỗi quốc gia.
Ông nêu ví dụ: “Chỉ riêng việc đàm phán về phân chia ranh giới phần vịnh Bắc bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã kéo dài hơn 10 năm rồi. Do hai bên đều không ai chịu nhường, tới nay cũng không hề có bất kỳ tiến triển nào. Điều này thật đáng tiếc”.
Học giả Lý Lệnh Hoa cũng tha thiết bày tỏ: “Biển Đông cần trở thành một vùng biển hoà bình, hợp tác và hữu nghị, không thể chỉ là câu nói suông… Các nước vùng Biển Đông đều cần ổn định chính trị ở Biển Đông và cần tích cực nỗ lực hơn trong việc phân định hàng hải, thông qua đàm phán hoà bình, tích cực giải quyết mọi tranh chấp xung đột các loại. Đây cũng là nhu cầu thực tế khi đối diện với vấn đề xử lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và phân định ranh giới hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc không thể “tấn công” vào một vài quốc gia. Nếu chỉ đàm phán song phương để giải quyết mâu thuẫn Biển Đông thì e rằng ngay cả học sinh tiểu học, trung học của Trung Quốc đều cho rằng không thể giải quyết nổi”.
Trung Quốc doạ trả đũa Úc
Vụ trưởng châu Đại dương – Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tùng Bối Vũ hôm qua 19.7 lên giọng cảnh báo rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị “những biện pháp đáp trả nghiêm túc” nếu những quốc gia như Úc tham gia tuần tra áp sát đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở Biển Đông, theo tờ The Australian. Ông Tùng còn tuyên bố nếu Úc và những quốc gia khác “muốn thấy hoà bình, ổn định và tự do lưu thông” ở khu vực, họ không nên ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan ngày 12.7 và đưa ra “những bình luận vô trách nhiệm”.
Cảnh báo của Bắc Kinh được đưa ra giữa lúc Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến thăm Úc. Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Malcolm Turnbull, ông Biden cho biết Mỹ và Úc tái khẳng định cam kết sẽ đối phó với “bất kỳ thách thức nào tại Thái Bình Dương như một mặt trận thống nhất”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. hôm qua 19.7 tiết lộ rằng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị tổ chức cuộc đàm phán song phương để giải quyết vấn đề Biển Đông nhưng không dựa vào phán quyết mà PCA ở Hà Lan đưa ra ngày 12.7. Ông Vương đưa ra đề nghị nói trên tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Yasay bên lề Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) diễn ra ở Mông Cổ hồi tuần rồi, theo tờThe Philippine Star.
Ông Yasay còn tiết lộ rằng trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo ông về nguy cơ đối đầu nếu Manila cứ bàn về phán quyết. Đáp lại, Ngoại trưởng Yasay đã bác bỏ đề nghị của ông Vương, lập luận rằng nó không phù hợp với Hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines. Ngoại trưởng Yasay cho rằng Trung Quốc có thể mất sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu không xem xét lại lập trường của họ về yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông vốn đã bị phán quyết của PCA bác bỏ. Ông Yasay bày tỏ hy vọng phán quyết sẽ thúc đẩy những quốc gia thành viên ASEAN còn lại ra tuyên bố chung và nó có thể hỗ trợ các nước láng giềng trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, theo Reuters.
Liên quan đến diễn biến ở Biển Đông, Trung Quốc hôm qua 19.7 bắt đầu cuộc tập trận 3 ngày ở phía đông nam đảo Hải Nam. Và theo thông báo mới nhất của Cục Hải sự Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc tập trận song song ở phía nam đảo Hải Nam từ 20 – 22.7.
Văn Khoa
|
Trấn Đại Việt