Tự tạo cơ hội: ‘Vui thú điền viên’ với trại nấm linh chi đỏ
Là thầy giáo kỳ cựu ở TP.Đà Lạt, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Ngọc Sanh “vui thú điền viên” với trại trồng nấm linh chi đỏ.
Tự tạo cơ hội: ‘Vui thú điền viên’ với trại nấm linh chi đỏ
Là thầy giáo kỳ cựu ở TP.Đà Lạt, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Ngọc Sanh “vui thú điền viên” với trại trồng nấm linh chi đỏ.
Trại nấm có diện tích khoảng 300 m² được xây dựng sau ngôi nhà trong hẻm đường Ngô Tất Tố, P.8, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng. Ông Sanh bắt đầu xây dựng trại trồng nấm linh chi đỏ Đà Lạt vào đầu năm 2016, với sự tư vấn kỹ thuật của người con rể là thạc sĩ sinh học Nguyễn Lê Quốc Hùng.
Vụ đầu tiên ông trồng trên diện tích 100 m² với 5 giàn khung sắt chiều cao 2 m được sắp đặt ngay ngắn. Tuy không gian nhỏ gọn nhưng có thể trồng 10.000 bịch phôi giống nấm, các bịch được xếp thành nhiều lớp thẳng tắp.
Để nấm phát triển tốt, ngôi nhà trồng nấm được bao bọc bên ngoài lớp ni lông trắng, phía trong được che thêm lớp lưới đen có tác dụng điều hoà ánh sáng và độ ẩm. Dưới nền nhà (thấp hơn đế giàn trồng nấm) được phủ những tấm bạt đen chạy dài luôn giữ mực nước cao khoảng 3 cm, mục đích để tăng độ ẩm cho trại nấm. Hằng tuần ông Sanh đều dùng vôi bột khuấy đều trên mặt nước nền nhà để xử lý sạch mầm bệnh gây hại cho nấm.
Giá thể để trồng nấm linh chi gồm hỗn hợp mùn cưa, vôi, cám bắp, mật mía và bánh khô dầu xay nhuyễn; sau khi đóng vào bịch được hấp khử trùng ở nhiệt độ 1210C, phải hấp 3 lần, mỗi lần cách nhau 24 giờ. Tiếp đó, đến giai đoạn cấy phôi nấm vào bịch và đưa vào nhà trồng ánh sáng tán xạ nhẹ, nhiệt độ từ 22 – 280C. Để đảm bảo độ ẩm từ 80 – 90%, trại trồng nấm được trang bị hệ thống tưới phun sương tự động hẹn giờ, nên luôn giữ độ ẩm thích hợp giúp nấm phát triển tối ưu.
Ông Sanh cho biết thêm, sau 4 tháng rưỡi gieo trồng nấm cho thu hoạch lứa đầu tiên, trong đó 95% sản phẩm nấm đạt loại 1, đường kính tai nấm từ 10 – 12 cm, cuống nấm dài từ 3 – 5 cm; còn lại 5% sản phẩm loại 2 với các kích thước nhỏ hơn. Hiện ông Sanh chuẩn bị thu hoạch lứa thứ 3. Nấm linh chi tươi vừa thu hoạch bán từ 300.000 – 450.000 đồng/kg. Nếu phơi khô hoặc sấy khô bán với giá từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/kg (tùy kích cỡ tai nấm).
Để thuận tiện cho người sử dụng, ông Sanh cùng con rể đang nghiên cứu chế biến nấm linh chi dạng bột xay, có thể sử dụng như cách pha chế trà trong ấm hoặc hòa tan trong bình giữ nhiệt.
Sau vụ thu hoạch đầu tiên, vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng cho 100 m², sau khi trừ các chi phí, ông Sanh còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Người con rể ông Sanh – anh Nguyễn Lê Quốc Hùng, cho biết loài nấm linh chi đỏ hoang dã này (tên khoa học granodermataceae karst), được nhóm nghiên cứu của TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Lâm Đồng phát hiện dưới một gốc cây phi lao cổ thụ trong khu nhà 13 Đinh Tiên Hoàng (Đà Lạt) vào năm 1995, nên được gọi tên linh chi đỏ Đà Lạt.
Sau đó được phân lập giống thuần khiết trên môi trường PGA cải tiến (làm sạch hết các nguồn bệnh), giống được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Nhiều năm qua, giống nấm linh chi đỏ Đà Lạt này được nhân giống bằng công nghệ invitro (cấy mô) cung cấp cho nhiều hộ gia đình trồng nấm ở các huyện cùng hai thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt (Lâm Đồng), mỗi địa phương có từ 3 – 4 mô hình trồng nấm linh chi, diện tích mỗi mô hình từ 50 – 100 m².
Thạc sĩ Hùng và một số cán bộ kỹ thuật của Sở Khoa học – Công nghệ Lâm Đồng trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất.
Sau vụ thu hoạch đầu tiên, ông Sanh đang tiếp tục đầu tư hệ thống tưới phun cho 200 m² còn lại, và đặt 30.000 bịch phôi giống để trồng trong vài tháng tới. Cơ sở sản xuất nấm linh chi đỏ Đà Lạt của ông Sanh được đặt tên là Phượng Hoàng, đã được cấp chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đây có thể xem như mô hình sản xuất nấm linh chi đỏ Đà Lạt phù hợp với các hộ gia đình, vì vốn đầu tư không nhiều nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Qua thực tế cho thấy, nấm linh chi đỏ Đà Lạt sản xuất tại các huyện có khí hậu nóng hơn thì nấm sinh trưởng nhanh hơn, chỉ sau 2 tháng trồng cho thu hoạch (Đà Lạt 4 tháng rưỡi), tuy nhiên các hoạt chất dược lý không bằng linh chi đỏ trồng ngay tại Đà Lạt có độ cao 1.500 m (so với mực nước biển). Linh chi đỏ trồng tại Đà Lạt có sắc màu nâu đỏ đẹp hơn và có hương vị thơm đặc trưng, khi nếm vị đắng cao hơn. Theo các nhà khoa học, nấm linh chi đỏ chứa hoạt chất polysaccharides giúp tăng khả năng đề kháng và miễn dịch của cơ thể; có tác dụng chống phóng xạ và giải độc, chống u ác tính, còn chất adenosin giúp hạ cholesterol…
|
Lâm Viên