Thảm sát ở Nice
Hoa, nước mắt và những dòng chữ tiếc thương, thành phố Nice tươi đẹp ở miền nam nước Pháp đang chìm trong buồn đau sau vụ khủng bố đẫm máu vào đêm Quốc khánh.
Thảm sát ở Nice
Hoa, nước mắt và những dòng chữ tiếc thương, thành phố Nice tươi đẹp ở miền nam nước Pháp đang chìm trong buồn đau sau vụ khủng bố đẫm máu vào đêm Quốc khánh.
Hai tuần trước, tôi từng đến Nice, nhưng đấy là quãng thời gian niềm vui ngập tràn với bóng đá, biển xanh, nắng vàng. Nhưng hôm qua, khi tôi đến nơi đây, thành phố này đang ở giữa một cuộc khủng hoảng sau bi kịch quá khủng khiếp vừa xảy ra.
“Họ chuyền cho tôi những đứa trẻ”
Nói chuyện với tôi, Mariana như chưa hết bàng hoàng về cảnh tượng chứng kiến vào đêm hôm trước. Đó là đêm Quốc khánh, con đường đi dạo bên bờ biển tràn ngập người. Thông thường vào những dịp này, người ta sẽ chơi thâu đêm suốt sáng. Quán bar Balthazar nơi Mariana làm việc vì thế cũng mở cửa tới gần sáng. Hơi mệt, nhưng đối với cô gái này thì đó là việc phải làm.
“Bỗng dưng người ta ùa vào. Hàng chục, hàng trăm người hốt hoảng. Họ chui xuống gầm bàn, nấp sau quầy bar, chui vào nhà vệ sinh. Có nhiều người chuyền cho tôi những đứa trẻ. Tụi tôi cùng nhau giúp họ lọt vào hết bên trong dù lúc bấy giờ vẫn chưa biết chuyện gì xảy ra ngoài kia”, Mariana kể. “Tôi đứng ở cửa và thấy một chiếc xe tải lao đằng kia, rồi mọi người chạy tán loạn. Họ lao vào chỗ chúng tôi để ẩn náu”, Rebecca Girano, đồng nghiệp của Mariana, bổ sung.
“Tôi sợ cứng người, nhưng vẫn gắng cùng đồng nghiệp hỗ trợ các nạn nhân. Một hồi sau cảnh sát xuất hiện, mọi người trong này mới biết tình hình đã được kiểm soát”. “Lúc đó tôi đang ở chỗ kia, và khi xe tải lao vào thì tôi chạy tới chỗ đằng này. Tôi nghe nhiều tiếng la hét và nghe cả tiếng bánh xe nghiến trên nền gạch”, một người đàn ông Ireland kể với Thanh Niên.
Trong khung cảnh hỗn loạn giữa đêm, mặc dù rất khiếp sợ nhưng Mariana lúc bấy giờ chưa thể hình dung được mức độ khủng khiếp của thảm kịch. Mãi tới khi các thông tin chính thức được báo chí đăng tải, cô mới biết rằng ở ngoài kia đã có hàng chục sinh mạng bị kết liễu bởi tay một kẻ ác, trong đó có 10 trẻ vị thành niên. “Tôi không tin vào điều vừa xảy ra. Quá khủng khiếp”, cô nói, nghẹn ứ khi dòng nước mắt chực trào.
Lúc tôi tới hiện trường vụ khủng bố vào buổi trưa, thấy trên thảm cỏ trước quán bar Balthazar những bông hoa mong manh trong gió ai vừa đặt để tưởng niệm các nạn nhân. Những ngọn nến lung linh được thắp lên và những dòng chia sẻ với nét chữ run run. Du khách, người dân, người già, em bé, mỗi người đến đây lặng lẽ mang theo một nhành hoa, lặng lẽ đứng chờ đến lượt mình để đặt lên thảm cỏ, rồi lặng lẽ lau dòng nước mắt không ngừng tuôn rơi. “Ngủ yên nhé những thiên thần, chúng tôi sẽ luôn nhớ các bạn”; “Tình yêu và những nụ hôn dành cho các bạn”; “Chúng ta sẽ không sợ”…, tôi đọc vội những dòng vừa được viết lên mấy tờ giấy nhỏ, đôi chỗ nhoè đi vì nước mắt. Trong dòng người lặng lẽ tưởng niệm ấy, có vài người cầm biểu ngữ kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn các cuộc thảm sát.
Tình người trong bão tố
Sáng qua, khi tôi đang từ Paris xuống Nice đưa tin vụ khủng bố, khách sạn chỗ tôi đặt phòng đã liên hệ và gợi ý giúp đỡ nếu tôi có bất cứ khó khăn nào liên quan đến tình trạng khẩn cấp hiện tại của thành phố. “Anh có thể hủy phòng mà không phải đền tiền”, nhân viên khách sạn nói. Tôi cảm ơn và nói rằng tôi vẫn sẽ đến bởi vụ khủng bố là lý do mà tôi phải trở lại Nice đường đột thế này.
Sau vụ khủng bố, nhiều khách sạn ở Nice đã mở rộng cửa đón nạn nhân, thân nhân người bị nạn tới tá túc trong thời gian hoảng loạn. Nhiều hàng quán đề biển “Hãy cầu nguyện cho Nice” và nhiều bác tài taxi đồng ý chở khách miễn phí. Tại bệnh viện thành phố, sau khi lời kêu gọi hiến máu được phát đi, rất đông người đã tới đây tình nguyện hiến máu, trong số đó có cả những người hôm trước vừa hoảng loạn chạy thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Trong hoạn nạn, lòng người trở nên mênh mông hơn. Người ta sẵn sàng chia sẻ cho nhau những lời động viên, sẵn sàng chìa bàn tay giúp đỡ ra khi có người cần đến. Ở khách sạn nơi tôi tá túc, sau khi làm thủ tục nhận phòng, bà chủ kiêm nhân viên đã dặn đi dặn lại tôi có đi đâu cũng nên cẩn thận, tránh đám đông và hãy về sớm. “Tiếp tân làm việc 24/24 nhưng cậu nên về trước 23 giờ. Nice đang không ở trong trạng thái bình thường, như cậu đã biết”, bà nói. Tôi gật đầu cảm ơn nhưng trong lòng cũng không biết chắc mấy giờ mình sẽ trở lại khách sạn, bởi biết rằng ngày hôm nay sẽ lại là một ngày rất dài.
Kẻ thù từ bên trong
Trước khi xảy ra vụ tấn công, vào buổi sáng của ngày Quốc khánh Pháp, tôi đã được xem một màn duyệt binh tưng bừng. Xe pháo, các loại vũ khí, khí tài hiện đại, những đơn vị tinh nhuệ rầm rập lướt qua trên đại lộ Champs-Élysées. Dù không phô hết sức mạnh, nhưng Pháp vẫn cho thấy họ là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Buổi đêm hôm ấy, cái đêm mà thảm kịch xảy ra ở Nice, tôi đã có cơ hội được xem một màn ca nhạc và pháo hoa đặc sắc. Sau một năm đau buồn với những vụ khủng bố đẫm máu ở Paris và Saint-Denis, nước Pháp đang dần trở lại bình thường. Họ vừa tổ chức Euro 2016 thành công, và nếu không có gì bất thường xảy ra, sau khi giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp kết thúc vào cuối tháng này, tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ. Súng ống sẽ bớt xuất hiện trên phố. Trong đêm Quốc khánh, người dân Pháp dồn tụ về các khu vui chơi công cộng để cùng rưng rưng với bài quốc ca La Marseillaise, để thấy rằng bất chấp tai ương, nước Pháp và người Pháp vẫn vô cùng mạnh mẽ. Họ sẽ không bao giờ gục ngã trước bất cứ thách thức nào.
Trong hoàn cảnh ấy, có lúc tôi đã ngất ngây với cái khung cảnh hoành tráng tưng bừng để rồi sau đó sửng sốt trước bi kịch kinh khiếp ở Nice. Nước Pháp hùng cường hoá ra cũng rất dễ tổn thương nhường nào. Kẻ thù của Pháp hóa ra không phải là một đội quân hùng mạnh, để họ có thể huy động máy bay, tàu chiến ra tiêu diệt. Kẻ thù có khi chỉ là một gã nào đó từ Tunisia đã lái xe tải ủi thẳng vào những con người chới với bên bờ biển Nice vốn từng rất đẹp, rất thanh bình.
Vào hôm qua, Tổng thống François Hollande cùng nhiều lãnh đạo nước Pháp đã tới Nice. Một lần nữa, ông bày tỏ quyết tâm không đầu hàng khủng bố. Thông điệp thật mạnh mẽ, nhưng liệu những ngôn từ ấy có đảm bảo rằng, rồi mai đây sẽ không bao giờ xảy ra những thảm kịch như Nice trong đêm Quốc khánh nữa.
Không thể đảm bảo được điều đó, lúc này đây, điều duy nhất mà mỗi một người có thể làm đó là cầu nguyện. Hãy cầu nguyện cho Nice.
Điện chia buồn của Việt Nam
Theo TTXVN, ngày 15.7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Manuel Valls còn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết vô cùng bàng hoàng khi nhận được thông tin về vụ tấn công. Ông khẳng định Việt Nam lên án vụ tấn công đẫm máu, vô nhân đạo này. “Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ, nhân dân Pháp và gia đình những nạn nhân của vụ tấn công và tin tưởng mạnh mẽ rằng chính phủ và nhân dân Pháp sẽ sớm vượt qua thời khắc khó khăn này”, ông Lê Hải Bình nói. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo nhiều nước và tổ chức trên thế giới đều lên tiếng chia buồn với Pháp và cực lực lên án vụ tấn công. Ngoài ra, hôm qua, nhiều nước châu Âu đã thông báo siết chặt các biện pháp tăng cường an ninh để đề phòng.
T.Sơn – L.Chi
|
Đường dây nóng bảo hộ công dân Việt Nam
Trả lời Thanh Niên ngày 15.7, Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Trần Quốc Khánh cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ nhiều kênh thông tin chính thức của Pháp và đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nạn nhân người Việt trong vụ tấn công tại Nice. Đại sứ quán Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để có thể thực hiện bảo hộ công dân ngay khi cần thiết. Chúng tôi cũng đã trực tiếp liên lạc với một số đoàn khách du lịch từ Việt Nam có mặt tại Nice trong những ngày này và được biết rằng mọi người đều an toàn”. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã lập đường dây nóng 0033753980225 để sẵn sàng hỗ trợ mọi công dân gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lý Quốc Tuấn cho biết Bộ cũng đã lập đường dây nóng tại Việt Nam +84981848484 được ứng trực 24/24 sẵn sàng tiếp nhận thông tin liên quan đến công dân Việt Nam đang gặp khó khăn sau vụ việc. Ngoài ra, theo anh Lê Quang Đạo, thành viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Nice, các thành viên của hội đã liên lạc rất chặt chẽ với nhau và vẫn chưa nghe thông tin gì về sinh viên Việt là nạn nhân vụ tấn công. Anh Đạo cho biết có một số bạn đã có mặt ở gần nơi xảy ra vụ việc tuy may mắn không bị thương nhưng hiện vẫn chưa ổn định tinh thần.
Lan Chi – Trường Sơn
|
Đỗ Hùng
(từ Nice, Pháp)