26/12/2024

Dự báo trước giờ phán quyết

Sẽ có những quyền lợi quan trọng liên quan đến nhiều nước trong đó có Việt Nam, nếu như Philippines thắng trong vụ kiện Biển Đông.

 

Dự báo trước giờ phán quyết

Sẽ có những quyền lợi quan trọng liên quan đến nhiều nước trong đó có Việt Nam, nếu như Philippines thắng trong vụ kiện Biển Đông.




Quang cảnh phiên tòa diễn ra vào tháng 7.2015  /// PCA

 

Quang cảnh phiên toà diễn ra vào tháng 7.2015PCA


Phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) thuộc LHQ về vụ kiện của Philippines chống lại yêu sách chủ quyền phi lý từ Trung Quốc tại Biển Đông sẽ đưa ra một số kết luận quan trọng có ảnh hưởng không chỉ đối với các bên liên quan trong vụ kiện.
Là nước luôn theo dõi sát sao vụ kiện này cũng như với quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông, Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi nếu PCA đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường chín đoạn.
 
 

 

Dự báo trước giờ phán quyết - ảnh 1

Đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo phi pháp. Ảnh chụp đầu tháng 6.2016MAI THANH HẢI

Trái với một số đồn đoán, ông Paul Reichler, trưởng nhóm luật sư biện hộ cho Philippines, cho hay rất có khả năng PCA sẽ có kết luận về yêu sách này. Ông Reichler nói với Thanh Niên: “PCA sẽ không đưa ra phán quyết về quốc gia nào có chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng tôi dự báo tòa sẽ kết luận Philippines và các quốc gia ven biển khác có chính đáng hay không trong việc xem yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc là phi pháp. Một phán quyết như vậy sẽ càng củng cố thêm các quan điểm pháp lý của Philippines và các quốc gia khác có liên quan đến yêu sách này”.
Cùng quan điểm này, TS Lê Hồng Hiệp nhận định: “Sẽ là một thất vọng lớn cho Việt Nam nếu như toà không đưa ra phán quyết về đường chín đoạn”.
Nguy cơ gây hấn
TS Hiệp dự báo, nếu PCA đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, rất có khả năng Trung Quốc tiếp tục không thừa nhận quyết định này và sẽ lại có những hành động gây hấn nhiều hơn nhằm thách thức bản án, bằng cách tiếp tục quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Trường Sa hay thậm chí thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. “Những động thái này sẽ ngày càng làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Dĩ nhiên, Trung Quốc có thể giữ thể diện bằng cách kiềm chế; bởi hành động hung hăng sẽ càng làm Bắc Kinh đánh mất hình ảnh của mình trên trường quốc tế và khiến nhiều quốc gia khác ủng hộ phán quyết. Đây là điều Trung Quốc không hề muốn”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động kiềm chế ngay cả sau khi phán quyết có hiệu lực, luật sư Reichler nhấn mạnh: “Tôi hình dung bản án sẽ dài đến hàng trăm trang; và do vậy, sẽ phải mất một khoảng thời gian để phân tích và hiểu các nghĩa vụ và quyền lợi pháp lý của các bên liên quan. Trong bối cảnh này, điều quan trọng nhất đối với các bên liên quan là phải luôn có những hành vi không gây hấn và luôn giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình”.
Dự báo trước giờ phán quyết - ảnh 2

Trung Quốc hùng hổ tập trận hải quân quy mô lớn trước thềm phán quyết của PCANEWS.CN

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó có khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận đàm phán những vấn đề phán quyết đưa ra. TS Zachary Abuza (Mỹ) nhận định: “Chấp nhận đàm phán, dưới cách nhìn của Trung Quốc, sẽ làm vị thế của họ yếu hơn đối với dư luận, cả quốc tế lẫn trong nước”.
Tuyệt đại đa số giới quan sát đều có chung nhận định, một phán quyết có lợi cho Trung Quốc hầu như là không có khả năng xảy ra. TS Abuza nói: “Một phán quyết như vậy chẳng khác gì việc để luật pháp quốc tế cho một nước lớn như Trung Quốc quyết định. Trung Quốc luôn muốn được xem là nước lớn nhưng lại chỉ muốn hưởng lợi cho riêng mình mà không muốn chấp nhận nguyên tắc tối thiểu là tuân theo pháp luật quốc tế. Theo tôi, PCA sẽ đưa ra một thông điệp hết sức rõ ràng cho Bắc Kinh: Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc tham ký không phải là cái mà họ có quyền diễn giải theo ý mình và lôi kéo các nước khác hành xử theo những diễn giải đó”.
Cuối cùng, ông Abuza cũng lưu ý, đây vẫn là vụ kiện của Philippines với những quyền lợi trực tiếp liên quan đến người Philippines. Vì vậy, theo ông Abuza, không có gì ngạc nhiên khi mới đây Philippines tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh “sau khi thắng kiện”. Ông Abuza kết luận: “Cần phải có cái nhìn toàn cảnh về nội tình Philippines. Tân Tổng thống Rodrigo Duterte là người theo chủ nghĩa dân túy. Tăng trưởng của nước này đạt 6,5% trong thời gian qua và do vậy sẽ không có gì lạ nếu Manila cần viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh để duy trì mức tăng trưởng đó”.
Dự báo trước giờ phán quyết - ảnh 3

Một nhà hoạt động Philippines gương cờ Philippines khi tàu của nhóm này tiến sát bãi cạn Scarborough trước sự ngăn cản của tàu hải cảnh Trung Quốc, tháng 6.2016 AFP

Philippines “nói lại” về chuyện chia sẻ tài nguyên
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã tỏ vẻ như muốn rút lại tuyên bố về việc nước ông sẵn sàng chia sẻ tài nguyên thiên nhiên với Trung Quốc tại Biển Đông, ngay cả khi Manila giành thắng lợi trong cuộc đấu pháp lý vào tuần tới.
Ngày 8.7, ông Yasay nói với Hãng tin AFP trong một cuộc phỏng vấn rằng chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte “hy vọng nhanh chóng bắt đầu các cuộc đàm phán với Trung Quốc” sau khi PCA ra phán quyết vào ngày 12.7, trong đó tập trung vào việc phối hợp khai thác các nguồn dự trữ khí đốt và ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế “nơi có tuyên bố chủ quyền chồng lấn” ở Biển Đông.
Tuy nhiên, đến ngày 9.7, ông Yasay đã “nói lại cho rõ” trên website của Bộ Ngoại giao Philippines rằng: “Điều tôi muốn nói là chúng ta phải chờ phán quyết, nghiên cứu và phân tích kỹ các hệ luỵ của nó”. “Do phán quyết sẽ không xem xét vấn đề chủ quyền và phân định ranh giới, nên có khả năng vào một lúc nào đó trong tương lai, các nước tuyên bố chủ quyền có thể xem xét tham gia vào các thoả thuận như cùng thăm dò và khai thác tài nguyên ở những khu vực tranh chấp nhưng không gây tổn hại đến tuyên bố chủ quyền của các bên và sự phân định ranh giới phù hợp với UNCLOS”, ông Yasay phân trần.
Trùng Quang


 

An Điền