Singapore đang trở thành “quốc gia thông minh”
Khởi đầu 35 năm trước, giờ đây Singapore vững vàng ở ngôi đầu thế giới trong hành trình tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư – cuộc cách mạng công nghệ số.
Singapore đang trở thành “quốc gia thông minh”
Khởi đầu 35 năm trước, giờ đây Singapore vững vàng ở ngôi đầu thế giới trong hành trình tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư – cuộc cách mạng công nghệ số.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại lễ công bố sáng kiến Quốc gia thông minh – Ảnh: ST |
Theo Báo cáo công nghệ thông tin toàn cầu năm 2016 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thực hiện và công bố mới đây, trong danh sách 139 nền kinh tế được khảo sát về sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Singapore đứng đầu bảng. Theo sau trong nhóm top 10 lần lượt là Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Hoa Kỳ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Anh, Luxembourg và Nhật Bản.
Thành quả của hành trình 35 năm
Báo cáo xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 53 yếu tố từ môi trường pháp lý, chính trị, kỹ năng của nguồn nhân lực và tính cạnh tranh cho đến việc ứng dụng ICT của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…
53 yếu tố này được gom thành 10 tiêu chí gồm: 1. Môi trường pháp lý và chính trị; 2. Môi trường kinh doanh và sáng tạo; 3. Cơ sở hạ tầng và nội dung số; 4. Tính cạnh tranh; 5. Kỹ năng; 6. Ứng dụng ICT của người dân; 7. Ứng dụng ICT của doanh nghiệp; 8. Ứng dụng ICT của chính phủ; 9. Các tác động về kinh tế; 10. Các tác động về xã hội. 10 tiêu chí này được xếp vào 4 nhóm tiêu chí: nhóm tiêu chí về môi trường; nhóm tiêu chí về mức độ sẵn sàng; nhóm tiêu chí về ứng dụng và nhóm tiêu chí về tác động.
Tổng hợp kết quả xếp loại 4 nhóm tiêu chí này sẽ ra chỉ số “sẵn sàng kết nối”, xác định vị trí của các nền kinh tế trên bản đồ ICT toàn cầu.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Singapore dẫn đầu 3 nhóm tiêu chí (môi trường, ứng dụng và tác động). Đảo quốc sư tử được xếp số 1 ở một số tiêu chí quan trọng như môi trường kinh doanh và sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực ICT, mức độ ứng dụng ICT của chính phủ, tác động xã hội của ICT.
Riêng nhóm tiêu chí thứ tư (mức độ sẵn sàng), đảo quốc sư tử tụt xuống thứ 16 do tính cạnh tranh của ICT hạn chế, ảnh hưởng bởi giá thành sử dụng các dịch vụ thông tin viễn thông và chi phí cho nguồn nhân lực cao.
“Xét tổng thể, vị trí số 1 trong bảng tổng sắp là hệ quả từ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Singapore đối với lĩnh vực ICT, trong đó đặc biệt nhất là chương trình Quốc gia thông minh” – báo cáo nhấn mạnh.
WEF cũng khuyến cáo công nghệ số đang tạo ra cơ chế kinh tế – xã hội mới mà cần thiết phải có sự thay đổi trong quản trị và điều hành để một quốc gia có thể thụ hưởng thành quả lâu dài. “Nền kinh tế số cần kiểu lãnh đạo, quản trị và hành xử mới” – báo cáo viết.
Để có mùa quả ngọt
Năm 1981, Singapore bắt đầu kế hoạch máy tính hóa toàn quốc nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế – xã hội. Kế hoạch này đặt mục tiêu “xóa mù” máy tính và tạo nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 25 năm trước đây, phần lớn người dân Singapore xa lạ với ICT, ít ai nghĩ tới chuyện công nghệ có thể mang lại cơ hội và thay đổi cuộc sống cho họ. Nguồn nhân lực về ICT của cả nước chỉ vẻn vẹn có 850 người. Hầu như ai cũng cho rằng máy tính và ICT là chuyện khoa học viễn tưởng.
Hàng loạt chính sách, chương trình, kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của ICT liên tục được Chính phủ Singapore cũng như các tổ chức, doanh nghiệp khởi xướng và quyết liệt thực hiện. Cả đảo quốc sư tử hừng hực lao vào “trận địa” ICT với một quyết tâm biến Singapore thành trung tâm của ICT toàn cầu.
Đỉnh cao của những nỗ lực này chính là sáng kiến Quốc gia thông minh (Smart nation) được Thủ tướng Lý Hiển Long công bố vào ngày 24-11-2014 với triết lý: “Thông minh không phải được đo bởi sự phát triển của công nghệ, mà nằm ở việc xã hội sử dụng công nghệ để xử lý các vấn đề cũng như thách thức đang gặp phải. Người dân phải là trung tâm của Quốc gia thông minh, chứ không phải công nghệ”.
Sáng kiến này nêu rõ: “Singapore nỗ lực để trở thành một quốc gia thông minh nhằm hỗ trợ người dân sống tốt hơn, cộng đồng mạnh mẽ hơn và tạo nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người”.
Trong giai đoạn đầu, Singapore xác định 5 lĩnh vực then chốt đối với bất cứ công dân nào và toàn xã hội mà công nghệ số có thể tham gia gồm giao thông, nhà ở và môi trường, hiệu quả kinh doanh, y tế và các dịch vụ công. Chính phủ cam kết sẽ tạo điều kiện về hạ tầng, chính sách để mọi sáng kiến, ý tưởng đều có cơ hội hình thành và thử nghiệm, kể cả những rủi ro có thể xảy ra.
ICT là cốt lõi để thực hiện mục tiêu Quốc gia thông minh, trong đó tập trung vào 3 ưu tiên: công nghệ hỗ trợ xã hội; di động và giao thông thông minh; môi trường dữ liệu an toàn. Chính phủ cũng cam kết hằng năm đầu tư khoảng 1% GDP cho nghiên cứu và phát triển.
Những quyết sách đó đã đơm hoa kết trái. ICT giờ đây đã trở thành một phần của cuộc sống tại Singapore. Ba phần tư hộ gia đình có ít nhất một máy tính, cứ hai nhà thì hơn một nhà có kết nối băng thông rộng để lướt mạng. Ngành công nghiệp ICT đóng góp tới 6,5% GDP của cả nước.
Hơn 172.000 người làm việc trong lĩnh vực ICT sẵn sàng hỗ trợ mọi nhu cầu về thông tin, truyền thông, viễn thông của nền kinh tế và xã hội. Singapore là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai e-government (chính phủ điện tử – năm 1998).
Các nước ASEAN ở đâu trong bảng xếp hạng?
“Tầm nhìn của chúng ta là biến Singapore thành một quốc gia thông minh – một quốc gia mà nhờ vào công nghệ, người dân được hưởng một cuộc sống ý nghĩa và đủ đầy, một quốc gia mà cơ hội rộng mở cho tất thảy người dân. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó trong cuộc sống thường ngày khi các hệ thống cảm biến và thiết bị thông minh cho phép chúng ta sống thoải mái và bền vững. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó trong chính cộng đồng của mình khi công nghệ cho phép mọi người kết nối với nhau dễ dàng và chặt chẽ. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận được điều đó trong tương lai khi chính chúng ta tạo ra cho mình những khả năng mà mình không thể tưởng tượng được”. |
4 thông điệp quan trọng Báo cáo công nghệ thông tin toàn cầu được xuất bản thường niên kể từ năm 2001 bởi Diễn đàn kinh tế thế giới, Trường kinh doanh INSEAD và ĐH Cornell. Năm nay, ngoài việc xếp hạng mức độ phát triển ICT của 139 nền kinh tế trên thế giới, báo cáo còn đưa ra 4 thông điệp quan trọng. Một là, các sáng kiến đang ngày càng dựa vào công nghệ số và có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội nếu được triển khai một cách thông minh. Hai là, ứng dụng ICT sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp, do vậy khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số phải là ưu tiên của các chính phủ. Ba là, cả chính phủ và lĩnh vực tư nhân đều cần phải nỗ lực đầu tư cho các giải pháp công nghệ số để thúc đẩy xã hội phát triển. Bốn là, một nền kinh tế số bền vững sẽ phụ thuộc vào các cơ chế quản trị tiến bộ, cho phép mọi thành phần xã hội phát triển các công nghệ mới và phản ứng nhanh nhạy với những tình huống thay đổi. |