Kiếm sĩ – khi nhân phẩm vượt qua sợ hãi
Nhân phẩm chiến thắng nỗi sợ hãi, đó là ý nghĩa cốt lõi của bộ phim The fencer (Kiếm sĩ) – tác phẩm của điện ảnh Phần Lan lọt vào top 9 Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 2016.
Kiếm sĩ – khi nhân phẩm vượt qua sợ hãi
Nhân phẩm chiến thắng nỗi sợ hãi, đó là ý nghĩa cốt lõi của bộ phim The fencer (Kiếm sĩ) – tác phẩm của điện ảnh Phần Lan lọt vào top 9 Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 2016.
Märt Avandi trong vai Endel – kiếm sĩ và người thầy giáo, nhân vật mang đến cho người xem vẻ đẹp của nhân phẩm con người khi được đặt trong một thử thách sống còn – Ảnh: IMDb |
Dựa theo một câu chuyện có thật của Endel Nelis – kiếm sĩ và huấn luyện viên nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn ở Estonia, bộ phim có bối cảnh ở một thị trấn nhỏ hẻo lánh những năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2 ở Estonia – đất nước nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa những nước lớn. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, đất nước này lần lượt bị Đức và Liên Xô chiếm đóng.
Cuộc chạy trốn của Endel
Bộ phim mở đầu bằng cuộc chạy trốn của Endel – kiếm sĩ từng bị Đức quốc xã bắt đi quân dịch. Anh rời bỏ Leningrad trở về Haapsalu – thị tứ nhỏ bé và hẻo lánh ở Estonia – để tìm một công việc dạy học bình thường ở một ngôi trường trung học. Không khí của bộ phim ngay từ đầu đã nhuốm một màu sắc của sự sợ hãi và nghi kỵ bao trùm.
Gương mặt khô lạnh gần như không biểu cảm của Endel trên chuyến tàu, những chiếc máy bay quân đội Liên Xô lướt qua bầu trời màu xám qua ánh mắt quan sát có phần e dè của anh ta.
Và khi Endel xuống nhà ga, anh phải kéo cao cổ áo như một quán tính để tránh một đám đông cảnh vệ Liên Xô đang đi cùng chiều. Trong một cuộc điện thoại đường dài chỉ kéo dài được ba phút theo quy định, người bạn và huấn luyện viên của Endel dặn anh ta bằng bất cứ giá nào cũng đừng bao giờ quay lại Leningrad.
Còn ông hiệu trưởng của ngôi trường mà Endel xin dạy không ngừng chất vấn anh về việc tại sao lại rời bỏ Leningrad để trở về một vùng thị trấn heo hút như thế này…
Khi phát hiện ngôi trường có một kho đồ cũ cất giữ các dụng cụ của môn đấu kiếm – một niềm đam mê lớn của Endel, anh đã khởi động câu lạc bộ đấu kiếm trong ngôi trường nhỏ, nơi những đứa trẻ gần như không biết chơi gì, như lời cô học trò nhỏ Marta: “Em muốn học múa, nhưng ở đây không ai dạy cả”.
Câu lạc bộ đấu kiếm ngay lập tức thu hút bọn trẻ và Endel – với sự nghiêm khắc của một kiếm sĩ, sự ân cần của một thầy giáo – đã từ từ truyền niềm đam mê sang những học trò mới lớn. Anh còn là một hình mẫu và thậm chí là một người cha tinh thần của bọn trẻ, mà nhiều đứa trong số chúng mồ côi cha hoặc chờ đợi những người cha trở về trong tuyệt vọng vì chiến tranh.
Ngược lại, niềm đam mê với bộ môn đấu kiếm và lòng kính trọng của những đứa học trò giúp Endel vượt qua nỗi sợ, ngay cả khi ông hiệu trưởng, không giấu được sự ghen tức vì hầu hết đám học trò đều dành tình cảm trân quý cho Endel, đã tìm mọi cách để điều tra thân phận của anh trong quá khứ…
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm
Bộ phim của đạo diễn Klaus Härö với lối dẫn chuyện chậm rãi trên tông màu xám xịt, từ tốn khai mở thế giới nội tâm của nhân vật và đặc biệt là nhân phẩm của họ khi bị đặt vào những thử thách nguy hiểm.
Dù có thể xếp bộ phim vào thể loại phim thể thao với chủ đề đấu kiếm xuyên suốt nhưng với The fencer, ta thấy bóng dáng của một bộ phim nghệ thuật cổ điển như những bộ phim xuất sắc của Liên Xô trước đây như Đàn sếu bay qua hay Người thứ 41, nơi mà những thông điệp không bị rơi vào rao giảng, nơi mà vẻ đẹp của tâm hồn nhân vật khiến người xem ngưỡng vọng, nơi mà những giá trị nhân văn chưa bao giờ cũ mòn.
Khi có thông báo về một cuộc thi đấu kiếm toàn quốc dành cho học sinh diễn ra tại Leningrad, bọn trẻ háo hức được tham gia, vui sướng được thử thách ở một môi trường lớn và cũng là lần đầu tiên chúng được rời khỏi thị trấn hẻo lánh ra bên ngoài sau những năm chiến tranh tàn phá.
Sự háo hức của bọn trẻ đưa thẳng Endel trở về với nỗi sợ mà anh đã cố trốn chạy nó: Leningrad. Nhưng với Endel, là một kiếm sĩ, một người thầy và thậm chí là một người cha tinh thần của bọn trẻ, anh không được phép sợ hãi và phản bội lại niềm tin của bọn trẻ.
Khi Kardi – người đồng nghiệp và bạn gái của Endel – ngăn cản anh đến Leningrad, Endel đã trả lời rằng: “Anh đã chạy trốn suốt cuộc đời mình và đã quá mệt mỏi vì điều đó”. Kardi đáp lại: “Nhưng như thế còn hơn bị đày đến Siberia đến chết”.
Và Endel bình thản trả lời cô: “Nhưng anh phải nói gì với bọn trẻ? Anh không thể làm bọn trẻ thất vọng. Bọn trẻ tin tưởng anh như một người cha”…
20 phút cuối cùng của bộ phim được dàn dựng cực kỳ hiệu quả về không khí và diễn xuất là một trong những phân đoạn xuất sắc nhất của The fencer.
Cũng như Endel, cảm xúc của người xem lúc này hoàn toàn hướng về vẻ đẹp của những màn đấu kiếm, vẻ đẹp của sự chính xác, lòng dũng cảm và nhân phẩm của con người. Những vẻ đẹp cao thượng đó chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng sự đe doạ của cường quyền.
Poster phim Kiếm sĩ |
The fencer là bộ phim thứ 5 của đạo diễn người Phần Lan Klaus Härö – một trong những đạo diễn nổi tiếng của nước này với hơn 60 giải thưởng điện ảnh quốc tế. Trong đó bốn bộ phim của anh lần lượt đại diện Phần Lan được chọn tranh giải Oscar phim nước ngoài hay nhất. Thành tích cao nhất của Klaus là The fencer lọt vào top 9 Oscar phim nói tiếng nước ngoài và được đề cử Quả cầu vàng ở cùng hạng mục. |