26/12/2024

Lừa đảo bán hàng qua điện thoại

Thông qua điện thoại, nhiều người dân nhận thông báo may mắn được “chọn”, khuyến mãi mua hàng “xịn” nhưng rồi nhận được hàng Trung Quốc kém chất lượng.

 

Lừa đảo bán hàng qua điện thoại

 

Thông qua điện thoại, nhiều người dân nhận thông báo may mắn được “chọn”, khuyến mãi mua hàng “xịn” nhưng rồi nhận được hàng Trung Quốc kém chất lượng.

 

 

 

Lừa đảo bán hàng qua điện thoại
Nhân viên công ty yêu cầu chị Giàu ký nhận để trả lại tiền – Ảnh: Chị Giàu cung cấp

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các vụ lừa đảo bán hàng qua điện thoại xuất hiện ngày càng nhiều với các thủ đoạn rất tinh vi.

Mua iPad, được giao iPed

Sáng 23-6, chị T.N.Giàu (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại bàn 08.xxxx334, một giọng nữ người miền Trung ngọt ngào giới thiệu mình gọi đến từ công ty viễn thông E, thông báo chị Giàu đã tích lũy được 550 điểm, tương đương 5,5 triệu đồng từ chính sách khuyến mãi dành cho thuê bao trả sau.

Người này gợi ý nếu chị Giàu muốn mua các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng… thì sẽ tư vấn cho các sản phẩm tương ứng với giá ưu đãi. Còn nếu chưa muốn mua, số điểm tích luỹ đó tiếp tục được tích lũy.

Khi hỏi lại là công ty viễn thông A hay E, giọng nữ nói hơi lái giữa A và E khiến chị Giàu nghĩ đó là Công ty Viễn Thông A, nên chị tiếp chuyện và cô này tiếp tục thông báo do công ty viễn thông có liên kết với nhiều nhà cung cấp thiết bị điện thoại, thiết bị số nên được các công ty đầu mối khuyến mãi lớn dành cho khách hàng. Chị Giàu trả lời đang bận việc và sẽ suy nghĩ.

Hơn 60 phút sau, phía công ty tiếp tục gọi cho chị Giàu và đưa ra tư vấn rằng có thể mua iPad Air 2 16G, giá khuyến mãi chỉ 9 triệu đồng. Do chị Giàu đã có 550 điểm tích luỹ nên được trừ số tiền tương đương 5,5 triệu đồng, chỉ phải trả 3,5 triệu đồng là sẽ mua được. Chị Giàu yêu cầu phải đúng là iPad Air 2 mới lấy hàng, trả tiền.

Chiều 25-6, nhân viên bưu điện tại Tân Bình mang hàng đến điểm hẹn giao cho chị Giàu và lấy tiền. Thấy hàng được bao bọc trong thùng kín, bên ngoài có dán giấy ghi người nhận là Công ty TNHH Thành Tín VN (số… Võ Văn Kiệt, P.1, Q.6), trên đó có kèm số điện thoại liên hệ.

Trên mảnh giấy còn ghi nhận mặt hàng trong hộp là máy tính bảng. Ngoài ra còn có dòng chữ đóng khung nổi bật: “Không được mở hàng” (không phát đồng kiểm trước khi 
chuyển hoàn).

Nhân viên bưu điện giải thích chỉ có trách nhiệm giao hàng cho người mua và nhận tiền chứ không chịu trách nhiệm kiểm hàng. Chị Giàu không chịu nhận và gọi điện cho công ty yêu cầu đến bưu điện kiểm tra hàng rồi mới lấy.

Phía công ty yêu cầu chị Giàu đưa tiền rồi mới kiểm tra. Kết quả hàng được giao là iPed. Chị Giàu gọi điện phản ứng, phía công ty nói iPad đọc theo giọng VN chuẩn là… iPed, rồi “tên gọi khác chút nhưng tính năng y 
vậy hà”.

Tương tự, sau khi lắp truyền hình cáp được một tháng, chị D.N.Thùy (ngụ Q.10) nhận được điện thoại thông báo được tặng phiếu mua điện thoại trị giá 5 triệu đồng và gợi ý nên mua Samsung Galaxy A8 giá 8,5 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi hàng được Công ty TNHH Thái Dương (Q.8) – ghi trên bưu kiện – gửi đến lại là điện thoại MIQ A8 của Trung Quốc.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo

Chị Giàu kể khi phát hiện hàng dỏm, chị không đồng ý, đòi trả lại hàng, lấy lại tiền nhưng phía công ty không đồng ý và dọa sẽ bắt chị bồi thường vì “hủy ngang hợp đồng”. Khi kiểm hàng có chứng kiến của nhân viên bưu điện cùng một người quen công tác thuộc cơ quan nhà nước, chị Giàu bức xúc đòi tố cáo công ty.

Sáng 27-6, chị Giàu đến công ty theo địa chỉ in trên mảnh giấy ở thùng hàng. Tại đây sau một lúc giằng co, một nhân viên nam của công ty kêu chị Giàu ký vào tờ giấy nhận lại số tiền 3,5 triệu đồng và trả lại hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Giàu cho biết do thấy nghi ngờ ngay từ đầu nên toàn bộ các cuộc trao đổi đều được chị ghi âm, chụp hình sản phẩm và cảnh nhân viên công ty trả lại tiền để làm bằng chứng. “Do tôi có đủ chứng cứ ghi âm trao đổi, hình ảnh, tôi làm dữ nên họ mới chấp nhận trả lại tiền…” – chị Giàu nói.

Trong khi đó nhiều người cũng bị lừa như chị Giàu, nhưng sau khi đôi co với công ty bán hàng đành chấp nhận mất tiền, mang hàng dỏm cùng với “cục tức” về nhà.

Thông tin từ phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh (CVA) cho biết thời gian qua đã nhận được một lượng lớn đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị lừa đảo khi mua hàng qua điện thoại.

Theo đó, thủ đoạn lừa đảo được thực hiện theo nhiều bước rất tinh vi. Đầu tiên thông qua điện thoại, nhân viên công ty thường thông báo người tiêu dùng (NTD) trúng thưởng phiếu mua hàng… rồi thuyết phục họ mua hàng.

Sản phẩm được giới thiệu thường là điện thoại giá trị của các hãng lớn. Trong khi sản phẩm nhận được là điện thoại giá trị rất thấp và có tên gọi gần giống với điện thoại được đại diện công ty tư vấn.

Trong quá trình giới thiệu, nhân viên này sẽ cố ý đưa thông tin gây nhầm lẫn cho NTD. Đặc biệt, sản phẩm được giao bằng đường bưu điện qua hình thức “thu tiền khi nhận hàng” với điều kiện chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán tiền.

NTD sẽ không có điều kiện kiểm tra sản phẩm, thường sẽ chỉ nhận ra mình bị lừa khi đã trả tiền và nhận hàng. Với phương thức này, người cung cấp dịch vụ giao hàng – nhận tiền cũng không phải là nhân viên công ty, do đó NTD cũng không thể khiếu nại, phản ảnh trực tiếp kể cả trong trường hợp phát hiện sự sai lệch ngay khi nhận hàng.

“Khi NTD phản ảnh và yêu cầu được hoàn tiền, công ty thường đưa ra lý do NTD hiểu nhầm ý của nhân viên tư vấn. Đây là điều gây khó khăn cho NTD vì việc tư vấn được thực hiện qua điện thoại và không được ghi âm hoặc lưu lại theo bất kỳ định dạng nào” – CVA khuyến cáo.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm – phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, các hành vi lừa người dân để bán các sản phẩm dỏm thu lợi bất chính như vậy đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu các nạn nhân có chứng cứ cụ thể như ghi âm, ghi hình rõ ràng nội dung trao đổi mà phía công ty lập lờ sẽ bán mặt hàng xịn, đúng chất lượng… có thể cung cấp cho cơ quan điều tra để xác minh, xử lý.

Cơ quan điều tra thu thập làm rõ, chuyển hoá, củng cố các chứng cứ chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 2 triệu đồng, đối tượng có thể bị xử lý hình sự về tội danh lừa đảo. Nếu chưa đủ mức xử lý hình sự, có thể xử phạt hành chính.

ÁI NHÂN