Có những điều mong ước tưởng chừng rất giản dị của trẻ, nhưng trong thực tế đôi khi lại trở nên xa vời.
Lắng nghe con trẻ ước điều gì!
Có những điều mong ước tưởng chừng rất giản dị của trẻ, nhưng trong thực tế đôi khi lại trở nên xa vời.
Mơ bữa cơm nóng…
Vào một ngày hè, chị Thanh Hương (làm trong ngành truyền thông) thăm dò đứa con của mình: “Nếu mẹ làm nghề khác thì con mơ ước điều gì? Giả sử lúc đó mẹ có nhiều thời gian chăm chút con hơn, chứ không phải luôn về nhà sau 7 – 8 giờ tối như bây giờ?”. Ngay lập tức, cô bé Thu An (lớp 7) lên tiếng: “Con chỉ ao ước được ăn những bữa cơm nóng mẹ nấu mỗi ngày, thay vì ba cứ phải hâm đi hâm lại thức ăn như bao nhiêu năm nay”. Nghe con nói vậy, chị Hương chỉ biết ngậm ngùi.
Không gì tuyệt vời hơn việc có thể dành thời gian với các thành viên trong gia đình, cùng họ xây dựng, vun đắp và bảo vệ tổ ấm bé nhỏ của mình.
Gần đây, trong buổi nói chuyện với chủ đề “Lời vàng cho con” diễn ra tại TP.HCM, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM) hỏi những học sinh có mặt: “Các con mong ước điều gì từ ba mẹ?”. Nguyễn Võ Hồng Nhung (lớp 5) đáp: “Con muốn gia đình con hạnh phúc, mẹ dành thời gian nói chuyện với con nhiều hơn”. Một cậu bé lớp 4 bày tỏ: “Con mong ba mẹ sức khoẻ, bình an”.
Đem câu hỏi tương tự đến với Sơn Tùng (lớp 6 Trường THCS Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM), chúng tôi nhận được câu trả lời: “Con mong ba mẹ quan tâm đến con nhiều hơn trong học tập, vì ba mẹ rất bận rộn”. Trong khi đó, Hồng Nhung (lớp 9, Q.3) than thở rằng bố mẹ ép em học thêm quá nhiều. Ngoài giờ học ở trường, hầu như tối nào em cũng phải học thêm với gia sư. Ngay cả những ngày lễ tết em cũng chẳng thấy vui vẻ gì do phải giải quyết hàng núi bài tập. “Nhiều khi não của con không thể nạp thêm thứ gì nữa và muốn nổ tung, lên lớp thì hay ngủ gục. Ao ước lớn nhất của con là được… nghỉ học hoặc học bớt lại”, Hồng Nhung tâm sự.
Được bố mẹ quan tâm, cùng trò chuyện, chơi đùa… là nhu cầu chính đáng của con cái. Vậy mà điều ấy đã trở thành ước mơ xa xỉ đối với nhiều đứa trẻ.
Trên thực tế, nhiều đứa trẻ mong muốn bố mẹ dành thời gian cho mình. Có em khao khát bữa ăn chung, có em thì mong gia đình có những đợt đi nghỉ riêng với nhau… Khao khát đó là cháy bỏng, xuất phát từ những điều các em thiếu thốn
Thạc sĩ tâm lý Vũ Cẩm Vân
Một chuyên viên tư vấn tâm lý tại TP.HCM cho biết có những học sinh khoe rằng tiền bạc của ba mẹ mình làm ra nhiều vô kể, thậm chí đến đời con cháu các em xài cũng không hết. Tuy dư dả về vật chất, nhưng các em lại thiếu sự quan tâm của ba mẹ. Các em cảm thấy nặng nề khi nghe phụ huynh thường xuyên phàn nàn bằng những câu cửa miệng, như: “Con nhà người ta…, còn con nhà này thì…”, “Thời ba mẹ cực khổ chứ đâu được sung sướng như con bây giờ, chỉ mỗi việc học mà cũng không xong…”.
Một cậu học trò thổ lộ: “Phải chi ba mẹ đừng so sánh tụi con như vậy. Giả sử tụi con phân bì ngược lại: Cha mẹ người ta… thì có được không?”.
Đừng phủ nhận
Tham gia chương trình “Lời vàng cho con”, một người mẹ tên Liên kể về lần đứa con trai út của chị học lớp 7 Trường THCS Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) bị 3 điểm môn toán. Nghe tin này chị buồn lắm, ăn không nổi nhưng khi đứa con về nhà, chị không hề la mắng.
Cùng với lời động viên, chị chỉ nói ngắn gọn: “Mẹ không thể nào học thay cho con được”. Chị Liên kể tiếp: “Sau này, tôi biết những người bạn của con tôi “bình chọn” thằng bé là người hạnh phúc nhất vì mẹ không la khi bị điểm kém. Các bạn nhỏ ấy cũng ao ước cha mẹ mình có thái độ như vậy. Có lẽ không bị áp lực tâm lý nên điểm trung bình môn toán của con tôi sau đó vọt lên cao”.
Việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho trẻ em, đặc biệt thông qua những chuyến du lịch, dã ngoại, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của các bé.
Thạc sĩ tâm lý Vũ Cẩm Vân (Hội phó Hội quán các bà mẹ TP.HCM) nhìn nhận: “Trên thực tế, nhiều đứa trẻ mong muốn bố mẹ dành thời gian cho mình. Có em khao khát bữa ăn chung, có em thì mong gia đình có những đợt đi nghỉ riêng với nhau… Khao khát đó là cháy bỏng, xuất phát từ những điều các em thiếu thốn”.
Chúng tôi hỏi: “Khi ước mơ vượt quá khả năng, điều kiện của cha mẹ cũng như năng lực của trẻ thì phải làm sao?”. Thạc sĩ Cẩm Vân cho rằng: Nếu con thích những cái vượt ra khỏi hoàn cảnh thực tế như muốn sở hữu điện thoại đắt tiền chẳng hạn, bố mẹ không nên ngay lập tức phủ nhận mong muốn của con. Chúng ta có thể nói với con: “Bố mẹ biết rằng con rất thích có một chiếc điện thoại hiện đại nhưng tiếc là bố mẹ không thể mua được cho con. Bố mẹ tin là sau này con hoàn toàn có thể sở hữu nó khi con học tốt và có được một công việc ổn định…”. Bên cạnh đó, phụ huynh nên có sự giải thích, phân tích, định hướng để giúp con tự điều chỉnh ước mơ cho phù hợp, đồng thời con cũng sẽ biết cách nuôi dưỡng ước mơ.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm tư vấn Nhịp cầu hạnh phúc TP.HCM, việc những đứa trẻ sai lầm là điều thường gặp trong cuộc sống. Trong tình huống này, bố mẹ nên cần có thái độ bao dung. Việc nhắc nhở, trách phạt là cần thiết để giúp con trẻ trưởng thành, tuy nhiên cần lưu ý là chỉ được phê phán hành vi sai lầm chứ không được kết án nhân cách của con cái; đồng thời cần thỏa thuận với con các hình phạt từ trước để nếu có sai phạm bị phạt thì con sẽ tâm phục khẩu phục.
Thanh Nam
Ý kiến:
“Hễ phạm lỗi là bị bố mẹ chửi suốt ngày, thậm chí chửi và kể lể, bêu tội trước mặt bạn bè, hàng xóm. Mình thấy “quê” vô cùng. Mong sao bố mẹ thương mình hơn và không làm như vậy nữa”.
Nguyễn Thanh Vũ (Học sinh lớp 10 Trường THPT Lam Sơn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
“Điều em sợ nhất là bị điểm kém hay vô tình làm điều gì đó khác ý bố mẹ. Những lúc như vậy chắc chắn bị mắng nhiếc suốt thời gian dài hoặc bị ăn đòn. Mà mỗi lần như thế em ám ảnh lắm, cứ như cả trời đất này sụp đổ vậy. Em mong sao khi lỡ phạm lỗi, sẽ được bố mẹ xử lý nhẹ nhàng hơn, để không phải quá đỗi sợ sệt”.
Lê Văn Hải (Học sinh lớp 8 Trường THCS Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
“Mong gia đình mình hạnh phúc hơn, để chẳng còn phải chứng kiến những cảnh bố mẹ cãi vã và xúc phạm nhau. Đã nhiều lần muốn nói điều ấy với bố mẹ, nhưng chẳng có cơ hội nói, đành chịu đựng, cất nỗi buồn trong lòng thôi”.
H.T (Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình)