25/12/2024

Bài học gì cho ASEAN

Chúng ta cần dành nhiều nỗ lực và ngân sách hơn cho đại bộ phận công chúng, bao gồm tầng lớp lao động và những người cơ nhỡ…

 BREXIT – TỪ LỊCH SỬ ĐẾN THỰC TẾ – KỲ 5:

Bài học gì cho ASEAN

 

Chúng ta cần dành nhiều nỗ lực và ngân sách hơn cho đại bộ phận công chúng, bao gồm tầng lớp lao động và những người cơ nhỡ…

 

 

 

 

Bài học gì cho ASEAN
Sau sự kiện Brexit, giới chức lãnh đạo ở ASEAN đang từng bước xem lại kết cấu nội khối – Ảnh: AFP

“Một hoặc hai thế hệ trước, các bài giảng bậc đại học ở Đông Nam Á đã so sánh các quan hệ hợp tác còn non trẻ của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tiến trình hội nhập đầy ấn tượng của châu Âu” – phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quan hệ quốc tế (Đại học Chulalongkorn của Thái Lan), vừa viết trên tạp chí Asia Nikkei Review như thế.

Tôi lo rằng mối hiểm hoạ tương tự với EU cũng đang nằm trong chúng ta. Liệu rằng ASEAN sẽ trở thành kế hoạch của những người có tiền, có quyền và chúng ta thì không có đủ thời gian, tiền bạc, công sức để đưa những lợi ích của việc thành lập khối đến với người dân bình thường

Thomas Lembong (bộ trưởng thương mại Indonesia)

Thế mà hôm 4-7 vừa qua, Hãng tin Bloomberg lại dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong nhận định việc Anh chia tay EU (Brexit) là hồi chuông cảnh báo đối với Đông Nam Á. “ASEAN cũng có thể lâm vào tình cảnh như EU, đó là trở thành tổ chức quyền lợi của một nhóm nhỏ “tầng lớp trên”. Chúng ta cần dành nhiều nỗ lực và ngân sách hơn cho đại bộ phận công chúng, bao gồm tầng lớp lao động và những người cơ nhỡ” – ông Lembong gợi ý.

Cái neo và cái bẫy

Nhưng giờ đây khối ASEAN và việc hội nhập khu vực Đông Nam Á sẽ rút ra bài học gì từ quyết định của cử tri và kịch bản rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh? Như một quá trình với nhiều giai đoạn, quá trình khu vực hoá được thành hình với nhiều mục tiêu đa chiều, xét cả về mặt lợi ích lẫn tăng cường khả năng thương lượng quyền lực của các quốc gia.

Đồng euro và khu vực tiền tệ chung châu Âu chẳng hạn được thành hình nhằm giúp các nước thành viên trung lập hoá ảnh hưởng biến động tỉ giá. Để vượt qua cái bẫy đôla, các quốc gia đồng ý từ bỏ đồng tiền riêng của mình, cùng kiến tạo một “cái neo” tiền tệ ổn định không những về tỉ giá, mà còn về giá trị.

Mức độ ổn định của đồng tiền chung được xem như cái neo để duy trì chỉ số tiêu dùng và kiềm chế lạm phát, bất chấp sự di chuyển ào ạt của các dòng vốn ra vô từ bên ngoài.

Quan trọng hơn, một đồng nội tệ tượng trưng cả khối là một nguồn lực dồi dào so với các đồng tiền mạnh khác, khi các đại diện châu Âu đối thoại với các đối tác khác ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Trung Quốc trên các bàn tròn thương thuyết.

Xây dựng cái neo để vượt qua cái bẫy đôla, khu vực euro tự tạo ra cho mình một cái bẫy khác. Đó là hoài nghi về hiệu năng của việc sử dụng một đồng tiền chung, mà không có một chính sách hay cơ chế quản trị kinh tế thống nhất.

Tính bất hợp lý trên bình diện cấu trúc của khu vực euro được tái hiện rõ trong tâm bão của khủng hoảng nợ công từ năm 2009 (đầu đề của gánh nặng ngân sách mà khối EU phải theo đuổi suốt những năm vừa qua) khi cố gắng kết hợp nhiều nền kinh tế chênh lệch về lượng và khác nhau về chất thành một khối.

Hay như hình dung về một thị trường thống nhất với dòng người lao động có thể di chuyển, học tập và làm việc tự do khắp lục địa già.

Tự do lao động được đánh giá cả về lợi ích kinh tế lẫn về nâng cao quyền của mỗi cá nhân trong việc lựa chọn cuộc sống, nghề nghiệp và tương lai của mình. Nhưng khi dòng người di dân từ Bắc Phi và các nước Hồi giáo ồ ạt đổ vào “vùng đất hứa”, cuộc khủng hoảng về niềm tin giữa các quốc gia EU bắt đầu diễn ra.

Họ bất đồng với nhau cả cơ chế quy trách nhiệm cho quốc gia tiếp nhận, cả với sự đụng độ những giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu.

Hơn cả, nó cho thấy cơ chế phân bổ hạn ngạch người tị nạn cho phép tái cân bằng trong Hiệp ước Dublin đang rơi vào tình trạng “sập khoá” (lock-in); một khái niệm trong kinh tế học nhằm ám chỉ việc gắn quá sâu vào một quá trình hay một phương tiện nào đó, mà khi muốn chuyển đổi sẽ phải chấp nhận một phí tổn rất cao.

“Sập khóa” ở ngữ cảnh này có thể hiểu như việc hình thành rất nhanh một trách nhiệm cả về pháp lý lẫn đạo đức, tuy vậy cơ chế cũ đã phá sản, dẫn đến việc các phí tổn để sửa sai ngày càng đắt.

Những ảnh hưởng từ “lỗi cấu trúc” này có thể dễ dàng nhận ra trong tâm điểm khủng hoảng khi đặt chính phủ quốc gia đứng giữa hai làn sóng sức ép bên ngoài và yêu cầu cử tri bên trong. Các quyết định quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình mỗi quốc gia, chọn một bên là thất sách với bên còn lại.

Tính “chủ quyền” của mỗi quốc gia trong hồ sơ này lại là nguyên tắc được đặt cao hơn tính “châu Âu” trong quá trình ra chính sách, dẫn đến lệch pha trong mắt xích của hệ thống điều hành.

Không đồng nhất về chính sách tài khóa, ngân sách hay thuế má hay cách thức tiếp nhận di dân, mỗi chính phủ có thể lựa chọn giải pháp riêng mà không lường đến kết quả cuối cùng phản ánh lên kết quả chung của toàn khối. Nước Anh năm 2016 là một thí dụ điển hình.

ASEAN khác EU

ASEAN với mô hình và phương thức hoạt động khác biệt so với EU – nhưng cũng đang nhắm tới mô hình Liên minh châu Âu như một thí dụ để học những bài học hay và tránh những kinh nghiệm tiêu cực.

Tăng cường sức liên kết khu vực, để tăng sức chống chịu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế dẫn đến quá trình liên kết ngày càng chặt chẽ hơn với ba trụ cột Cộng đồng chính trị – an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa – xã hội.

Trong quá trình này, ý chí chính trị đang đi nhanh hơn khả năng hiện thực, và những tính toán chiến lược buộc lãnh đạo các quốc gia ASEAN phải thúc cỗ xe đi với tốc độ nhanh nhất có thể.

Thiết lập mô hình một “siêu chính phủ” theo hướng EU, ASEAN cần đặt lại vấn đề “trách nhiệm và quyền hạn” các thiết chế quản trị. Chính phủ quốc gia do người dân mỗi nước bầu lên, nhưng quyền lợi của họ lại được đại diện ở một cơ chế chỉ định. Một “siêu chính phủ” sẽ hoạt động theo nguyên tắc như thế nào để đảm bảo tính đại diện và dân chủ cho quần chúng số đông?

Ngược lại, tạo điều kiện cho các vấn đề kỹ thuật đi trước mà thiếu các cơ chế quản trị thống nhất và ràng buộc dẫn đến sự lệch pha về chính sách, và khả năng rơi vào tình trạng “sập khoá” càng cao.

Chống “sập khóa” đồng nghĩa với việc điều chỉnh mô hình hội nhập cũ bằng một thiết chế mới hiệu năng hơn, gắn yếu tố kinh tế song song với cơ chế quản lý chính trị, đồng thời xây dựng những công cụ chế tài hiệu quả để hạn chế khả năng thấp nhất những kịch bản tương tự.

Vấn đề này đối với giới chính khách ASEAN hiện nay chưa gắn liền trực tiếp đến cái giá phải trả, nhưng phải đối mặt nó chỉ là vấn đề thời gian.

Vì vậy cũng trên Bloomberg, ông Lee Yoong Yoong, trưởng bộ phận hỗ trợ điều hành Ban thư ký ASEAN, cho rằng vụ Brexit càng củng cố chiến lược phát triển ASEAN là cẩn trọng trong hội nhập, đó là đi từ những bước cơ bản và ưu tiên phát triển cộng đồng trước các mối quan hệ cấp cao.

Ảnh hưởng thương mại

Ông Lee Yoong Yoong, trưởng bộ phận hỗ trợ điều hành Ban thư ký ASEAN, quan ngại Brexit một khi thực thi xong sẽ ảnh hưởng đến thương mại của ASEAN. Giá trị thương mại trong khối tăng 10% hồi năm ngoái lên gần 2.300 tỉ USD, bao gồm 228 tỉ USD giao dịch với EU.

“Chúng tôi sẽ phải đàm phán một số điều khoản thương mại tự do riêng với Anh” – ông Lee cho biết và khẳng định các lãnh đạo ASEAN đang tiếp tục theo dõi sát sao các chuyển biến hậu Brexit ở EU.

____________________________

 

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ