Tự tạo cơ hội: Nuôi bò lai
Nuôi bò lai không chỉ tăng thu nhập cho riêng mình, một người phụ nữ Êđê trẻ còn đem lại nhiều cơ hội đổi đời cho người dân buôn làng.
Tự tạo cơ hội: Nuôi bò lai
Nuôi bò lai không chỉ tăng thu nhập cho riêng mình, một người phụ nữ Êđê trẻ còn đem lại nhiều cơ hội đổi đời cho người dân buôn làng.
Năm 2008, tốt nghiệp Khoa Thú y Trường cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây nguyên, H’Dức Mlô (29 tuổi) về lập nghiệp ngay tại quê nhà ở buôn Sứk, xã Ea Đa, H.Ea Kar (Đắk Lắk). Năm sau, chị “bắt” chồng là chàng trai học cùng lớp, cả hai vợ chồng cùng làm công việc dịch vụ thú y ở xã nhà. Sống cùng buôn làng, H’Dức càng thấy nếp làm ăn của bà con theo truyền thống có nhiều hạn chế, nhất là trong chăn nuôi gia súc. Trâu, bò của bà con cứ thả rông từng bầy, kiếm ăn ngoài đồng được chăng hay chớ; hơn nữa bò chủ yếu là giống bản địa nhỏ con, nuôi lâu lớn, giá rẻ nên có hộ nuôi nhiều mà vẫn không khá lên được.
Nghĩ vậy nên H’Dức quyết tâm thay đổi. Năm 2010, chị mua 2 con bò cái giống về nuôi nhốt trong chuồng, rồi phá đi một phần diện tích cà phê trong vườn nhà để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Thấy trồng cỏ mà chăm bẵm, bón phân tưới nước như trồng rau, mẹ H’Dức la mắng con gái, người dân trong buôn thì cười cợt vì “cỏ là thứ người ta phải nhổ bỏ mà nó lại đi trồng”. H’Dức im lặng làm theo ý mình. Đến mùa khô, cả buôn thiếu thức ăn cho gia súc thì bò của nhà chị lại no nê cỏ. Vậy là lần lượt nhiều hộ trong buôn đến gặp H’Dức để xin giống cỏ về trồng cho bò ăn.
Đến nhà H’Dức, các hộ trong buôn còn bị thuyết phục bởi cách nuôi bò trong chuồng, bò nuôi nhốt dễ cho ăn, mau lớn; đồng thời phân bò dễ thu dọn, ngoài ủ làm phân vi sinh bón cho cà phê, tiêu, phần còn dư để bán. Nhiều hộ ngạc nhiên khi thấy cách H’Dức dự trữ thức ăn tổng hợp cho bò bằng ủ chua, ủ khô cỏ, rơm rạ, bẹ bắp, cám, rỉ mật… Từ đó, nhiều hộ bắt đầu nuôi bò theo cách của H’Dức.
Đầu năm 2014, chị bỏ hẳn giống bò bản địa, chuyển sang nuôi bò lai siêu thịt giống Brahman và bò Úc. Ngoài 2 con bò cái nuôi đẻ, chị mua thêm những con bò gầy ở nơi khác về vỗ béo để bán lại với giá cao. “Nuôi bò giống bản địa ngót 2 năm mỗi con mới được 2 tạ thì bò lai chỉ hơn một năm đã gần 3 tạ. Bò lai trưởng thành giá tới 40 – 50 triệu đồng mỗi con, trong khi bò bản địa chỉ khoảng 30 triệu đồng”, H’Dức lý giải về hiệu quả kinh tế của vật nuôi mới. Hai năm nay, trong chuồng nhà H’Dức lúc nào cũng gần 10 con bò lai, con nào đủ lớn, được giá là xuất chuồng, bổ sung tiếp những chú bê con. Chị còn tự học hỏi, thử nghiệm thụ tinh nhân tạo, đỡ đẻ cho bò nhà.
H’Dức bảo, điều phấn khởi nhất của chị không chỉ thu nhập khá hơn nhờ mô hình nuôi bò khép kín mà còn góp phần thay đổi được nếp nghĩ, cách làm ăn của bà con buôn làng. Là cộng tác viên khuyến nông của Trạm khuyến nông H.Ea Kar, với tay nghề chuyên môn thú y, cộng tính cách năng nổ, nhiệt tình, chị dễ tiếp xúc với nhiều hộ nông dân, chỉ vẽ tận tình cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh, trồng cây thức ăn, vỗ béo cho bò. Đến nay, gần một nửa trong số 400 hộ ở buôn Sứk đã nuôi bò nhốt chuồng, nhiều hộ nuôi từ 5 – 10 con bò lai thu lãi cao như H’Mun Niê, H’Neo, H’Yun Niê… Với những thành tích này, H’Dức Mlô được tổ chức quốc tế hỗ trợ xóa nghèo tại VN là ActionAid (AAV) mời đi Thái Lan để nói chuyện tại một hội nghị về giảm nghèo cho cộng đồng vào cuối tháng 7 này.
Ngoài việc “chuyển giao công nghệ” nuôi bò cho cộng đồng, H’Dức còn là chủ nhiệm câu lạc bộ ca cao của buôn Sứk, tích cực truyền đạt kỹ thuật trồng, chế biến, tìm nơi tiêu thụ ca cao cho 30 hộ thành viên. Mới đây, chị đưa vào trồng nấm mộc nhĩ với sự hỗ trợ nguyên liệu, kỹ thuật của Tổ chức AAV. H’Dức cho biết chị đã liên hệ được đầu ra và sẽ làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho 30 hộ đang cùng làm nấm trong buôn.
Ngọc Quyền