23/12/2024

Giới hạn của Mỹ ở Biển Đông

“Nghịch lý an ninh đồng minh” của Mỹ có thể diễn đạt qua hai trò chơi – “trò chơi đồng minh” và “trò chơi thù địch”. Đó là thế khó của Mỹ trước ngày PCA ra phán quyết “đường lưỡi bò”.

 

Giới hạn của Mỹ ở Biển Đông

 

“Nghịch lý an ninh đồng minh” của Mỹ có thể diễn đạt qua hai trò chơi – “trò chơi đồng minh” và “trò chơi thù địch”. Đó là thế khó của Mỹ trước ngày PCA ra phán quyết “đường lưỡi bò”. 

 

 

 

 

Giới hạn của Mỹ ở Biển Đông
Thuỷ thủ trên tàu đổ bộ USS Ashland của Mỹ quan sát trong chuyến di chuyển tại Biển Đông đầu tháng 7-2016. Phía Mỹ khẳng định chuyến đi nhằm đảm bảo tự do hàng hải – Ảnh: US Navy

 

 

 

Với vị trí đứng giữa (một cách trung lập) trong tranh chấp lãnh thổ ở châu Á, Mỹ sẽ làm gì để vừa bảo đảm an ninh cho đồng minh, vừa tránh sa vào xung đột?

Trước ngày Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, các chuyên gia tìm kiếm và mổ xẻ thêm những khía cạnh khác của cuộc tranh chấp gây nhiều sự chú ý hiện nay.

Giáo sư chính trị học Eric Hyer (Đại học Brigham Young, Mỹ) đã có bài phân tích về thế khó của Mỹ trong cách hành xử ở Biển Đông và Hoa Đông – hay còn gọi là “nghịch lý an ninh đồng minh”.

Hai trò chơi

“Nghịch lý an ninh đồng minh” có thể diễn đạt qua hai trò chơi – “trò chơi đồng minh” và “trò chơi thù địch”. Trong trò chơi thứ nhất, cái giá của liên minh là trách nhiệm an ninh, đồng nghĩa Washington muốn thân thiết với Nhật, Philippines sẽ bị ràng buộc trong hành động và có thể mắc kẹt trong tranh chấp 
với Trung Quốc.

Nếu đồng minh an tâm rằng Washington sẽ thực thi mạnh mẽ những cam kết, họ có thể liều lĩnh hơn khi đối phó với Trung Quốc, điều có thể dẫn đến xung đột 
vũ trang.

Nếu Mỹ tỏ ra không dứt khoát? Các đồng minh sẽ thấy lo ngại nhưng điều này cũng giúp họ bớt hành động liều lĩnh, thay vào đó tìm một giải pháp thỏa hiệp với Trung Quốc.

“Trò chơi thù địch” là mặt ngược lại của đồng xu. Nếu Trung Quốc cảm thấy Mỹ không mạnh mẽ trong cam kết với đồng minh, Bắc Kinh có thể không muốn chọn giải pháp thương lượng, hoặc thậm chí sẽ hành động hung hăng hơn nữa. Tuy nhiên, Mỹ cứng rắn có thể dẫn đến việc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Dựa theo logic này, “nghịch lý an ninh đồng minh” đòi hỏi Mỹ phải cân nhắc cẩn thận giữa cái giá của hai trò chơi “đồng minh” 
và “thù địch”.

Cuối năm 2012, khi căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc lên đỉnh điểm vì bãi cạn Scarborough, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra thông cáo sau: “Chúng tôi quan ngại căng thẳng leo thang ở Biển Đông… Mỹ hối thúc các bên tiến hành các bước giảm căng thẳng…”.

Tháng 2-2013, Mỹ tiếp tục tuyên bố ủng hộ “các biện pháp ngoại giao và hòa bình” để giải quyết tranh chấp…

Sự dè dặt thấy rõ của Washington trong việc không dám cam kết sẽ bảo vệ Philippines khỏi một cuộc tấn công của Trung Quốc cho thấy Mỹ lo ngại bị cuốn vào đối đầu quân sự với Trung Quốc.

Thái độ này bộc lộ rõ ràng nhất qua phát ngôn của một quan chức quốc phòng Mỹ: “Tôi không cho rằng chúng tôi sẽ để Mỹ bị kéo vào một cuộc xung đột vì mấy con cá hay bãi đá”.

Chờ ngày phán quyết

Khi PCA ra phán quyết, đặt trường hợp có lợi cho Philippines thì Manila sẽ có một đòn bẩy pháp lý – chính trị để đòi hỏi sự ủng hộ của Mỹ trong trường hợp họ muốn phán quyết của PCA được thực thi, hoặc nếu Trung Quốc có động thái mới ở bãi cạn Scarborough.

Nhưng tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại khác quan điểm với người tiền nhiệm Benigno Aquino trong vấn đề Biển Đông. Ông Duterte đã đề cập đến giải pháp hoà giải với Bắc Kinh, thậm chí trong trường hợp PCA ra phán quyết có lợi.

Nếu thật vậy, kịch bản này giảm thiểu khả năng Mỹ bị mắc kẹt trong xung đột Philippines – Trung Quốc, nhưng mặt khác nó có thể gây ra căng thẳng giữa hai đồng minh nếu Manila muốn tạo khoảng cách với Washington.

Manila từng kêu gọi Mỹ đưa các đảo tranh chấp ở Biển Đông vào phạm vi hiệu lực của Hiệp ước quốc phòng Mỹ – Philippines, tuy nhiên Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước năm 2014 vẫn để phần nội dung này khá mơ hồ.

Hiệp ước chỉ ràng buộc Mỹ giúp phòng thủ “lãnh thổ trung tâm” của Philippines và “khu vực Thái Bình Dương”. Ngoài phạm vi này, Washington đến nay vẫn né tránh xác định giới hạn nào cho cam kết của họ.

Bắc Kinh hoàn toàn nhận thức được “nghịch lý an ninh đồng minh” Mỹ đang đối mặt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng cảnh báo Washington: “Tăng cường liên minh quân sự chỉ làm tăng thêm sự đối đầu và không giúp giải quyết vấn đề. Trung Quốc mong quốc gia có liên quan để tâm đến hoà bình và ổn định khu vực, có một thái độ trách nhiệm và hành động cẩn trọng”.

Trước thách thức này, Washington phải cẩn thận hiệu chỉnh những cam kết của mình. Mỹ không muốn “làm hư” đồng minh và sa lầy vào xung đột, nhưng cũng không muốn để Trung Quốc tự tung tự tác. Điều này đặc biệt đúng vì liên quan đến vấn đề cực kỳ nhạy cảm là tranh chấp lãnh thổ, một trong những nguyên nhân chính của chiến tranh.

Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận 
ở Hoàng Sa

Ngày 4-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành tập trận từ ngày 5 đến 11-7-2016 với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Theo thông báo ngày 3-7-2016 của Cục Hải sự Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận từ ngày 5 đến 11-7-2016 với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hành động này của phía Trung Quốc một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe doạ đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.

Q.TRUNG

MINH TRUNG