Giao tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường?
Đây là một hướng mà Bộ GD-ĐT sẽ tính đến trong lộ trình đổi mới thi cử vào các năm tới, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hai năm qua và coi đây như một “phép thử”.
Giao tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường?
Đây là một hướng mà Bộ GD-ĐT sẽ tính đến trong lộ trình đổi mới thi cử vào các năm tới, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hai năm qua và coi đây như một “phép thử”.
Thí sinh ra về sau khi kết thúc thi môn sử tại hội đồng thi Trường đại học Sư phạm TP.HCM trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 – Ảnh: HỮU KHOA |
Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 4-7 về hướng đổi mới thi cử tiếp theo sau hai năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Chúng tôi coi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là phép thử quan trọng để tiếp tục lộ trình đổi mới thi cử”.
Nếu các trường sẵn sàng…
Theo ông Bùi Văn Ga, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ hai kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp để quyết định phương thức tổ chức thi tiếp theo trên tinh thần tôn trọng Luật giáo dục, Luật giáo dục ĐH.
Theo luật hiện hành thì việc tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường. Nhưng do hiện nay các trường chưa sẵn sàng nên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để các trường sử dụng kết quả thi vào việc xét tuyển. Nếu các trường đã sẵn sàng thì việc tuyển sinh sẽ trao lại cho các trường chủ động. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng nhẹ nhàng hơn.
“ĐHQG Hà Nội hai năm nay đã chủ động tổ chức kỳ tuyển sinh riêng. Tiến tới các trường khác cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần lấy ý kiến rộng rãi, thận trọng về việc này, nên quyết định hướng đi như thế nào ngay vào lúc này còn hơi sớm. Nhưng dù đổi mới thế nào thì Bộ GD-ĐT cũng tính đến việc giảm bớt căng thẳng, tốn kém, đảm bảo hiệu quả, công bằng cho thí sinh” – ông Ga chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ triển khai ngay các bước thăm dò, chuẩn bị để đầu năm học 2016-2017 công bố phương án tiếp theo làm nền tảng cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ. Ông Bùi Văn Ga cũng cho biết sẽ ghi nhận tất cả phản ảnh, góp ý, đề xuất, kiến nghị của dư luận liên quan tới tổ chức kỳ thi.
Bước tiếp theo của “phép thử” kỳ thi THPT quốc gia, ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – cho biết năm nay Bộ GD-ĐT đã chủ động chuẩn bị triển khai các khâu. Cụ thể là xây dựng phần mềm và chạy thử nghiệm.
“Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên phải mở cửa, sẵn sàng kết nối mạng cho thí sinh tới đăng ký xét tuyển trực tuyến tại trường” – ông Trinh nói.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết đã yêu cầu 120 cụm thi trên cả nước phải chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng công nghệ thông tin để kịp thời công bố kết quả thi cho thí sinh. “Không để tình trạng nghẽn mạng, gây hoang mang cho thí sinh như năm trước” – ông Ga nói.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT VTC, TP Vinh, Nghệ An vui vẻ rời phòng thi môn sinh học chiều 4-7 – Ảnh: DOÃN HOÀ |
Tiếp tục đổi mới hướng ra đề thi
Nhận xét về đề thi năm nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định so với năm trước, đề thi đã mạnh dạn đổi mới thêm một bước theo lộ trình “chuyển từ kiểm tra nội dung kiến thức máy móc sang kiểm tra năng lực, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào liên hệ với thực tế của học sinh”.
“Tính phân hóa của đề thi năm nay đã được tăng lên từ mức rất cơ bản đến mức trung bình, khó và rất khó. Với việc chia nhỏ “độ khó” này, các trường ĐH-CĐ sẽ thuận lợi hơn trong việc xét tuyển dựa vào kết quả của thí sinh” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về lộ trình tiếp theo trong việc đổi mới hướng ra đề thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết bộ vẫn duy trì hướng đổi mới như đã làm các năm gần đây.
Cụ thể là giảm thêm nữa các câu hỏi kiểm tra kiến thức học thuộc, bỏ bớt các câu hỏi kiểm tra số liệu máy móc, tăng dần tỉ lệ các câu hỏi vận dụng kiến thức vào các vấn đề trong đời sống, các câu hỏi mở yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ, quan điểm, liên hệ trách nhiệm cá nhân với các vấn đề khác nhau của xã hội.
“Tuy vậy sẽ không có những thay đổi quá đột ngột về cấu trúc, nội dung đề thi, mà tăng tỉ lệ từng bước theo hướng trên nhằm thay đổi dần cách dạy học ở bậc phổ thông” – ông Ga nói.
Câu hỏi mở sẽ có đáp án mở Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về lo ngại có sự chênh lệch chất lượng chấm thi giữa các cụm thi trong bối cảnh lực lượng giáo viên, giảng viên chấm thi phải dàn mỏng cho 120 cụm thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận có thể có khó khăn trong việc huy động lực lượng chấm thi đối với các cụm có số thí sinh đông. Nhiều trường ĐH ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng chịu trách nhiệm chủ trì cụm thi các tỉnh khác cũng vận chuyển bài thi về các thành phố lớn để chấm thi nên không có đủ lực lượng giáo viên, giảng viên tại chỗ, buộc phải huy động giáo viên phổ thông các tỉnh khác về chấm. “Bộ GD-ĐT đã lường trước khó khăn này nên yêu cầu các cụm thi phải có phương án sớm, kiểm soát chặt chẽ lực lượng chấm thi được huy động, đảm bảo việc chấm thi nghiêm túc, chính xác” – ông Ga cho biết. Theo ông Mai Văn Trinh: “Đối với các câu hỏi mở cũng sẽ có đáp án mở. Tuy nhiên trong hướng dẫn chấm vẫn đưa ra những gợi ý, những quy định cụ thể đối với câu hỏi mở để giáo viên dựa vào đó chấm thi. Ngoài ra, lực lượng giám sát chấm thi sẽ yêu cầu các hội đồng chấm thi phải thực hiện nghiêm quy trình chấm hai vòng độc lập, việc thảo luận, chấm chung để thống nhất hướng chấm thi nhằm tránh việc sai sót, không công bằng”. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ngày 20-7 là thời hạn các cụm thi phải hoàn thành việc chấm thi, gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT. |