23/12/2024

Có thể không công bố đồng loạt kết quả thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga và ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT trả lời với phóng viên Thanh Niên về những điểm cần lưu ý trong chấm và công bố kết quả thi THPT quốc gia.

 

Có thể không công bố đồng loạt kết quả thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga và ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT trả lời với phóng viên Thanh Niên về những điểm cần lưu ý trong chấm và công bố kết quả thi THPT quốc gia.




Thí sinh dự thi tại TP.HCM vui mừng kết thúc kỳ thi THPT quốc gia ///  Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thí sinh dự thi tại TP.HCM vui mừng kết thúc kỳ thi THPT quốc giaẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Chấm 2 vòng độc lập
Đề thi năm nay được đánh giá phân hoá tốt hơn, đánh giá được năng lực thí sinh (TS) nhiều hơn… Vậy, đáp án và hướng dẫn chấm thi sẽ theo hướng nào để đảm bảo đồng bộ với đổi mới về cách ra đề thi? Những bài làm thể hiện được tính sáng tạo và có quan điểm riêng, mới lạ của TS liệu có được chấp nhận và được điểm không?
Ông Nghĩa: Cùng với việc soạn thảo đề thi, hội đồng ra đề thi cũng xây dựng và rà soát kỹ đáp án, hướng dẫn chấm theo từng môn làm căn cứ để các hội đồng thi tổ chức chấm thi. Mặc dù thang điểm được quy định dựa trên đáp án đã công bố, tuy nhiên trong hướng dẫn chấm cũng quy định cụ thể cách thức xử lý khi TS làm bài theo phương án khác, đặc biệt là đối với các đề mở.
 
 
Một số khác biệt so với năm 2015 về chấm thi
– Bài thi được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân (năm 2015, quy định điểm bài thi chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến 0,25).
– Điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (năm 2015, quy định trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1,0 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo).

 

Để tránh việc chấm thi phụ thuộc vào cảm tính cá nhân của người chấm, quy chế cũng đã quy định mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm độc lập. Người chấm thi thứ nhất chấm trên phiếu chấm cá nhân (được gửi kèm hướng dẫn chấm thi từng môn tự luận). Người chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi và ghi điểm vào phiếu ghi điểm.

Những trường hợp nào sẽ bị trừ điểm bài thi, thưa ông?
Ông Nghĩa: TS bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của môn đó; TS bị cảnh cáo sẽ bị trừ 50%; bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50%; TS bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 môn thi đó.
Cho điểm 0 với các trường hợp sau: Bài thi chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; một môn thi có 2 bài thi; bài thi có chữ viết của 2 người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định. Hủy bỏ kết quả thi đối với những TS: Có 2 bài thi trở lên bị điểm 0 (không); viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.
Năm nay số cụm thi tăng lên rất nhiều so với các năm trước. Bộ có chỉ đạo gì để đảm bảo chất lượng chấm thi chính xác, công bằng và khách quan ở tất cả các cụm thi trên cả nước?
Ông Nghĩa: Năm nay, số cụm thi ĐH là 70 (năm 2015 là 38). Tuy nhiên, số TS của mỗi cụm thi lại giảm đi nhiều. Do vậy, số lượng cán bộ điều động để chấm thi năm 2016 sẽ không nhiều hơn năm 2015. Theo báo cáo của các hội đồng thi, hiện nay các cụm thi đã huy động đủ số lượng cán bộ chấm thi, đảm bảo hoàn thành việc chấm thi theo đúng tiến độ.
Có thể không công bố đồng loạt kết quả thi - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Điểm chuẩn sẽ tăng hay giảm?

Theo nhận định của nhiều giáo viên, sự phân hóa tốt hơn của đề thi sẽ khiến phổ điểm thi năm nay có sự khác biệt, giúp thí sinh và trường ĐH thuận lợi hơn trong xét tuyển.


Quy chế thi THPT quốc gia đã quy định cán bộ chấm thi phải là người đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm. Yêu cầu tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận sẽ đảm bảo tránh xảy ra sai sót trong khâu hồi phách. Ngoài ra, trong quá trình chấm thi Bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra để đảm bảo các hội đồng thi thực hiện nghiêm quy chế thi.
Khi mang bài thi của địa phương mà mình chủ trì về trường chấm, các trường ĐH thường có xu hướng nhờ sở GD-ĐT ở địa bàn mà trường đó đóng cử giáo viên tham gia chấm thi. Bộ có quy định nào không về việc này?
Ông Ga: Bộ hoan nghênh các địa phương cử cán bộ, giáo viên của mình tham gia chấm thi cho TS địa phương mình với trường ĐH chủ trì. Tuy nhiên, điều đó khiến cho thầy cô giáo các địa phương vất vả hơn, còn các sở cũng sẽ tốn kém hơn do phải chi trả tiền công tác phí cho các thầy cô khi đi làm nhiệm vụ chấm thi ở xa.
Thực ra giám khảo là người của đơn vị nào không quan trọng, vì đề thi có chung đáp án, có chung barem chấm. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ chế phối hợp cũng như vì quyền lợi TS của địa phương mình mà sở GD-ĐT có thể tham gia tất cả các khâu tại cụm thi ĐH, từ coi thi cho đến chấm thi. Bộ khuyến khích có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường và sở, nhưng vẫn để các trường chủ động trong việc tổ chức chấm thi.


Chậm nhất 20.7 chấm thi xong
Bao giờ sẽ công bố kết quả và cách thức công bố sẽ như thế nào?
Ông Ga: Chậm nhất 20.7 các cụm thi phải chấm xong, sau đó gửi kết quả về Bộ để đối sánh dữ liệu hoàn thiện chuẩn cơ sở dữ liệu chung trong cả nước và giao lại các cụm thi để công bố kết quả. Như vậy năm nay các sở và các trường ĐH chủ trì cụm thi chủ động công bố kết quả thi của những TS dự thi tại cụm thi của mình.


Sẽ công bố kết quả thi đồng loạt hay cụm nào xong trước thì công bố trước, thưa ông?
Ông Ga: Sau khi hoàn tất việc chấm thi, các cụm thi gửi kết quả về Bộ, sau đó Bộ kiểm tra và chuyển lại cho các cụm thi. Khi nhận được dữ liệu do Bộ chuyển giao lại thì các cụm thi đã có thể công bố kết quả luôn. Tuỳ theo tình hình cụ thể lúc đó, các đơn vị có thể công bố vào các thời điểm khác nhau.
Không đếm ý cho điểm
Về việc có thưởng điểm đối với những bài làm mang tính sáng tạo hay không, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: Những câu hỏi mang tính vận dụng, không đòi hỏi HS phải ghi nhớ máy móc, đề mở thì đáp án phải mở. Khi xây dựng đáp án mở không phải “đếm ý cho điểm” như trước đây. Đáp án chỉ đưa ra một số nội dung mang tính cốt lõi, là những từ khóa quan trọng nhất, còn việc phát triển, phân tích và vận dụng những từ khóa ấy trong bài như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thông hiểu, vận dụng của TS. Phần bài làm có sự sáng tạo, có chính kiến của TS đều được đánh giá cao, miễn là nội dung đó không đi ngược với những chuẩn mực đạo đức, với thuần phong mỹ tục… của dân tộc. Tuy nhiên, trong quy chế không nói đến việc thưởng hoặc trừ điểm của TS nên hướng dẫn chấm cũng không thể đưa điều này vào được.
Tuyết Mai


 

Tuệ Nguyễn- Quý Hiên