Tự tạo cơ hội: Lập cơ nghiệp từ ‘lấy ngắn nuôi dài’
Xuất thân từ người làm thuê, anh Nguyễn Hữu Tuấn (44 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng) đã lập nên cơ nghiệp và thành đạt nhờ mạnh dạn đầu tư trồng rau, nuôi bò.
Tự tạo cơ hội: Lập cơ nghiệp từ ‘lấy ngắn nuôi dài’
Xuất thân từ người làm thuê, anh Nguyễn Hữu Tuấn (44 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng) đã lập nên cơ nghiệp và thành đạt nhờ mạnh dạn đầu tư trồng rau, nuôi bò.
Quê anh Tuấn ở TT.Thạch Hà (Hà Tĩnh), sau khi học xong THPT, anh vào làm thuê tại xã Lạc Xuân, H.Đơn Dương (Lâm Đồng). Năm 1997, anh lập gia đình với cô gái nghèo ở Lạc Xuân. Lúc đó nhờ mẹ vợ vay vốn của hội phụ nữ được 2 triệu đồng, 2 vợ chồng làm căn chòi lợp bằng giấy dầu giữa đồng để tiếp tục đi làm thuê.
Sau vài năm “thắt lưng buộc bụng”, vợ chồng anh Tuấn thuê được 2 sào đất tại thôn Giãn Dân (xã Lạc Xuân) để trồng rau và cà chua. Vụ thu hoạch cà chua đầu tiên anh đóng vào giỏ tre vài trăm ký gửi về quê Hà Tĩnh làm quà và bán chào hàng. Do chưa có kinh nghiệm, khi cà chua về đến quê thì bị dập khoảng 50% khối lượng, nhưng vẫn tiêu thụ nhanh chóng vì chất lượng ngon và giá rẻ. Từ năm 2000, Tuấn đứng ra thu mua cà chua và một số rau khác để đưa ra Hà Tĩnh, Hà Nội và cả vùng Đông Bắc tiêu thụ. Lượng rau tiêu thụ tăng dần, có ngày cao nhất lên đến 10 tấn.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Tuấn vừa đi buôn rau và mua thêm đất để mở rộng sản xuất các loại rau củ. Thế nhưng vào mùa nắng lại thiếu nước tưới trầm trọng, nên nhiều diện tích phải bỏ trống.
Cái khó ló cái khôn, anh Tuấn lặng lẽ băng rừng để tìm nguồn nước tưới. Tìm được nguồn nước, anh mạnh dạn lắp đặt hệ thống ống dẫn dài khoảng 5 km từ rừng nguyên sinh về thôn Giãn Dân trước sự ngỡ ngàng và thán phục của bà con quanh vùng. Có nguồn nước ổn định, anh mua thêm đất mở rộng diện tích canh tác các loại rau lên hơn 14 ha. Không chỉ sản xuất cà chua, anh Tuấn trồng thêm nhiều loại nông sản khác như xà lách, ớt ngọt, hành tây, cải bắp, bí ngòi, đậu đỗ… Hiện nay mỗi ngày anh cung ứng cho thị trường miền Bắc hàng chục tấn rau các loại.
Thành công với rau, anh lao vào nuôi bò. Năm 2013, Nguyễn Hữu Tuấn quyết định dành 6 ha đất nông nghiệp để trồng cỏ, bắp và xây dựng trang trại bò sữa hiện đại mang tên Tuấn Gấm (Gấm là vợ Tuấn). Anh xuống H.Hóc Môn (TP.HCM), Long An và ra tận Mộc Châu (Sơn La) tham khảo các mô hình chăn nuôi bò sữa để về tự thiết kế chuồng trại. Xây dựng xong chuồng trại, khó khăn khác lại đến, tìm đâu ra giống bò để nuôi vì thời điểm đó phong trào nuôi bò đang lên cơn sốt. Tuấn tìm đến Vinamilk đặt mua số lượng 100 con khiến họ nghi ngại. Sau khi cử cán bộ đến thôn Giãn Dân xem chuồng trại và cả hệ thống nước sạch của Tuấn, Vinamilk mới đồng ý bán 75 con bò hơn 1 năm tuổi; tiếp đó anh mua thêm 31 con bò khác.
Hiện nay, trang trại bò sữa Tuấn Gấm có 250 con bò, trong đó 110 con đang cho sữa, mỗi ngày cung cấp cho Vinamilk 1,5 tấn sữa tươi. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đây là trang trại bò sữa tư nhân lớn nhất tỉnh này hiện nay. Khối lượng thức ăn hằng ngày cho đàn bò sữa 250 con gồm 5 tấn cỏ voi tươi, 2 tấn cây bắp xanh băm nhỏ, khoảng 1,2 tấn bắp ủ chua. Tất cả nguồn nguyên liệu thức ăn cho đàn bò sữa đều được trang trại tự sản xuất luân canh với các loại rau thương phẩm theo quy trình cơ giới hóa từ khâu làm đất, tưới nước, bón phân đến thu hoạch và chế biến thức ăn. Thời gian qua, có nhiều đoàn chuyên gia từ các nước Hà Lan, Mỹ, Canada, Nhật Bản… đến thăm trang trại bò sữa Tuấn Gấm. Họ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhằm giúp trang trại đạt hiệu quả cao hơn.
Với đàn bò cho sữa hiện nay, sau khi trừ hết các chi phí thức ăn, thú y, nhân công, anh còn lãi khoảng gần 200 triệu đồng mỗi tháng. Anh Tuấn cho biết mục tiêu đến năm 2017, sẽ tăng tổng đàn bò sữa lên 400 con, song song đó đầu tư hệ thống dây chuyền vắt sữa tự động, có máy làm lạnh và bồn chứa.
Lâm Viên