Anh và EU, mối lương duyên sóng gió
Người Anh muốn hay không muốn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)? Lá phiếu bằng lý đã trả lời rõ ràng dù vẫn còn những biểu hiện vương vấn tình cảm.
BREXIT – TỪ LỊCH SỬ ĐẾN THỰC TẾ – KỲ 1:
Anh và EU, mối lương duyên sóng gió
Người Anh muốn hay không muốn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)? Lá phiếu bằng lý đã trả lời rõ ràng dù vẫn còn những biểu hiện vương vấn tình cảm.
Ảnh: Reuters |
“Mong ước của tôi khi tham gia cuộc biểu tình này là hi vọng các nghị sĩ sẽ nhận ra rằng rời EU không phải là điều mà dân chúng thật sự muốn |
Cô Philippa Griffin (cư dân Anh 40 tuổi) |
Thực tế lịch sử cho thấy một nước Anh nằm tách biệt châu Âu về địa lý, chưa bao giờ thật sự muốn hòa nhập.
Năm 1946, trong một bài diễn văn tại Zurich (Thuỵ Sĩ), thủ tướng Anh Winston Churchill đã dùng thuật ngữ “Hợp chủng quốc châu Âu”.
Ý tưởng liên kết nhiều thành viên châu Âu trở thành một khối hùng mạnh như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã phần nào được thể hiện ở nhiều mối quan hệ các nước lúc đó với Mỹ trên các bình diện kinh tế lẫn an ninh.
“Nhập” nhưng chưa “hòa”
Thế nhưng, theo GS Robert Tombs của ĐH Cambridge và là tác giả cuốn sáchLịch sử nước Anh, người Anh chưa bao giờ thật sự muốn hợp chủng với phần châu Âu còn lại.
Theo ông, thậm chí Vương quốc Anh luôn hành xử theo cách giữ cho châu Âu bị chia rẽ để châu Âu hợp chủng ấy không tạo thành mối đe dọa đến an ninh và thương mại của Vương quốc Anh.
Lịch sử cũng cho thấy nhiều cường quốc ở châu Âu đã thể hiện sức mạnh và mong muốn thống trị hoặc chế ngự những quốc gia láng giềng còn lại. Đó cũng là điều khiến người Anh luôn có thái độ dè chừng trong việc gắn bó với châu Âu.
Mối lương duyên giữa Anh và phần châu Âu còn lại thật sự đã trải qua rất nhiều sóng gió. Vương quốc Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) – tiền thân của EU – năm 1973.
Nhưng quyết định đó cũng không phải đã được thông suốt: trong khi nhóm bảo thủ ủng hộ việc gia nhập thì nhóm Công đảng (khi đó thuộc bên đối lập) – đặc biệt là nhánh thiên tả – lại không đồng ý với quyết định đó.
Trong bản kiến nghị hồi năm 1983, ông Michael Foot, lãnh đạo Công đảng vào thời điểm đó, đã bảo vệ ý định rời khỏi EEC. Vào thời điểm đó, Công đảng đã luôn chỉ trích chính sách thương mại chung của châu Âu.
Phía Công đảng khẳng định: “Cho dù lịch sử và địa lý ghi nhận Anh thuộc châu Âu nhưng EEC được thiết lập không vì chúng ta và vì sự hội nhập của chúng ta. Làm thành viên của EEC càng khiến cuộc đấu tranh chống lại các vấn đề kinh tế và công nghiệp thêm khó khăn.
Các yêu sách từ châu Âu không chỉ ngăn cản chúng ta mua được lương thực từ những nguồn khác tốt hơn ở thế giới, mà còn cản trở các kế hoạch của chúng ta trong việc kiểm soát giá cả và lạm phát”.
Phía Công đảng khi đó thậm chí còn tuyên bố mạnh mẽ: “Nếu chúng tôi lên nắm quyền, chúng tôi sẽ mở những cuộc thương lượng bước đầu với các quốc gia thành viên khác để lên lịch cho tiến trình rút khỏi EEC”.
Và cũng vì những quan điểm “ly khai” đó của lãnh đạo Công đảng mà đảng này đã bị phân hóa, dẫn đến việc một thành phần của đảng có tư tưởng đứng giữa và ủng hộ châu Âu tách ra lập phong trào dân chủ xã hội mà sau này trở thành Đảng Tự do dân chủ ở Anh hiện nay.
Bên Công đảng không ưa sáp nhập vào châu Âu đã rõ và bên Bảo thủ ở Anh cũng không hẳn yêu thích chuyện đứng chung xuồng với lục địa già.
Nữ thủ tướng Margaret Thatcher, lên nắm quyền năm 1979, đã bắt tay vào sửa chữa chuyện mà bà xem là bất công với Anh: phần đóng góp của Vương quốc Anh vào châu Âu luôn nhiều hơn phần được nhận lại.
Một ví dụ khác là chuyện bảo trợ cũng có phân biệt đối xử, chẳng hạn nông dân Pháp vẫn được hỗ trợ cao hơn nông dân Anh.
Trong bài diễn văn tại Bruges (Bỉ) năm 1988, bà Thatcher tái khẳng định sự chống đối của mình với kiểu châu Âu liên bang và với ý tưởng Cộng đồng châu Âu có nguồn tài chính riêng.
Nhà lãnh đạo cứng rắn của Anh đặc biệt chống lại chuyện thiết lập đồng tiền chung của châu Âu, như trong lần phát biểu trước Quốc hội Anh năm 1990.
Mối quan hệ của bà Thatcher với ông Jacques Delors (chủ tịch Uỷ ban châu Âu khi đó) rất căng thẳng. Báo chí Anh khi đó không ngại bêu tên ông Delors cũng như cười nhạo dân Pháp về ý tưởng đồng tiền chung cho cả khối.
Nhiều lần bỏ phiếu chống
Năm 1992, Anh có được điều khoản miễn trừ liên quan “hiến chương xã hội” và việc chuyển sang sử dụng đồng euro trong khuôn khổ Hiệp ước Maastricht.
Vậy mà một người của Bảo thủ là nghị sĩ Rees-Mogg còn đưa vấn đề Hiệp ước Maastricht ra trước Toà án tối cao ở Anh với lý do hiệp định này trái với Hiến pháp Anh. Kiến nghị của ông Rees-Mogg bị tòa bác và thủ tướng Bảo thủ John Major đã đặt bút ký Hiệp ước Maastricht vào năm 1992.
Năm 1993, các thành viên Bảo thủ lại dự tính yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân về Hiệp ước Maastricht.
Quốc hội Anh đã chuẩn thuận việc trưng cầu và khi đó thủ tướng Anh phải ngăn chặn quyết định đó bằng một tối hậu thư với chính phủ và doạ từ chức trong trường hợp kết quả trưng cầu không thuận lợi.
Các mối quan hệ của Anh với EU cứ tiếp tục hục hặc sau đó. Năm 1994, thủ tướng John Major bỏ phiếu phủ quyết với trường hợp chính trị gia Bỉ Jean-Luc Dehaene ứng cử vào vị trí chủ tịch Uỷ ban châu Âu. Phía Anh cho rằng ông Dehaene quá “mang tính liên bang”.
Kịch bản này tiếp tục lặp lại thêm hai lần nữa với việc thủ tướng Tony Blair từ chối ông Guy Verhofstadt và thủ tướng David Cameron không đồng tình chọn lựa Jean-Claude Juncker.
Năm 1996, doanh nhân Anh James Goldsmith lập đảng mang tên Đảng Trưng cầu ý dân và thu hút được 3% số phiếu bầu trong kỳ tổng tuyển cử năm 1997.
Cùng năm đó, Công đảng nêu trong bản tuyên ngôn vận động tranh cử của mình rằng cần phải tiến hành trưng cầu ý dân trước khi chấp nhận đồng tiền chung euro. Năm 1999, nhiều thành viên của EU bắt đầu sử dụng đồng euro và chỉ Vương quốc Anh cùng Đan Mạch vẫn giữ đồng tiền của mình.
Tháng 4-2004, thủ tướng Tony Blair công bố quyết định tiến hành trưng cầu ý dân về hiến pháp tương lai của EU mở rộng.
Đối với các nhà quan sát chính trị khi đó, thủ tướng Anh có vẻ đã nhượng bộ các yêu sách của những thành phần chống châu Âu cương quyết nhất, trong số đó nổi bật là ông trùm báo chí Rupert Murdoch, chủ sở hữu của hai tờ báo đông bạn đọc là Sun và Times.
Dân Anh lại phản đối Brexit
Ngày 2-7, hàng ngàn người Anh đã xuống đường tuần hành trên khắp nước Anh để bày tỏ sự ủng hộ châu Âu và phản đối Brexit. Tập trung tại quảng trường Quốc hội ở trung tâm thủ đô London, người tuần hành mang theo nhiều băngrôn, khẩu hiệu “Chúng tôi muốn ở lại”, “Hi vọng không phải thù hận”, “Breverse” (ám chỉ đảo ngược quyết định Brexit), và “Quốc hội hãy dùng quyền của mình để cứu nước Anh khỏi cuộc khủng hoảng này”. Nhiều người vẫn mặc chiếc áo ủng hộ phe vận động ở lại vốn đã bị thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6. Nghệ sĩ Mark Thomas ước tính 20.000 – 40.000 người hưởng ứng cuộc tuần hành do ông tổ chức để bày tỏ sự giận dữ với cách thức tổ chức cuộc trưng cầu ý dân. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân này nếu như nó được tranh luận một cách công bằng. Nhưng ngược lại nó đầy những thông tin sai lạc và mọi người cần phải làm gì đó”. |
_____________