Đến ASEAN: vào 1 nước, đi 10 nước
Đó đang là mục tiêu phấn đấu của các nước ASEAN nhằm tạo điều kiện cho du khách tự do đi lại trong khu vực và là đòn bẩy cho ngành công nghiệp không khói.
Đến ASEAN: vào 1 nước, đi 10 nước
Đó đang là mục tiêu phấn đấu của các nước ASEAN nhằm tạo điều kiện cho du khách tự do đi lại trong khu vực và là đòn bẩy cho ngành công nghiệp không khói.
Du khách có xu hướng kết hợp nhiều điểm đến trong một hành trình. Trong ảnh: du khách quốc tế tại ĐBSCL – Ảnh: LÊ NAM |
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc áp dụng một visa chung cho cả ASEAN sẽ chưa thể thực hiện được ngay mà cần một lộ trình cụ thể, trước hết có thể làm theo quy mô từng cặp hoặc nhóm các quốc gia.
Các nước tiên phong
Năm 2007, tại Hội chợ quốc tế du lịch (ITE) diễn ra ở TP.HCM, Việt Nam tiên phong đề xuất dùng một thị thực (visa) chung cho tất cả du khách đến du lịch ở ba quốc gia Campuchia, Lào, Việt Nam.
Đến tháng 9-2013, lần đầu tiên bộ trưởng phụ trách du lịch trong Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) gồm năm nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan đã cùng ngồi lại, bàn cách hợp tác phát triển du lịch, thống nhất phương án dùng chung visa cho du khách nước ngoài đến năm quốc gia này.
Ông Lê Tuấn Anh, phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT), cho biết bộ trưởng du lịch năm nước ACMECS đề cao sáng kiến “Năm quốc gia – một visa” và lên kế hoạch triển khai lộ trình phù hợp.
“Việc dùng chung visa sẽ làm tăng hình ảnh của cả khối, tăng lượng khách du lịch, vì vậy thiếu một visa chung cho cả ASEAN là rào cản lớn nhất của du lịch vùng và cần phải loại bỏ” – ông Lê Tuấn Anh nói.
Trong các thành viên ACMECS, Thái Lan và Campuchia là hai quốc gia tiên phong. Từ tháng 12-2012, Thái Lan và Campuchia đã áp dụng một visa cho du khách đến từ 35 quốc gia.
Theo cam kết của Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Campuchia, du khách nước ngoài chỉ cần xin visa ở đại sứ quán một trong hai quốc gia, thậm chí du khách có thể đến cửa khẩu quốc tế của một trong hai quốc gia và làm thủ tục xin visa tại cửa khẩu (visa on arrival) rồi đi lại tự do trong lãnh thổ của hai quốc gia này trong thời gian 30 ngày.
Nhưng làm thế nào để khách đến với quốc gia mình đông hơn lại là một thử thách buộc các quốc gia phải nỗ lực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trong sự kiện ITE gần đây về vấn đề này, ông Thong Khon, bộ trưởng du lịch Campuchia, cho biết lượng khách quốc tế đến Thái Lan vẫn vượt trội so với lượng khách nhập cảnh vào các cửa khẩu quốc tế Campuchia vì sự hấp dẫn của điểm đến và lợi thế của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sân bay quốc tế.
Nhưng ông Thong Khon cũng khẳng định nguồn thu có được từ phí visa không thể so sánh với lợi ích mà cả nền kinh tế và người dân Campuchia có được từ lượng khách quốc tế gia tăng từ việc hợp tác này.
Ngoài tầm ngành du lịch
Trong khi Việt Nam còn loay hoay chưa triển khai dùng chung visa với các nước láng giềng vì theo lãnh đạo VNAT, “ngành du lịch không thể tự quyết định và làm được mà phải có sự hợp tác của ngành ngoại giao, công an…” thì Campuchia đã lặng lẽ vượt lên bằng những nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Đến nay, ngoài việc bắt tay với Thái Lan dùng chung visa, Campuchia còn áp dụng chính sách thị thực điện tử (e-visa): khách không cần phải đến cơ quan đại diện ngoại giao của Campuchia mà chỉ cần lên mạng tạo thông tin và làm thủ tục xin visa.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ – tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, xu hướng du lịch của du khách quốc tế là kết hợp nhiều điểm đến trong một hành trình.
Do vậy, việc áp dụng dùng chung một visa là xu hướng tất yếu, nếu không sớm triển khai thì nhiều khả năng du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định Việt Nam muốn kết nối cùng Thái Lan và Campuchia nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho du khách để tiến tới kết nối dùng chung một visa cho cả khối ASEAN nhưng việc này nằm ngoài tầm của ngành du lịch.
Ông Tuấn cho biết nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng yêu cầu Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu kết nối với Thái Lan và Campuchia để du khách quốc tế chỉ dùng một visa khi đi du lịch ở ba nước.
Theo ông Lê Tuấn Anh, khi chưa tiến hành được việc áp dụng chung một visa cho cả khu vực, Việt Nam nên tìm cơ chế hợp tác từng cặp hoặc từng nhóm vài quốc gia có ưu thế để gia nhập nhằm lôi kéo thêm du khách đến với mình.
Tuy còn nhiều khó khăn, từng quốc gia có bước đi riêng, lộ trình khác nhau nhưng từng thành viên cần phải tích cực hơn để hướng đến đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách nước ngoài đến các quốc gia này.
ASEAN giàu tiềm năng du lịch Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỉ lệ lớn GDP của ASEAN. Cả khu vực có 36 danh lam thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 10 nước ASEAN về độ hấp dẫn đối với du khách, chỉ sau Thái Lan, Singapore và Malaysia. Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO), trong giai đoạn 2014-2016 có khoảng 307 triệu lượt khách quốc tế đến ASEAN du lịch, trung bình mỗi năm khoảng 102 triệu lượt. |
Vẫn còn nghiên cứu Ý tưởng dùng chung visa cho 10 nước ASEAN được đưa ra vào năm 2011. Khi đó, một quan chức thuộc Ban thư ký ASEAN cho biết trong chiến lược du lịch của khu vực trong 5 năm tới, khách du lịch nước ngoài chỉ cần xin visa tới bất kỳ nước thành viên ASEAN nào sẽ có thể du ngoạn khắp các nước trong khu vực. Tới Diễn đàn du lịch ASEAN 2016 diễn ra đầu năm nay tại Manila (Philippines) với sự tham dự của bộ trưởng du lịch các nước trong khu vực, các chuyên gia lại một lần nữa nhấn mạnh muốn phát triển du lịch, trước hết cần phải tạo thuận lợi cho du khách đi lại trong khối. Đại diện các nước tham dự diễn đàn cũng cho hay họ đang tiếp tục nghiên cứu để có thể triển khai visa chung, giúp du khách có thể đi đến bất kỳ nước nào chỉ với một visa duy nhất.N.HUY |
Tin ASEAN * Indonesia: hút du khách bằng các lễ hội xuyên biên giới 54 lễ hội xuyên biên giới sẽ được Bộ Du lịch Indonesia tổ chức từ nay đến cuối năm nhằm thu hút du khách nước ngoài, đặc biệt là từ những nước láng giềng. Báo Jakarta Post dẫn lời ông Adella Raung, người đứng đầu bộ phận lễ hội đặc trách thị trường châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Du lịch Indonesia, cho hay trong số 54 lễ hội thì đáng chú ý nhất là lễ hội Atambua diễn ra ở Đông Nusa Tenggara, một tỉnh giáp Đông Timor. Lễ hội độc đáo này bao gồm hàng loạt hoạt động như biểu diễn âm nhạc, hội chợ, đua ngựa, đua xe máy… “Lễ hội xuyên biên giới Atambua sẽ diễn ra hằng tháng, kéo dài từ tháng 5 tới tháng 12. Dự kiến có hơn 37.000 người sẽ tham dự lễ hội này. Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi tháng thu hút ít nhất 2.000 du khách từ Đông Timor tới dự lễ hội” – ông Adella nói. Bộ Du lịch Indonesia đặt mục tiêu thu hút 12 triệu du khách nước ngoài trong năm nay. Hết quý 1-2016 đã có hơn 3,5 triệu khách du lịch quốc tế tới xứ sở vạn đảo. * 10 tuần siêu mua sắm ở Singapore Mùa siêu khuyến mãi Singapore 2016 (Great Singapore Sale – GSS) đang bước vào tuần cao điểm sau đúng một tháng khai mạc. Theo báo Straits Times, bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ như thời trang, làm đẹp, ẩm thực, mua sắm, du lịch, điểm khác biệt của GSS năm nay là thời gian tổ chức được kéo dài ra 10 tuần, thay vì 8 tuần như 12 lần trước đây. Lý giải việc kéo dài thời gian tổ chức GSS, giám đốc điều hành Hiệp hội Bán lẻ Singapore Anthony Gan cho hay đó là nỗ lực để thu hút khách du lịch, đặc biệt là từ các nước châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà kỳ nghỉ hè thường diễn ra từ tháng 6 tới tháng 8. GSS sẽ bế mạc vào ngày 14-8. |