Kỳ thi THPT quốc gia: Đề văn quá an toàn
Có người nhận xét hay, người nói nhàm chán về đề thi ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia diễn ra hôm qua 2.7, nhưng các ý kiến đều đồng tình đề ra quá an toàn.
TIN LIÊN QUAN
Xử lý người tung tin lộ đề thi
TIN LIÊN QUAN
Bộ Giáo dục – Đào tạo khẳng định không lộ đề thi, trích thơ đúng
TIN LIÊN QUAN
Thi THPT quốc gia: Gợi ý giải đề thi môn văn
20 câu cuối của môn lý rất khó
Đối với môn vật lý, các TS đều cho rằng đề thi quá dài, có sự phân hóa cao nên khó đạt điểm cao.
“Nếu chỉ dự thi để xét tốt nghiệp thì TS có thể làm 30 câu, được từ 5 – 6 điểm”, Đặng Thuỳ Dương, HS Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi nói. Trong khi đó, một HS chuyên lý Trường THPT chuyên Lê Khiết cho rằng với 20 câu khó phải mất hơn một tiếng mới có thể hoàn thành xong. Nguyễn Thị Kim Tiền (H.Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Đề lý năm nay có nhiều câu khó. 30 câu đầu ở mức vừa phải nhưng 20 câu sau thì khó, ngay cả với những người học để xét tuyển khối A”.
TS ở Lâm Đồng than đề thi quá dài và mang tính phân hóa cao. Lương Xuân Đạt (điểm thi Trường THPT chuyên Thăng Long) cho biết: “Đề thi vật lý năm nay quá dài. 20 câu sau lại khó, phần lớn là bài tập, phải biến đổi công thức rất nhiều mới giải được”.
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phần lớn TS nhận xét: “Đề thi lý khá khó”. Lê Thành Trí, HS Trường THPT Lê Thánh Tôn, nói: “Đã giải nhiều đề thi các năm trước, em thấy đề thi năm nay khó hơn”.
Rất ít TS ở cụm thi Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ra khỏi phòng thi sớm. Nguyễn Thị Mộng Giàu (Đức Hòa, Long An) cho rằng đề vừa dài vừa khó chỉ làm được khoảng 30% đề thi”.
Tuy nhiên, những HS đến từ các trường THPT Nguyễn Hiền, Lê Quý Đôn, cho biết đề thi ở mức vừa phải. Còn Trần Thi Kim Thảo (Bình Chánh, TP.HCM) cho rằng đề thi tương tự đề thi năm trước nhưng hơi dài. Thời gian làm bài 90 phút không kịp làm hết các câu cuối.
Ông Võ Lý Văn Long, Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn (TP.HCM), nhận xét với 90 phút để hoàn tất bài thi môn vật lý có phần hơi nặng vì 20 câu cuối chủ yếu là bài tập tính toán, trong đó 8 câu cuối cùng là khó nhất đòi hỏi khả năng học và làm tốt các bài tập về kiến thức sóng cơ, toán điện.
|
Ý kiến
Chưa nhóm lên “lửa” cho thí sinh
Đề có những câu hỏi từ dễ (như các câu hỏi 1, 2, 5, 6 của phần đọc hiểu) đến những câu hỏi khó (như câu 2, phần làm văn), cho nên đảm bảo tính vừa sức cho TS và đạt được mục đích của đề thi 2 trong 1.
Sự khác biệt dễ thấy của đề thi lần này so với các năm trước là ở yêu cầu câu hỏi 4 và 8 của phần đọc hiểu. Trước yêu cầu viết trong khoảng 5 – 7 dòng nay lên thành 7 – 10 dòng. Đây là điều chỉnh tích cực mà chúng tôi đã góp ý trên Báo Thanh Niên trước đây. Tuy nhiên, đề thi chưa được “lý tưởng”, chưa nhóm lên được “lửa” cho TS.
Chưa nhất quán về cách nêu câu hỏi. Trong khi các câu hỏi 1, 2 của phần làm văn (7 điểm) có ghi thang điểm cụ thể thì ở phần đọc hiểu cả 8 câu hỏi đều không có thang điểm. Điều này gây khó khăn cho TS ở thao tác phân tích đề trước khi làm bài. Trong lúc ở câu 7 và 8 đã bàn về cái tôi cá nhân mà ở câu nghị luận xã hội (câu 1, phần làm văn) ngay sau đó lại yêu cầu bàn tiếp về sự “tự đánh mất mình”, mà thực chất đây cũng là đề tài bàn về cái tôi cá nhân. Chính vì thế dễ tạo ra sự trùng lặp ý của TS, khó tạo ra sự hứng thú cho TS khi làm bài.
Tuấn Ngọc (Giáo viên tại TP.HCM)
Mang tính nhân văn
Nhìn chung, đề thi môn ngữ văn đảm bảo tính phân hóa tốt, không có nội dung đánh đố TS. Những câu hỏi có những nội dung chỉ cần mức nhận biết – thông hiểu nhưng vẫn có những phần đặt nặng yêu cầu vận dụng bậc cao theo đúng chủ trương của Bộ. Bên cạnh đó, vẫn có những nội dung thể hiện sự tôn trọng được ý kiến riêng của TS.
Có một bất ngờ là năm nay đề thi không trích sẵn dẫn chứng trong tác phẩm. Đây cũng chính là một điểm thể hiện tính phân hoá của đề thi. HS học vẹt hoặc quen với dạng đề cảm nhận đơn giản, hoặc chủ quan đề thi sẽ trích dẫn sẵn như năm ngoái sẽ khó đáp ứng khá yêu cầu đề.
Có thể nói, đề văn năm nay khá hay nhưng an toàn, mang tính nhân văn khi gắn với định hướng đạo đức lối sống (về tình yêu tiếng Việt, lối sống cởi mở hoà nhập, sống có dũng khí và khát khao hạnh phúc chân chính).
Trần Văn Đúng (Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1)
Vẫn theo lối cũ
Đây là một đề thi hay, giàu ý nghĩa, có tính phân hoá cao. Có thể thấy đây là một bước tiến rõ rệt so với đề thi năm trước. Tuy nghiên, với trình độ của một HS trung bình, chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp thì sẽ khá vất vả khi làm đề thi này. Cách hỏi trong câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học vẫn quen thuộc như xưa nay; chưa thấy được sự đổi mới, sáng tạo theo hướng tự do, cởi mở, phát huy cá tính sáng tạo của học sinh.
Thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)
|
Ngữ liệu trích dẫn bài thơ Tiếng Việt không sai Chiều 2.7, PV Thanh Niên nhận được phản ánh của một giáo viên cho rằng trích đoạn trong bài thơ Tiếng Việt của tác giả Lưu Quang Vũ được sử dụng trong đề thi môn ngữ văn năm nay là sai. Cụ thể, câu thơ trích dẫn trong đề thi là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” trong khi nguyên tác thì câu thơ này phải là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Tối cùng ngày, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 đã có văn bản gửi báo chí trả lời chính thức về thắc mắc trên. Văn bản viết: Trích đoạn thơ trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ được hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945 – 1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục – 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống). Nội dung trích dẫn: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ” (nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, sách đã dẫn). Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia khẳng định: “Trong quá trình biên soạn đề thi, hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi”. Trao đổi với PV, tối 2.7, PGS-TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học), em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, xác nhận trên thực tế song song tồn tại 2 văn bản thơ có những chữ khác nhau “như bùn” và “như đất cày”. Bà Lưu Khánh Thơ cho biết: “Khi in lần đầu tiên trên Báo Văn Nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành “như bùn”. Từ đó, trên nhiều sách báo đều sử dụng văn bản trên Báo Văn Nghệ. Cho đến khi làm tuyển thơ, gia đình căn cứ vào bản thảo viết tay của anh Vũ còn lưu giữ được, chúng tôi đã phục nguyên văn bản bài thơ theo đúng bản gốc”. PGS-TS Lưu Khánh Thơ còn cho biết thêm: Câu kết của bài thơ “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình” cũng được nhà thơ Phạm Tiến Duật biên tập thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”. Tuệ Nguyễn – Hiếu Trình |
Thanh Niên