EU trấn an về hợp tác với Việt Nam
Trưởng phái đoàn EU tại VN Bruno Angelet cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của việc Anh rút khỏi khối này lên quan hệ đầu tư, thương mại với VN.
EU trấn an về hợp tác với Việt Nam
Trưởng phái đoàn EU tại VN Bruno Angelet cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của việc Anh rút khỏi khối này lên quan hệ đầu tư, thương mại với VN.
Chiều 28.6, Phái đoàn EU tại VN tổ chức cuộc trao đổi với báo chí về những tác động của Brexit (thuật ngữ chỉ Anh rời EU) đối với quan hệ giữa khối này với VN. Đặc biệt liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do EU – VN (EVFTA) được ký kết tháng 12.2015, Đại sứ Bruno Angelet khẳng định việc chính thức phê duyệt vẫn đang trong lộ trình bình thường. “Hiện hai bên đang tiếp tục việc rà soát pháp lý, dịch thuật các văn kiện liên quan”, ông cho biết. Trong tuyên bố đưa ra hôm 27.6 về chính sách thương mại của EU, Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström cũng đã nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa liên minh với các đối tác then chốt sẽ tiếp tục. “Tiến trình FTA của EU với VN cũng như FTA của EU với các đối tác khác vẫn đang được thực hiện bình thường”, Đại sứ Angelet khẳng định.
Trả lời câu hỏi về khả năng Brexit sẽ kéo dài việc chính thức ký kết EVFTA, ông cho rằng cần phải có thêm các thông tin sắp tới từ phía chính phủ mới và nghị viện Anh cũng như kết quả cuộc họp thượng đỉnh EU đang diễn ra. “Những nhận định quá sớm thiếu cơ sở có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính… Chúng ta cũng cần thời gian để biết việc chính phủ Anh sẽ thực hiện thủ tục rời khỏi EU theo điều 50 Công ước Lisbon như thế nào”, đại diện EU thận trọng nhận định.
Theo Đại sứ Angelet, trong thời gian tới, Phái đoàn EU tại VN và Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp về mặt kỹ thuật để hoàn thành thủ tục phê chuẩn EVFTA như đã được thống nhất từ 2015. “Chúng tôi kỳ vọng việc ký kết chính thức sẽ diễn ra vào 2017 và hiệp định sẽ được đi vào thực hiện từ đầu 2018 như lộ trình đã đặt ra”, ông nói.
Đánh giá về dòng đầu tư, thương mại EU – VN thời gian tới, ông Angelet cho biết về đầu tư, EU hiện vẫn đứng thứ 3 trong các đối tác cam kết đầu tư vào VN. Về thương mại, VN hiện đứng vị trí số một trong ASEAN về xuất khẩu vào EU. “Các dòng đầu tư, thương mại EU – VN đang phát triển tích cực. Sự kiện Brexit chắc chắn gây ra những ảnh hưởng tới thị trường châu Á cũng như toàn cầu nhưng để đánh giá cụ thể cần có thêm thời gian”, ông nhận định.
Đại sứ Angelet cũng bày tỏ mong muốn EVFTA giữa EU và VN sẽ mang lại sự quan tâm lớn hơn của cộng đồng đầu tư, cộng đồng kinh doanh EU khi muốn làm ăn với VN. “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn đối với EU cho việc tiếp tục phát triển quan hệ đầu tư, thương mại với VN. Phái đoàn EU tại VN sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi nhiều hơn các đầu tư vào VN và chúng tôi kỳ vọng việc ký kết EVFTA sẽ được thực hiện thời gian tới”, ông nói.
Bài học cho ASEAN
Trong khi đó, giới quan sát khu vực cho rằng ASEAN cần rút ra những bài học sống còn cho riêng mình từ sự kiện Brexit để đảm bảo phát triển bền vững. Tờ The Nation ngày 28.6 dẫn lời cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Sathit Limpongpan cảnh báo Brexit là bài học đối với toàn bộ thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh hiệp hội đang nỗ lực khuếch trương phạm vi và tầm ảnh hưởng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
“Brexit cho chúng ta thấy những điểm thất bại của EU”, ông Sathit nói và nhận định thêm rằng vấn đề xuất hiện khi EU cố mở rộng nhất thể hoá khỏi phạm vi xây dựng thị trường chung và tìm cách hợp nhất các thành viên thành một thể chế chính trị duy nhất. Quyết định này là đầu mối thổi bùng bất đồng và va chạm. Đặc biệt trong các vấn đề chung ảnh hưởng đến toàn khối, chẳng hạn như khủng hoảng nhập cư và tiếp nhận người tị nạn, EU đã không tìm được tiếng nói chung. Lợi ích của một số thành viên không được quan tâm thỏa đáng và họ cảm thấy “bị ép phải hy sinh” trong khi một số khác cương quyết chống phá mọi đồng thuận.
Trong khi đó, các nhà phân tích chỉ ra rằng khác biệt giữa các thành viên ASEAN về hệ thống chính trị, mô hình xã hội, trình độ phát triển… còn lớn hơn giữa các nước EU. Vì thế, hiệp hội cần thận trọng, không nóng vội, tôn trọng khác biệt, quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của từng thành viên nhưng đồng thời không thể để mình bị biến thành “con tin” bởi sự chống phá của bất kỳ thành viên nào trong các vấn đề chung. Tổ chức không có ích cho thành viên thì thành viên không gắn bó sống chết. Thành viên chỉ coi trọng lợi ích riêng mà bất chấp hoặc thậm chí làm tổn hại đến tổ chức thì tương lai của tổ chức bị đe dọa.
Về cộng đồng kinh tế, bài xã luận đăng ngày 28.6 trên The Nation nhận định AEC cần tập trung vượt qua khoảng cách về phát triển giữa các thành viên, bảo đảm mang lại lợi ích và trách nhiệm bình đẳng cho tất cả, nhất là về lực lượng lao động, để tránh mất cân bằng, dẫn đến bất mãn. Một bài học cũng không kém quan trọng là tuyên truyền thông tin. Theo báo chí Anh, rất nhiều người sau khi bỏ phiếu ủng hộ rời EU đã thừa nhận không nắm rõ hoàn toàn vấn đề và thậm chí lượng tìm kiếm trên Google về EU tăng vọt tại nước này sau cuộc trưng cầu tuần trước. Vì thế, trang tin Global Indonesian Voice dẫn lời giới chuyên gia cho rằng ASEAN và các thành viên cần tăng cường quảng bá, tuyên truyền thông tin cho người dân về lợi ích, cơ hội và cả trách nhiệm với AEC để tránh rơi vào vết xe đổ.
London đòi thêm quyền tự trị sau Brexit
Thị trưởng London Sadiq Khan ngày 28.6 kêu gọi chính phủ tăng thêm quyền tự trị cho thủ đô nước Anh để có thể ứng phó các tác động của Brexit, theo Reuters.
Trong cuộc trưng cầu vừa qua, đa số cử tri ở London, một trong những thủ đô tài chính của thế giới, bỏ phiếu ở lại EU. “Nhân danh người dân London, tôi yêu cầu trao thêm quyền tự trị cho thủ đô ngay bây giờ”, Reuters dẫn lời ông Khan tuyên bố. Hiện Thị trưởng Khan đang tìm cách để chính quyền thủ đô có thể tự quyết định tăng thuế và củng cố quyền kiểm soát các lĩnh vực như kinh doanh, vận tải, nhà đất và quy hoạch, y tế và chính sách. Chính phủ Anh chưa có phản ứng về diễn biến mới.
Cùng ngày, chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ trình quốc hội phê duyệt khoản ngân sách bổ sung 8,44 tỉ USD nhằm đối phó nguy cơ rối loạn thị trường tài chính, xuất khẩu giảm sút… có thể liên quan đến Brexit.
“Tình trạng rối loạn trên các thị trường tài chính đang gia tăng sau Brexit. Bất ổn liên quan đến kinh tế Trung Quốc cùng những rủi ro địa chính trị từ CHDCND Triều Tiên đang gây sức ép lên nền kinh tế của chúng ta”, Reuters dẫn lời Tổng thống Park Geun-hye nhận định hôm qua.
Trùng Quang
|
Trường Sơn – Thuỵ Miên