24/12/2024

“Chạy nước rút” học ôn thi

Chỉ còn một tuần nữa để “nạp” kiến thức, tăng kỹ năng làm bài, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nên không khí ôn tập tại các trường THPT luôn ở trong tình trạng chạy nước rút.

 

“Chạy nước rút” học ôn thi

 

Chỉ còn một tuần nữa để “nạp” kiến thức, tăng kỹ năng làm bài, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nên không khí ôn tập tại các trường THPT luôn ở trong tình trạng chạy nước rút.

 

 

 

 

“Chạy nước rút” học ôn thi
Cô giáo dò bài đối với từng học sinh (ảnh chụp ngày 24-6 tại Trường THCS – THPT Thái Bình) – Ảnh: Nguyễn Nguyễn

 

 

Trong khi rất ít trường THPT công lập ở TP.HCM ôn thi đến hết ngày 28-6, tại các trường THPT tư thục, hầu hết sẽ cho học sinh ôn thi đến sát giờ G, sau đó các em được thầy cô dẫn đến các điểm thi.

Một cô “kèm” một trò

Không khí ôn thi tại các trường THPT tư thục luôn “nóng” nhưng không căng thẳng mà diễn ra bài bản, có kế hoạch.

9g sáng 24-6, 76 học sinh lớp 12 của Trường THCS – THPT Thái Bình đang ở trong năm phòng học có chung tầng. Trong đó chỉ có hai lớp học tập trung, ba lớp còn lại là nơi học sinh tự học hoặc một giáo viên kèm một, hai học sinh. Ở lớp học tập trung, ngoài giáo viên bộ môn sẽ có thêm giáo viên chủ nhiệm để quản lý lớp, xem sức khỏe và sự lĩnh hội kiến thức của mỗi em.

Lớp học môn toán có khoảng 30 học sinh, trên bảng năm em đang đứng giải bài. Bảng được chia theo dòng kẻ, học sinh phải ghi tên mình lên mỗi ô bảng khi đến lượt giải bài tập. Dưới lớp, các đề thi được mở ra và học sinh sẽ làm việc theo từng nhóm, cô giáo đi “dò bài” theo từng bàn, từng trường hợp học sinh.

Cùng chung một lớp nhưng không phải học sinh được “dò” bài như nhau. Những học sinh ôn thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT sẽ khác với học sinh ôn thi cho cả xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH, CĐ.

Ở một phòng học khác, một cô một trò đang ngồi đối diện nhau để ôn thi. Nam sinh này chọn thi môn lịch sử nên cô giáo đang yêu cầu học sinh nhắc lại các giai đoạn lịch sử theo gợi ý.

“Nam sinh này học rất tốt các môn tự nhiên nhưng hơi yếu môn xã hội, nhất là môn lịch sử và trường đã cử giáo viên để kèm cho em, với mục đích em… qua điểm liệt môn này” – cô Lê Thuý Hoà, hiệu trưởng Trường THCS – THPT Thái Bình, cho biết.

Cũng chọn xét tuyển ĐH, CĐ các môn tự nhiên, ở một phòng học khác sáu, bảy học sinh đang ngồi tự học môn văn. Mỗi học sinh một bàn, không nói chuyện và trao đổi, các nữ sinh ở đây đang cầm các đề văn và tập vở của mình để học.

“Ngày mai làm bài thi thử môn văn nên hôm nay em tự học môn này” – một nữ sinh chia sẻ.

Học kín ngày

Trao đổi với Tuổi Trẻ, không ít hiệu trưởng trường THPT tư thục thừa nhận “không thể không theo sát” học sinh cho đến hết những ngày thi THPT quốc gia. Một ngày học của học sinh ở những trường này thường có bốn ca: ca sáng bắt đầu từ 7g30-11g30, ca chiều từ 13g30-16g45, ca tối từ 18g-21g, sau đó là ca khuya từ 21g-22g45 dành cho những học sinh học hoặc làm chưa xong bài từ ca tối.

Đến giai đoạn này, lịch học của học sinh bán trú ở những trường THPT này cũng chuyển sang “bán nội trú”, cha mẹ chỉ đón con vào lúc 23g 
hằng ngày.

Ở các trường THPT tư thục, những ngày áp chót trước thi THPT, giáo viên chủ nhiệm, quản nhiệm, giám thị, cấp dưỡng, tạp vụ được huy động tối đa để phục vụ việc ôn tập, sinh hoạt cho học sinh.

“Trong mỗi phòng nội trú của học sinh luôn có một giáo viên ngủ cùng để quản lý giờ giấc và học tập của học sinh. Học sinh học nhiều nên ham ngủ lắm, buổi trưa được ngủ một giờ rưỡi nhưng nếu giáo viên không có mặt để đánh thức là các em ngủ quên luôn. Luôn luôn phải có giáo viên ngủ cùng phòng với các em là vì thế” – phó hiệu trưởng một trường THPT tư thục tại quận Tân Phú nói với Tuổi Trẻ.

Tuy học kín ngày nhưng ở các trường THPT tư thục học sinh được bố trí đi ngủ sớm và phải ngủ trưa, lại được ăn theo thực đơn “tự chọn”. “Những tháng ôn thi THPT quốc gia học sinh được nêu thực đơn với nhà bếp. Những món các em thích ăn sẽ giúp các em có tinh thần hơn trong học tập, thi cử nên nhà trường nói bên cấp dưỡng phục vụ tối đa” – hiệu trưởng một trường THPT tư thục cho biết.

Công lập “tự bơi”

Trong khi đó, học sinh tại các trường THPT công lập thường phải “tự bơi” cả trong việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng làm bài và… đi lại. Đó có thể là nguyên nhân khiến việc học sinh lớp 12 đăng ký ôn thi ở một số trường THPT công lập như tại quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Q.3 (TP.HCM)… mà chúng tôi khảo sát có lượng học sinh đăng ký ôn thi ít.

“Tại trường chúng tôi chỉ có khoảng 50 học sinh học ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia” – một hiệu trưởng trường THPT công lập nói.

Còn N.N., học sinh lớp 12 Trường THPT Gò Vấp, cho biết từ đầu tháng 6 đến nay, mỗi tuần N.N. chỉ có bốn buổi ở trường (mỗi buổi học một môn), học buổi sáng từ 7g30-11g30 nhưng sau đó trưa và tối “em học luyện thi nơi khác” vì “em phải học thêm ở ngoài do thấy mình chưa đủ kiến thức và kỹ năng để làm bài”.

Những ngày áp chót, học sinh lớp 12 các trường THPT công lập không mặn mà ôn tập ở trường mình mà đến các trung tâm luyện thi trong các trường chuyên để học.

“Em đăng ký học ở đây từ đầu năm, tối nào cũng đi học, học ở đây có đến cả trăm bạn nhưng được cái thầy hay mà học kỹ, thầy hướng dẫn cả kỹ năng làm bài nên em thích học ở đây hơn” – học sinh tên Châu, ở một trường THPT công lập khác đến học tại trung tâm luyện thi ĐH, CĐ nằm trong Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, nói với Tuổi Trẻ.

MỸ DUNG ([email protected])