‘Bom Brexit’ chao đảo thị trường tài chính
Quyết định rời EU của Anh hôm qua (24.6) như quả bom nguyên tử kích hoạt thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Tại VN, giá vàng có thời điểm “điên loạn” lao lên 36 triệu đồng/lượng, còn thị trường chứng khoán rực lửa…
‘Bom Brexit’ chao đảo thị trường tài chính
Quyết định rời EU của Anh hôm qua (24.6) như quả bom nguyên tử kích hoạt thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Tại VN, giá vàng có thời điểm “điên loạn” lao lên 36 triệu đồng/lượng, còn thị trường chứng khoán rực lửa…
Mở cửa phiên giao dịch sáng 24.6 trên thị trường châu Âu (đầu giờ chiều 24.6 giờ VN), bảng Anh (GBP) đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, còn chưa đầy 1,35 USD đổi 1 GBP. Đây là mức giảm chưa từng có trong lịch sử của đồng tiền này, hơn cả thời điểm đen tối khi Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.
Ngay sau khi Brexit được công bố, gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán (TTCK) trên toàn cầu đều lao dốc. TTCK Nhật thậm chí phải tạm đóng cửa sau khi chỉ số Nikkei có lúc giảm hơn 8%, mức giảm tồi tệ nhất trong 5 năm trở lại đây. Sàn Thượng Hải cũng đã có động thái tương tự. FTSE100 của Anh giảm hơn 5%.
Vàng tăng vọt, chứng khoán mất 3,5 tỉ USD
Diễn biến TTCK VN cũng không ngoại lệ khi cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đều rực lửa. Có thời điểm VN-Index mất hơn 34 điểm (-5,4%) khiến vốn hoá thị trường bốc hơi 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy mạnh ở phiên chiều đã phần nào cứu vãn được một ngày thảm hoạ. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 11,5 điểm (1,82%) xuống 620,77 điểm; Hnx-Index giảm 1,71 điểm (2%) xuống 83,62 điểm.
|
Trong khi đó, cơn bão Brexit đã quét qua thị trường vàng kể từ trưa 24.6. Giá vàng thế giới tăng mạnh lên 1.331 USD/ounce, hơn 66 USD/ounce so với giá chiều ngày 23.6. Giá vàng SJC tăng mạnh 1,78 triệu đồng/lượng so với giá đầu ngày, giá mua – giá bán vàng miếng SJC đạt mức cao nhất 35,5 – 35,9 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất kể từ 10 tháng trở lại đây. Các đơn vị kinh doanh vàng trong nước liên tục điều chỉnh giá. Eximbank điều chỉnh khoảng 170 lần giá vàng trong ngày 24.6, gấp 3,7 lần so với ngày trước đó. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)… không thể thống kê được số lần điều chỉnh giá bởi giá liên tục thay đổi, nhất là vào khoảng 11 giờ trưa trở đi.
Đến cuối ngày 24.6, cơn biến động của giá vàng dịu lại khi giá vàng miếng SJC giảm về 34,6 – 35,1 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với ngày 23.6. Giá vàng thế giới ở mức 1.316 USD/ounce, tăng 50 USD/ounce so với ngày 23.6. Giá vàng miếng SJC thấp hơn giá thế giới 400.000 đồng/lượng.
Bà Trần Như My – Giám đốc kinh doanh vàng Tập đoàn Doji – cho rằng: “Sự biến động hỗn loạn của giá vàng trong ngày 24.6 chỉ kích thích những giao dịch nhỏ lẻ, còn các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu thực hiện điều chỉnh giá và biên độ cho phù hợp chứ ít giao dịch lẫn nhau”.
Đại diện Công ty SJC cho biết từ khi Ngân hàng Nhà nước cấm các đơn vị kinh doanh vàng vay vốn, các công ty vàng cũng không có đủ năng lực tài chính để bỏ ra toàn bộ vốn mua vàng. Hơn nữa, khi giá vàng biến động mạnh, doanh nghiệp phải có đầu ra thì mới dám mua vàng vào. Đó là lý do vì sao các đơn vị luôn “đè” giá để tránh rủi ro.
Xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh
Trả lời Thanh Niên, TS Cấn Văn Lực (BIDV) cho biết tác động mạnh nhất trong ngắn hạn đối với VN là TTCK và vàng. Cả ngày hôm qua vốn hóa thị trường chứng khoán mất hơn 70.000 tỉ đồng, còn vàng tăng khoảng 10%. Tỷ giá VND/USD tăng nhẹ do đồng GBP, đồng euro bị mất giá. “Trước mắt, tỷ giá chưa chịu tác động mạnh, nhưng vấn đề tâm lý cũng rất đáng ngại nếu chúng ta không chủ động đối phó. Ngoài ra, tới đây rất có thể nhân dân tệ sẽ giảm giá, gây áp lực lớn”, ông Lực bình luận.
Điều mà ông Lực lo ngại nhất là tác động tới thương mại, đầu tư, du lịch. Hiện nay, VN xuất khẩu sang EU khoảng 4,6 tỉ USD, nhập 800 triệu USD, thặng dư thương mại khoảng 3,8 tỉ USD. Sau Brexit, nền kinh tế của cả Anh và EU sẽ gặp khó khăn, nhu cầu về hàng hoá, thiết bị giảm đi một phần; GBP và euro mất giá khiến xuất khẩu của VN vào hai thị trường này sụt giảm; đặc biệt các mặt hàng dệt may, da giày… “Anh đầu tư FDI vào VN đứng thứ 15 thế giới, khoảng hơn 4 tỉ USD tổng vốn đăng ký. VN đầu tư sang Anh khoảng 2 tỉ USD vốn lũy kế. Quyết định này sẽ khiến đầu tư FDI vào Anh giảm đi”, ông Lực bình luận.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân phân tích thêm, khu vực châu Âu chiếm khoảng 20% GDP toàn thế giới. Quyết định này sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Đối với VN, tác động về tiền tệ, đầu tư có thể có độ trễ nhưng có thể thấy được ngay là xuất khẩu gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết với EU nhưng từ nay hàng hoá vào Anh sẽ khác với vào EU và những điều khoản đã ký kết cũng khác đi. “Đối với tỷ giá, hiện nay dự trữ ngoại hối lớn, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ chặt chẽ chúng ta có thể giữ được. Nhưng cần phải có sự chủ động, không nên để có biến động mạnh trên thị trường”, ông Ngân khuyến nghị.
Báo cáo của Công ty chứng khoán Vietcombank cũng cho rằng euro, GBP mất giá sẽ tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hoá vào EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện Brexit kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hoá, qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay VN… “Yếu tố này có thể dẫn tới thêm nhiều động thái hạ giá nhân dân tệ từ phía Trung Quốc nhằm hỗ trợ xuất khẩu, giống như giai đoạn tháng 8.2015 khi hoạt động xuất nhập khẩu của nước này liên tục suy giảm”, báo cáo đánh giá.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có các khoản vay, các khoản tài trợ bằng đồng euro sẽ hưởng lợi thế nhất định trong các giao dịch từ sự kiện này. Tuy nhiên, cơ cấu các loại ngoại tệ và thời gian đáo hạn của các khoản nợ sẽ góp phần tạo ra các tác động với mức độ khác nhau ở từng doanh nghiệp.
Cùng ngày, các ngân hàng thương mại trong nước liên tục thay đổi giá GBP theo xu hướng giảm mạnh từ 571 – 3.300 đồng/GBP. Tại Eximbank, vào đầu ngày niêm yết ở mức 32.289 – 32.683 đồng/GBP lao xuống 29.394 – 29.926 đồng/GBP. Đến cuối ngày, bảng Anh hồi phục lên mức 30.587 – 31.142 đồng/GBP. Trong khi đó, giá USD của các ngân hàng tăng nhẹ 20 – 25 đồng/USD so với 23.6. Giá mua – giá bán USD tại Eximbank lên 22.270 – 22.370 đồng/USD; Vietcombank lên 22.295 – 22.365 đồng/USD…
|
Anh Vũ – Thanh Xuân