Dư luận lên án Triều Tiên thử tên lửa: Trơ tráo, vô trách nhiệm
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói như vậy tại cuộc họp ngày 22-6, sau vụ phóng thử hai quả tên lửa tầm trung của Triều Tiên.
Dư luận lên án Triều Tiên thử tên lửa: Trơ tráo, vô trách nhiệm
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói như vậy tại cuộc họp ngày 22-6, sau vụ phóng thử hai quả tên lửa tầm trung của Triều Tiên.
Bức ảnh tư liệu cho thấy nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đang thị sát một vụ phóng tên lửa đạn đạo của nước này tại một vị trí không xác định – Ảnh: Reuters |
Chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Chúng tôi ủng hộ một phản ứng nhanh chóng và cứng rắn từ Hội đồng Bảo an |
Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ FranÇois Delattre |
“Các vụ phóng tên lửa đi ngược lại ý chí chung của cộng đồng thế giới, là hành vi trơ tráo và vô trách nhiệm” – người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói.
Cuộc họp do Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản. Ngay trước thềm cuộc họp, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon lên án gay gắt CHDCND Triều Tiên về động thái cố tình vi phạm các lệnh cấm vũ khí hạt nhân của LHQ và bất chấp các lệnh trừng phạt liên quan mà LHQ đã áp đặt với nước này thời gian qua.
Triều Tiên bị LHQ áp các lệnh trừng phạt kể từ năm 2006. Tháng 3 năm nay, Hội đồng Bảo an cũng đã siết thêm các lệnh trừng phạt mới với quốc gia này.
Đe dọa căn cứ quân sự Mỹ
Người phát ngôn của ông Ban Ki Moon, ông Farhan Haq nói: “Việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo sẽ chỉ gây tổn hại cho nền an ninh nước này và khiến họ không thể cải thiện đời sống của người dân trong nước”.
Ông Haq cũng nói thêm là các vụ phóng tên lửa “đã đi ngược lại với ý chí chung của cộng đồng thế giới, là một hành vi trơ tráo và vô trách nhiệm”.
Đại sứ Pháp tại LHQ và cũng là chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ François Delattre cho rằng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “sự vi phạm không thể chấp nhận” lệnh cấm của LHQ.
Ông Delattre nói: “Chúng tôi muốn Hội đồng Bảo an có phản ứng nhanh và kiên quyết về vấn đề này. Chúng tôi hi vọng sẽ ra được một tuyên bố về việc đó”.
Trong khi đó, ngày 23-6, Hãng thông tấn nhà nước KCNA của CHDCND Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố vụ phóng thử tên lửa tầm trung cho thấy Triều Tiên đã có đủ năng lực tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Trước đó, sau khi đích thân thị sát vụ bắn thử tên lửa Musudan, ông Kim nói đó là một “sự kiện to lớn” khẳng định dấu mốc đáng kể về năng lực tấn công phủ đầu bằng hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Kim nói: “Chúng ta đã có năng lực vững chắc để có thể tấn công một cách tổng thể và thực tiễn vào quân đội Mỹ tại trung tâm tác chiến ở Thái Bình Dương”.
Theo AFP, tên lửa Musudan, còn được gọi là tên lửa Hwasong-10, về lý thuyết có tầm bay khoảng 2.500 – 4.000km.
Với tầm bay đó, phạm vi tấn công mà tên lửa này có thể chạm tới là toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam.
Không thể dung thứ
Mỹ, NATO, Nhật và Hàn Quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an khi tuyên bố sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Melissa Hanham về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California cho biết các vụ phóng hôm 22-6 là một bước tiến đáng lo ngại.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng các vụ phóng thử tên lửa mới nhất sẽ chỉ góp phần thúc đẩy hơn nữa nỗ lực toàn cầu chống lại chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp của CHDCND Triều Tiên.
“Chúng tôi dự tính sẽ nêu ra những quan ngại của mình tại LHQ để củng cố hơn nữa sự kiên quyết của quốc tế trong việc bắt Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho những hành động khiêu khích này” – ông Kirby tuyên bố.
Đài truyền hình NHK của Nhật trích dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết những cuộc thử nghiệm như thế là “không thể dung thứ”.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cảnh báo Triều Tiên thậm chí sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa, và cho rằng các vụ phóng thử tên lửa chỉ làm rõ thêm “thói đạo đức giả và sự lừa dối” trong các đề nghị đàm phán quân sự của Bình Nhưỡng với Seoul.
Trong khi đó, Trung Quốc – đồng minh của Triều Tiên – cảnh báo sẽ chống lại “bất kỳ hành động nào gây leo thang căng thẳng” và kêu gọi nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Kỹ sư hàng không vũ trụ Đức Markus Schiller, người từng viết nhiều báo cáo về chương trình tên lửa của Triều Tiên, cho rằng rất nhiều thông tin về tên lửa Musudan của họ chỉ là lý thuyết và không nên vội vã đưa ra bất cứ kết luận nào về vụ thử tên lửa hôm 22-6. “Chúng ta thậm chí không biết có gì bên trong những tên lửa Musudan đã phóng đi” – ông Schiller nói. |