26/12/2024

Đào tạo ứng dụng đáp ứng thị trường lao động

Chủ trương của Chính phủ là đến năm 2020, khoảng 70 – 80% sinh viên theo học các chương trình đào tạo có tính ứng dụng.

 

Đào tạo ứng dụng đáp ứng thị trường lao động

Chủ trương của Chính phủ là đến năm 2020, khoảng 70 – 80% sinh viên theo học các chương trình đào tạo có tính ứng dụng.




Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM là một trong các trường tham gia dự án
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM là một trong các trường tham gia dự ánẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Từ năm 2005, dự án Giáo dục ĐH VN – Hà Lan (POHE) do Hà Lan tài trợ đào tạo theo hướng ứng dụng đã triển khai tại 8 trường ĐH: Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Kinh tế quốc dân, Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên), Nông Lâm (ĐH Huế), Nông Lâm (TP.HCM), Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Học viện Nông nghiệp VN và ĐH Vinh.
Các trường tham gia dự án xây dựng và triển khai 10 chương trình đào tạo ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng cho các ngành đào tạo trong các lĩnh vực du lịch và khách sạn, sư phạm, nông lâm, xây dựng, điện tử và công nghệ thông tin. POHE hỗ trợ kỹ thuật cho các trường trong dự án với tinh thần coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH và là căn cứ để định hướng phát triển các trường.
Gắn kết với doanh nghiệp để thiết kế chương trình
 
 
Gần 80% sinh viên có việc làm
Theo báo cáo của POHE, tỷ lệ sinh viên tham gia POHE ra trường có việc làm gần 80%. Đặc biệt thời gian tìm được việc làm đầu tiên sau khi tốt nghiệp ngắn hơn, chứng tỏ khả năng làm việc của sinh viên POHE ngày càng tiến sát đến yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động và sinh viên nhanh chóng thích ứng với yêu cầu của công việc. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng nhận xét: “Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là thông số quan trọng đánh giá sự thành công của chương trình đào tạo và đó cũng là một thông số quan trọng trong kiểm định chất lượng, xếp hạng ĐH”.   

 

Để thực hiện dự án, các trường phải ưu tiên đào tạo theo định hướng ứng dụng nhằm cung cấp cho thị trường lao động những sinh viên có kiến thức sâu rộng, kỹ năng nghề nghiệp thành thạo và thái độ nghề đúng đắn. “Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến những bước phát triển khá dài của giáo dục ĐH VN. Từ chỗ các trường luôn dạy những gì mình có, chủ yếu là lý thuyết, hàn lâm, khảo cứu tài liệu để xây dựng chương trình; đánh giá người học chủ yếu thông qua khả năng tiếp thu kiến thức từ sách vở…, thì đến nay nhiều trường đã gắn kết với khu vực doanh nghiệp để phát triển chương trình, xác định chuẩn đầu ra theo yêu cầu của thị trường lao động, đánh giá kết quả học tập theo chuẩn năng lực người học và theo yêu cầu của vị trí việc làm…”, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nhận xét.

Tư duy đổi mới trong việc thực hiện dự án POHE còn thể hiện ở chỗ xem gắn kết với khu vực doanh nghiệp là một nhiệm vụ đào tạo chứ không chỉ là một hoạt động mang tính cá nhân tuỳ thuộc vào mức độ “quảng giao” của họ như trước đây.
Mạnh dạn bỏ các môn học thừa
Tại hội nghị tổng kết POHE diễn ra ngày hôm qua (23.6) ở Hà Nội, đại diện Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) cho biết từ năm 2013 trường đã phải điều chỉnh chương trình một số ngành học, bỏ không thương tiếc một số tín chỉ được cho là thừa để có chỗ bổ sung thêm một số môn học chuyên ngành giúp sinh viên khả năng đáp ứng cho công việc sau này. Chẳng hạn với ngành nông học, trường đã giảm được 6 tín chỉ cơ bản (toán cao cấp, vật lý, sinh học phân tử), tăng 8 tín chỉ kiến thức chuyên ngành, tăng thời lượng một số môn cơ sở ngành. Ngoài ra, trường còn bổ sung một số môn học phù hợp với thị trường lao động như quan hệ công chúng, kinh tế nông hộ và trang trại. Thời gian thực tập nghề nghiệp cũng tăng lên, thay đổi nội dung tất cả các môn thực hành nghề nghiệp.
Mặc dù việc điều chỉnh chương trình căn cứ vào kết quả điều tra thị trường việc làm nhưng quá trình xây dựng chương trình vẫn có nhiều trở ngại. “Các khoa chuyên môn có xu hướng giảm thời lượng môn cơ bản, còn lãnh đạo nhà trường lại có chủ trương không được thay đổi kiến thức cơ bản vì đây là khối kiến thức giúp tư duy”, điều phối viên chương trình POHE một trường ĐH cho biết.
Gặp khó từ… doanh nghiệp và tâm lý bằng cấp
Tuy nhiên, theo các trường tham gia dự án thì vấn đề hợp tác, lôi kéo doanh nghiệp tham gia đào tạo vẫn là khó khăn lớn nhất đảm bảo sự bền vững cho dự án POHE.
Một đại diện Học viện Nông nghiệp VN cho biết ngành thú y đã phải xin dừng dự án POHE vì gặp vướng mắc trong vấn đề này. “Khoa thú y khó thoả hiệp với các cơ quan/doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo thông qua hình thức tham quan, kiến tập, thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp tại cơ sở vì lý do bảo mật công nghệ và vấn đề vệ sinh vô trùng”, vị đại diện này giải thích.
Ở nhiều ngành khác, doanh nghiệp cũng lấy cớ “đặc thù” để nói không với sinh viên thực tập. “Đưa sinh viên ngành quản lý đất đai đến cơ quan nhà nước không dễ dàng. Ngành môi trường là lĩnh vực nhạy cảm nên đưa sinh viên đến thực tập cũng không dễ”, đại diện một trường ĐH khối nông lâm bày tỏ.
Vấn đề văn bằng chương trình POHE cũng là một khó khăn được nêu ra trong hội nghị. Nhận thức về tính ứng dụng ngay trong trường ĐH hiện nay còn chưa đúng khi có ý kiến cho rằng đây là chương trình thực hành nên trình độ kém hơn chương trình cũ. “Bằng của chương trình truyền thống và POHE khác nhau thế nào? Ghi chữ POHE nhà tuyển dụng có biết không? Có tuyển không vì bằng POHE nghĩa là bằng kỹ sư thực hành? Liệu xã hội có ghi nhận khi cho rằng ĐH ứng dụng mang tính học nghề và nhiều người thích ĐH “chính quy” hơn ?”, đại diện Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ.

 

Quý Hiên