Quan chức cấp cao ngoại giao Mỹ: Trung Quốc khiêu khích
Mỹ đang thể hiện mạnh mẽ hơn để khẳng định cam kết về an ninh với các đồng minh, đặc biệt ở các khu vực có dấu hiệu tranh chấp căng thẳng.
QUAN CHỨC CẤP CAO NGOẠI GIAO MỸ:
Quan chức cấp cao ngoại giao Mỹ: Trung Quốc khiêu khích
Mỹ đang thể hiện mạnh mẽ hơn để khẳng định cam kết về an ninh với các đồng minh, đặc biệt ở các khu vực có dấu hiệu tranh chấp căng thẳng.
Hai tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis (trái) và USS Ronald Reagan (phải) phối hợp tập trận quy mô cùng binh sĩ Philippines từ ngày 18-6 – Ảnh: Reuters |
“Việc tuân thủ pháp luật quốc tế và thực thi phán quyết, dù có muốn hay không, chỉ có lợi cho tất cả các bên. Trung Quốc không nên có các hành động khiêu khích hay đi ngược với phán quyết vì lợi ích của chính họ. Các hành động khiêu khích chẳng có lợi cho bên nào cả |
Quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ |
“Trung Quốc không nên có các hành động khiêu khích hay đi ngược với phán quyết của Toà trọng tài vì lợi ích của chính họ”. Đó là khẳng định của một nữ quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên khu vực Đông Nam Á, trong đó có báo Tuổi Trẻ, vào sáng 22-6.
Trung Quốc theo dõi tàu Mỹ
Buổi trao đổi xoay quanh phán quyết sắp công bố của Toà trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, với mối quan tâm chính của Mỹ là các bên liên quan sẽ hành xử thế nào sau phán quyết.
Là một trong những người đặt câu hỏi đầu tiên, phóng viên của tờ Nhật báo Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho rằng có phải Mỹ muốn gửi thông điệp “dằn mặt” Bắc Kinh bằng việc đưa hai tàu sân bay tham gia diễn tập quân sự tại Biển Đông hồi cuối tuần trước, gần thời điểm phán quyết của PCA sắp được đưa ra.
Nhà báo này có thể phải bẽ mặt khi quan chức Mỹ trả lời rằng đúng là Mỹ đã đưa hai tàu sân bay đến Đông Á, nhưng “cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển Philippines chứ không phải Biển Đông”. Quan chức cấp cao này cho rằng việc hai tàu sân bay cùng tham gia tập trận trong khu vực chỉ nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải, cũng như thực thi vai trò ổn định tình hình khu vực của Mỹ mà thôi.
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington hôm 20-6, đô đốc John Richardson, chỉ huy Các chiến dịch hải quân Mỹ, khẳng định việc triển khai một lúc hai tàu sân bay không có gì khác thường, vì Mỹ cũng đang triển khai như thế ở Địa Trung Hải khi nhận thấy có dấu hiệu gia tăng hoạt động hải quân của Nga ở khu vực này.
“Việc triển khai như thế là tín hiệu của chúng ta đối với mọi đối tác mà chúng ta đã cam kết trong khu vực. Chúng ta sẽ có mặt vì các đồng minh của chúng ta, để trấn an các đồng minh của chúng ta và gửi thông điệp đến bất kỳ ai muốn gây bất ổn trong khu vực. Và chúng ta tin rằng cách gửi đi thông điệp răn đe đó sẽ tốt” – đô đốc Richardson giải thích với các học giả Mỹ.
Thực tế là Mỹ liên tục tập trận cùng nhiều nước trong các vùng biển gần Biển Đông và trong những đợt gần đây, Trung Quốc thường cử tàu theo dõi kiểu bám đuôi tàu Mỹ một cách công khai.
Sau khi phóng viên báo Republic Daily (Indonesia) đề cập đến sự kiện Indonesia vừa bắn cảnh cáo và bắt giữ tàu cá Trung Quốc vì xâm phạm vùng biển nước này ngoài khơi quần đảo Natuna, đại diện từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang có xu hướng rất khó chịu là cho tàu hải cảnh theo hộ tống các tàu đánh cá tại những khu vực tranh chấp (thậm chí đã có hành động can thiệp giải vây như trong vụ bị phía Indonesia bắt giữ). “Hành động này có vẻ như là lời khẳng định cho các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc và xu hướng này cũng đáng lo, vì cho thấy khả năng Trung Quốc có các hành động khiêu khích hay có tiềm năng gây bất ổn cho khu vực” – vị này nhấn mạnh.
Nên tôn trọng PCA
Với câu hỏi của một nhà báo Philippines rằng liệu Mỹ, với tư cách đồng minh của Philippines, dự định thực thi phán quyết của PCA thế nào, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói dù chưa thể bình luận cụ thể vì chưa rõ nội dung phán quyết sẽ ra sao, nhưng “để thực thi các cam kết trong công ước chung về quốc phòng với Philippines, Mỹ sẽ làm việc với tất cả các đối tác trong khu vực để phân tích phán quyết và có cách phản ứng phù hợp với các diễn biến tiếp theo”. Vị này cũng bày tỏ mong đợi các bên, nhất là hai bên liên quan trực tiếp trong vụ kiện, nên tuân thủ phán quyết của PCA cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Phóng viên Hãng tin AP đóng tại Manila băn khoăn về việc PCA không có quyền buộc các bên phải thực thi phán quyết của toà. Đáp lại, quan chức Mỹ bày tỏ hi vọng các bên tuyên bố chủ quyền có thể xem phán quyết của PCA như bước ngoặt để chuyển sang đối thoại, cùng tìm hiểu nội dung phán quyết đó cũng như cách mỗi bên nên hành xử sau phán quyết. Vị này cũng mong đợi phán quyết của PCA sẽ giúp dẫn đến các thảo luận ngoại giao hoà bình, tránh xung đột và đối đầu.
Kết thúc buổi trao đổi, quan chức Mỹ nhấn mạnh do lẽ Trung Quốc chắc chắn không công nhận phán quyết của PCA, Washington đang tập trung theo dõi liệu Bắc Kinh có động thái nào đi ngược với luật pháp quốc tế cũng như phán quyết đó không.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc Trung Quốc phát tờ rơi với nhiều thông tin sai lệch ở Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 tại Singapore vừa qua hoặc tuyên bố được nhiều nước ủng hộ, mà thực tế là các nước hoàn toàn không liên quan ở tận châu Phi, quan chức Mỹ cho rằng thật khó biết Trung Quốc đã hứa hẹn gì với các quốc gia đó để giành lấy sự ủng hộ của họ. Quan chức này nói thêm không như Trung Quốc luôn phản đối, PCA hoàn toàn có quyền tài phán về tranh chấp Biển Đông trong vụ kiện do Philippines khởi xướng. |