26/12/2024

Tốn đống tiền chưa vay được vốn

Gần hai năm ngược xuôi, tốn hơn nửa tỉ đồng làm thủ tục theo yêu cầu của ngân hàng, nhưng cuối cùng ngư dân lại bị Vietcombank Quảng Ngãi từ chối cho vay đóng tàu vỏ thép với lý do dự án không khả thi, nhiều rủi ro.

 

Tốn đống tiền chưa vay được vốn

 

Gần hai năm ngược xuôi, tốn hơn nửa tỉ đồng làm thủ tục theo yêu cầu của ngân hàng, nhưng cuối cùng ngư dân lại bị Vietcombank Quảng Ngãi từ chối cho vay đóng tàu vỏ thép với lý do dự án không khả thi, nhiều rủi ro.

 

 

 

 

Tốn đống tiền chưa vay được vốn
Hai ngư dân trình bày về hành trình gần hai năm làm thủ tục vay vốn theo nghị định 67 nhưng không được – Ảnh: Trần Mai

 

 

Trong khi ngư dân bức xúc cho rằng bị làm khó vì không chọn cơ sở đóng tàu như phía ngân hàng yêu cầu, phía ngân hàng cho rằng chỉ chọn nhà máy đóng tàu mà ngân hàng “có niềm tin” chứ không làm khó.

“Chi phí thiết kế, hồ sơ thẩm định giá và đi lại tìm hiểu các cơ sở đóng tàu khiến chúng tôi tốn kém hơn 500 triệu đồng. Ngư dân chúng tôi cả đời sống nhờ nghề biển, nếu thua lỗ từ biển thì sẽ lấy lại từ biển. Nhưng nếu mất tiền theo đuổi chương trình cho vay hỗ trợ đóng tàu của nghị định 67 nhưng bị ngân hàng từ chối thì chẳng biết lấy lại từ đâu

Ngư dân 
Nguyễn Anh Tuấn

Tốn tiền và mệt mỏi

Sau khi được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đơn xin vay vốn đóng tàu vỏ thép theo nghị định 67, ngư dân Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, xã Nghĩa An) và Phạm Văn Cu (48 tuổi, xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) đã bỏ tiền đi nhiều cơ sở đóng tàu tìm kiếm đơn vị có giá thành và năng lực tốt nhất để đóng tàu. Cuối cùng cả hai chọn Công ty tàu thuỷ Đức Việt (Nam Định) với giá thành gần 14,5 tỉ đồng, bao gồm cả ngư cụ.

“Tôi bỏ hơn 300 triệu đồng để phê duyệt thiết kế và cho cơ sở đóng tàu thủy Đức Việt mua sắt thép vào ngày 22-8-2015. Đến ngày 22-10-2015, sau khi được Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và dịch vụ hàng hải (Tổng cục Thuỷ sản) hoàn thành phê duyệt giấy chứng nhận với đầy đủ công suất, kích thước…, tôi đã trình Vietcombank Quảng Ngãi để hoàn tất thủ tục như yêu cầu.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với tôi và Công ty đóng tàu Đức Việt, ngân hàng cho rằng giá thành ở cơ sở này cao hơn so với Công ty TNHH đóng tàu Bạch Đằng nên không đồng ý” – ông Tuấn nói.

Đầu tháng 11-2015, sau một thời gian tìm hiểu, hai ngư dân chọn Công ty TNHH đóng tàu thủy MTV Nha Trang với giá dự toán 15,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, một lần nữa ngân hàng này lại từ chối với lý do công ty này đóng tàu cá không hiệu quả, đồng thời tiếp tục đề nghị ra Công ty Bạch Đằng khảo sát. Do giá thành đóng tàu ở cơ sở này cao hơn nên hai ngư dân từ chối và chọn Công ty đóng tàu thuỷ Dung Quất (Quảng Ngãi) với giá dự toán 15 tỉ đồng.

Sau khi làm việc giữa các bên (cơ sở đóng tàu, cơ sở ngư cụ, chủ tàu, Cơ quan thẩm định giá miền Nam), Vietcombank Quảng Ngãi chấp thuận cho hai ngư dân đóng tàu tại cơ sở Dung Quất, đồng thời đề nghị nộp đầy đủ các thủ tục, tiền đối ứng 5% giá trị con tàu (760 triệu đồng) và một số giấy tờ kèm theo. Thế nhưng đến ngày 20-4-2016, ngân hàng này đưa một dự toán của Công ty đóng tàu Bạch Đằng với giá 16,5 tỉ đồng rồi yêu cầu ngư dân phải đóng tàu với giá này!

Do thấy giá cao quá, ông Tuấn và ông Cu không chịu. Đầu tháng 5-2016, hai ngư dân này đến ngân hàng để hỏi cho “ra lẽ” và được ông Nguyễn Hồng Chung, phó giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi, thông báo rằng “cho vay theo nghị định 67, ngân hàng sẽ bị lỗ.

Hơn nữa, những con tàu vỏ thép đang vận hành chưa đạt hiệu quả, đợi ngân hàng gửi công văn xin thêm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước. Khi nào được sự chấp nhận, ngân hàng sẽ ký hợp đồng ngay!”.

Quá sốt ruột, hai ngư dân đã gửi đơn nhờ UBND tỉnh Quảng Ngãi can thiệp. Thế nhưng sau buổi làm việc giữa UBND tỉnh và các ban ngành với Vietcombank Quảng Ngãi, ngân hàng này tuyên bố không cho vay vì… sợ rủi ro, đồng thời trả lại hồ sơ.

“Nếu sợ rủi ro hoặc sợ bị lỗ khi cho vay theo nghị định 67 thì phải báo lại từ đầu để chúng tôi tìm đến ngân hàng khác, sao lại bắt chúng tôi chạy tới chạy lui, vừa tốn tiền vừa mất thời gian?” – ông Tuấn bức xúc.

Tốn đống tiền chưa vay được vốn
Chưa kể chi phí đi lại, riêng chi phí thiết kế tàu đã lên đến 300 triệu đồng nhưng ngư dân không vay được vốn – Ảnh: Trần Mai

Không gây khó?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Chung cho rằng việc chọn Công ty đóng tàu Bạch Đằng vì đơn vị này có truyền thống đóng tàu từ năm 1968, đóng tàu rất nhanh nên phía ngân hàng có niềm tin, chứ ngân hàng không gây khó dễ ngư dân.

“Ông Phạm Trường Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã trực tiếp giới thiệu cho ngư dân đóng tàu ở đơn vị này. Ngân hàng cũng trực tiếp tham gia nên biết được năng lực và khuyên ngư dân đóng chứ không có việc làm khó dễ” – ông Chung nói.

Thế nhưng giải thích lý do từ chối cho ông Tuấn và ông Cu vay vốn đóng tàu, ông Chung lại cho rằng việc cho vay đóng tàu vỏ thép theo nghị định 67 của hai ngư dân này “tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Theo ông Chung, hai ngư dân này chưa có kinh nghiệm hành nghề lưới rê nên tính khả thi của việc thực hiện dự án đóng tàu không đảm bảo, rủi ro cho khách hàng và ngân hàng là rất cao bởi dự án không đảm bảo khả năng trả nợ vay ngân hàng.

Dẫn trường hợp tàu cá của ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) được ngân hàng này cho vay đóng mới và đưa vào hoạt động đầu tiên nhưng cả bốn chuyến biển đều gặp khó khăn, phía ngân hàng tính toán một phiên biển phải được 600 triệu đồng mới hoàn vốn nhưng thực tế đánh bắt chỉ được 50-60 triệu đồng, không đủ phí tổn chứ chưa nói đến trả nợ vay ngân hàng (theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị đóng tàu cho ngư dân Võ Văn Hân cũng chính là Công ty đóng tàu Bạch Đằng, đơn vị mà ông Chung cho rằng phía ngân hàng “có niềm tin”).

“Ông Hân là người dày dạn kinh nghiệm đi biển mà đến bây giờ phải “ôm đòn”. Với mức đầu tư bây giờ còn cao hơn cả ông Hân, chắc chắn không có hiệu quả. Việc này thấy rõ ràng rủi ro thuộc về ngân hàng. Bởi như tàu ông Hân chỉ bỏ ra 5% tổng chi phí đầu tư, sau một năm cho ân hạn, nếu làm ăn không hiệu quả thì ngân hàng sẽ có biện pháp xử lý tài sản. Ông Hân giao tàu mất 1,5 tỉ đồng vốn tự có, còn ngân hàng ôm con tàu thì có bán cũng không được bao nhiêu” – ông Chung giãi bày.

Theo ông Chung, kinh doanh phải có lãi để bù đắp chi phí trả lương cho cán bộ nhân viên. Thời gian cho vay theo nghị định 67 kéo dài 11-16 năm, trong khi ngân hàng huy động vốn trung hạn hiện tại là 6,8%/năm nhưng cho vay là 7%/năm, chênh lệch quá ít nên đã bị lỗ rồi. “Nếu đây là tiền của Nhà nước chuyển về ngân hàng có trách nhiệm quản lý cho vay, ngân hàng sẵn sàng làm. Còn đây là vốn ngân hàng đi vay và cho vay” – ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, Chính phủ chưa có văn bản nào đề cập đến chuyện nếu ngư dân làm ăn không được và giao tàu lại, ngân hàng chịu lỗ thì ai xử lý cho ngân hàng khoản lỗ này. “Nhà nước hiện chưa có chính sách. Nếu thua lỗ, ngân hàng phải trích dự phòng ra và lợi nhuận hạ thấp. Ngân hàng sẵn sàng cho vay theo nghị định 67, nhưng ai là người chịu trách nhiệm khi thua lỗ, hay bắt ngân hàng gánh?” – ông Chung đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Chung, việc đề nghị ngư dân trình các thủ tục hồ sơ liên quan là theo đúng quy trình nếu muốn vay vốn. “Để ngân hàng xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn, bắt buộc khách hàng phải trình bản thiết kế tàu, dự toán đóng tàu và thẩm định dự toán của cơ quan thẩm định độc lập về bản dự toán. Việc đó ngư dân phải tự bỏ tiền lo trước, không thể thẩm định khi không có ba tài liệu trên” – ông Chung nói.

Ông Phạm Trường Thọ (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi):

Ngân hàng viện nhiều lý do 
để từ chối cho vay

Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi làm việc với Vietcombank Quảng Ngãi xem xét với hai trường hợp cụ thể này và báo cáo UBND tỉnh. Ngân hàng làm căng thẳng quá.

Các ngân hàng cho rằng chính sách như thế này sẽ bị lỗ nên hạn chế cho vay. Dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo, nhưng các ngân hàng không muốn cho vay nên đưa ra đủ lý do rất là khó khăn để từ chối.

Năm ngân hàng thương mại ở Quảng Ngãi đang trì trệ trong việc cho vay đóng tàu theo nghị định 67 bởi rất nhiều lý do, nhưng chủ yếu sợ sẽ bị lỗ. UBND tỉnh sẽ làm việc cùng ngân hàng để tháo gỡ cho ngư dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Tuấn và ông Cu đều có kinh nghiệm nhiều năm đi biển. Trong đó ông Tuấn đi biển từ năm 16 tuổi và bắt đầu làm thuyền trưởng, chỉ huy một đôi tàu đi đánh bắt từ năm 20 tuổi, thâm niên làm thuyền trưởng đến nay gần 20 năm. Tuy nhiên vào năm 2011, ông Tuấn bán tàu do công suất tàu chỉ 380CV, không thể kéo lưới khơi xa.

Ông Cu cũng là ngư dân lão luyện sóng gió, đi biển từ 15 tuổi và thay cha làm thuyền trưởng vào năm 20 tuổi, chỉ huy hai tàu cá QNg 92215 (420CV) và QNg 92222 (380CV).

Đến năm 2013, ông Cu bán tàu để đóng lại tàu khác có công suất lớn hơn. Khi nghị định 67 được ban hành với chủ trương hỗ trợ vốn ưu đãi cho ngư dân đóng tàu, ông Tuấn và ông Cu đã làm thủ tục đăng ký và được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt.

TRẦN MAI