26/12/2024

Ồ ạt trồng sắn

Giá sắn lên cao, nông dân ồ ạt trồng loại cây này, đẩy diện tích sắn ở H.Sông Hinh (Phú Yên) tăng đột biến.

 

Ồ ạt trồng sắn

Giá sắn lên cao, nông dân ồ ạt trồng loại cây này, đẩy diện tích sắn ở H.Sông Hinh (Phú Yên) tăng đột biến.




Nông dân Sông Hinh trồng sắn sau những cơn mưa vàng	 /// Đức Huy

 

Nông dân Sông Hinh trồng sắn sau những cơn mưa vàngĐỨC HUY


Theo thống kê của Phòng NN-PTNT H.Sông Hinh, đến thời điểm này diện tích sắn của huyện là 8.025 ha. Tuy nhiên, nông dân vẫn tiếp tục trồng sắn ở các khu vực đất mới khai hoang, nhất là ở vùng sâu, rừng núi. Do sắn dễ trồng, mỗi ha sắn cao sản đầu tư khoảng 10 – 15 triệu đồng, năng suất đạt từ 30 – 40 tấn/ha. Giá bán hiện nay từ 1,7 – 1,77 triệu đồng/tấn, mang lại lợi nhuận 30 – 40 triệu đồng/ha, nên nhà nhà đua nhau trồng.
Điển hình như xã Ea Lâm, năm 2011 toàn xã chỉ có hơn 5 ha sắn nhưng nay là trên 750 ha. Anh Nguyễn Văn Trò (buôn Bai, xã Ea Lâm) bộc bạch: “Năm ngoái, gia đình tôi trồng 10 ha sắn, thu lãi trên 200 triệu đồng. Năm nay tăng diện tích lên 15 ha. Hầu như nhà nào trong buôn cũng có ít nhất vài ha sắn”.
 
 

 

Điều đáng lo là chất lượng sắn giống trong vụ này kém hơn những vụ trước. Do nắng hạn kéo dài khiến rất nhiều diện tích bị mất trắng, nên khi mưa xuống, để trồng lại thì sắn giống lại rất khan hiếm. Ma Giang (buôn Dành B, xã Ea Bia) cho hay hiện gia đình ông có 2,5 ha đất trồng sắn, nhưng số lượng giống do gia đình bảo quản chỉ đảm bảo được 1 ha, còn 1,5 ha phải đi mua bên ngoài với chi phí 3 triệu đồng, nhưng chất lượng thì không đảm bảo.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT H.Sông Hinh, lo ngại với tình trạng trồng sắn ồ ạt như hiện nay sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. “Huyện đã gửi công văn cho các địa phương định hướng xây dựng kế hoạch trồng sắn phù hợp quy hoạch dài hạn và canh tác sắn theo hướng bền vững. Tuy nhiên, diện tích sắn tăng nhanh như hiện nay thì khả năng sắn mất giá những vụ tới là điều khó tránh khỏi”, ông Sự nhận định.
Theo ông Sự, sắn giống được bà con mua từ nhiều nơi nên không kiểm soát được mầm bệnh, rất dễ phát sinh các bệnh hại sắn như chổi rồng, rệp sáp bột hồng, ảnh hưởng xấu đến năng suất. Đó là chưa kể về lâu dài, đất trồng sắn sẽ bị khô cứng, năng suất sắn sẽ giảm 20 -30% mỗi năm, nếu chuyển đổi trồng các cây khác thì rất khó phát triển.

Đức Huy