Nghịch lý hiện nay là hàng tỉ USD đang gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại không được hưởng lãi suất (lãi suất 0%) trong khi Chính phủ muốn đi vay hơn 760 triệu USD trái phiếu ngoại tệ trong nước và quốc tế.
Đưa USD trở lại ngân hàng
Nghịch lý hiện nay là hàng tỉ USD đang gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại không được hưởng lãi suất (lãi suất 0%) trong khi Chính phủ muốn đi vay hơn 760 triệu USD trái phiếu ngoại tệ trong nước và quốc tế.
Trong Quyết định 1011 về việc phê duyệt kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, Chính phủ có đề cập đến việc Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỉ đồng, tương đương hơn 761,3 triệu USD, thông qua các hình thức khác như phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế…
Lãi suất trái phiếu ngoại tệ không dưới 5%?
Thế nhưng, hiện có hàng tỉ USD đang được gửi trong hệ thống ngân hàng (NH) thương mại hưởng mức lãi suất 0%. Vì không được hưởng lợi, tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống NH chủ yếu chuyển sang dạng không kỳ hạn và nhiều người rút tiền về “gối đầu”. Lượng ngoại tệ “trôi nổi” ngoài thị trường là một trong những lý do Chính phủ muốn hút về thông qua phát hành trái phiếu ngoại tệ. Theo TS Phan Minh Ngọc, để huy động được, lãi suất phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước phải cao hơn mức lãi suất 0% hiện nay. Tuy nhiên, ông lo rằng việc cho phép người dân và tổ chức tại VN được mua trái phiếu bằng USD là một hành động “tiếp sức” cho nạn đô la hoá, ở góc độ USD được công nhận và sử dụng một cách chính thức tại VN.
NHNN có thể cân nhắc đến vấn đề chống đô la hoá nền kinh tế, thế nhưng theo quan điểm của chúng tôi, với mức lãi suất ngoại tệ tăng lên như trên cũng sẽ không đủ hấp dẫn mọi người đổ xô đầu cơ ngoại tệ, nó chỉ đủ kích thích người dân gửi ngoại tệ vào hệ thống NH thương mại, để họ đỡ phải đi vay nước ngoài với mức lãi suất cao 2 – 3%/năm
TS Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc NH BIDV
Ông giả sử khi đáo hạn trái phiếu ngoại tệ, nếu thanh toán tiền gốc và lãi cho trái chủ bằng VND theo tỷ giá tại thời điểm đáo hạn thì khó có thể hấp dẫn được nhà đầu tư. Bởi đến thời hạn thanh toán, nếu thị trường cung cầu USD biến động mạnh, làm VND mất giá, nhưng tỷ giá USD/VND chính thức vẫn bị “neo” lại sẽ là thiệt thòi lớn. “Cách thức huy động này sẽ khiến tài sản của nhà đầu tư trước và sau khi mua trái phiếu dễ hoá đầu voi đuôi chuột”, ông lý giải. Đó là chưa kể, khi đáo hạn, Chính phủ huy động VND hoặc bán USD sang VND để trả nợ, dẫn đến gia tăng áp lực lên lãi suất VND.
TS Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc NH BIDV, cũng đồng tình rằng việc phát hành trái phiếu ngoại tệ không dễ bởi kỳ vọng lãi suất trái phiếu ngoại tệ không thể cao. Việc phát hành trái phiếu quốc tế như vậy sẽ làm tình trạng đô la hoá càng cao hơn. Mới đây, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cũng nêu thắc mắc, tại sao NH VietinBank phải đi vay 200 triệu USD từ 18 NH nước ngoài trong tháng 3 vừa qua, dù lãi suất USD trong nước 0%, tức lãi vay bằng 0? VietinBank cho rằng họ cần vay kỳ hạn dài, trong khi các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước đa phần là ở tài khoản thanh toán và không kỳ hạn. Điều đó cho thấy, mức lãi suất USD 0% chưa đủ để người dân mặn mà gửi tiền vào hệ thống NH.
Trong khi đó, lãi suất USD trên thế giới đang trong xu hướng tăng. Lãi suất Libor (là lãi suất tham khảo quan trọng của châu Âu) kỳ hạn một năm ở mức 1,24%, tăng so với mức 0,79% năm ngoái. VN với điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, theo một chuyên gia dự đoán, lãi suất phát hành trái phiếu ngoại tệ quốc tế có thể không dưới 5%/năm.
Tận dụng nguồn lực trong nước
Đặc biệt, việc đi vay ngoại tệ nước ngoài cũng khiến nhiều người thắc mắc rằng, liệu có bỏ lửng nguồn lực USD trong nước. Theo ông Cấn Văn Lực, thay vì phát hành trái phiếu ngoại tệ, NH cần tăng lãi suất huy động ngoại tệ trong dân lên. BIDV từng kiến nghị việc tăng lãi suất huy động USD lên 0,25 – 0,5%/năm thay vì mức 0%. “NHNN có thể cân nhắc đến vấn đề chống đô la hóa nền kinh tế, thế nhưng theo quan điểm của chúng tôi, với mức lãi suất ngoại tệ tăng lên như trên cũng sẽ không đủ hấp dẫn mọi người đổ xô đầu cơ ngoại tệ, mà chỉ đủ kích thích người dân gửi ngoại tệ vào hệ thống NH thương mại, để họ đỡ phải đi vay nước ngoài với mức lãi suất cao 2 – 3%/năm”, ông phân tích.
Tỷ giá VND/USD được dự báo chịu sức ép rất lớn sau quyết định điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng hôm qua (giờ VN).
TS Bùi Quang Tín, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng lượng ngoại tệ trong dân cư hiện nay còn khá nhiều nên việc các NH áp dụng lãi suất huy động 0% là không phù hợp. Nhất là từ đầu tháng 6, các NH đã mở lại cho doanh nghiệp vay ngoại tệ, nhu cầu vay đang tăng lên. Thế nhưng ở góc độ khác, việc lãi suất ngoại tệ 0% sẽ hỗ trợ phần nào cho việc Bộ Tài chính phát hành trái phiếu ngoại tệ trong thời gian tới. Người dân nắm giữ ngoại tệ đang cần “đổ” vào kênh nào có mức lãi suất trên 0% mà các NH đang áp dụng. Lãi suất trái phiếu ngoại tệ chỉ cần ở mức 0,5 – 1,5%/năm tùy theo từng kỳ hạn gửi là có thể huy động được. Nhưng điều này sẽ dẫn đến tình huống, các NH “đi đêm”, vượt rào lãi suất ngoại tệ để huy động được nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp vay cũng như đi mua trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, chính sách áp trần lãi suất huy động USD 0% cần xem xét lại trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn vì 3 lý do. Thứ nhất, “kéo” nguồn lực USD đang phân tán trở lại hệ thống NH, tạo điều kiện ổn định cơ cấu kỳ hạn ngoại tệ cho các NH. Thứ hai, lãi suất USD trên thế giới đang xu hướng tăng, việc nâng trần lãi suất huy động USD có thể chặn bớt đà các NH gửi ngoại tệ ra nước ngoài hưởng lợi. Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu đang gặp khó khăn, một trong những kênh hỗ trợ là tín dụng ngoại tệ. Dù có rủi ro tỷ giá, nhưng lãi suất vay USD thường thấp hơn rất nhiều so với lãi suất vay tiền đồng, có thể kéo giảm chi phí vay vốn và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chưa kể, mở lại tín dụng ngoại tệ còn làm giảm áp lực tín dụng tiền đồng, giảm lãi suất tiền đồng. Theo đó, NHNN có thể tăng mức trần lãi suất huy động ngoại tệ lên 0,25%/năm để các NH linh hoạt áp dụng huy động ở các kỳ hạn khác nhau để có thể huy động được nguồn USD trong nền kinh tế.