Thay đổi để thích nghi
“Nông nghiệp VN nói chung và Tây nguyên nói riêng đang phát triển theo hướng tăng số lượng và sản lượng nhưng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, khiến các sản phẩm của chúng ta luôn gặp thực trạng được mùa – mất giá”.
Thay đổi để thích nghi
“Nông nghiệp VN nói chung và Tây nguyên nói riêng đang phát triển theo hướng tăng số lượng và sản lượng nhưng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, khiến các sản phẩm của chúng ta luôn gặp thực trạng được mùa –
mất giá”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thăm một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Cư Jut, Đắk Nông ngày 17-6 – Ảnh: Trung Tân |
Ông Cao Đức Phát – bộ trưởng Bộ NN&PTNT – đã khẳng định với Tuổi Trẻ như vậy nhân chuyến làm việc tại Tây nguyên mới đây.
Theo ông Phát, các cơ quan quản lý đã đặt hàng cho các cơ quan nghiên cứu về đất đai, nguồn nước, thị trường và cân nhắc từ những yếu tố đó để đưa ra một gợi ý là nên trồng những vụ nào và ở vùng nào trồng cây gì. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải phổ biến cho bà con nông dân được biết, giảm bớt tự phát.
“Nhiều bà con trồng cây theo cảm tính, không nằm trong vùng quy hoạch. Thấy giá lên, ồ ạt trồng khiến thừa cung, rớt giá. Đặc biệt nhiều hộ nông dân còn trồng các loại cây ngoài vùng quy hoạch dẫn tới thiếu nguồn nước tưới, không đảm bảo năng suất chất lượng” – ông Phát nói. Cũng theo ông Phát, nhiều năm nay Nhà nước đã đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi ở Tây nguyên để đáp ứng tưới tiêu cho các loại cây trồng hằng năm và cây lâu năm. Tuy nhiên nhu cầu tưới tiêu ngày càng tăng, trong khi hệ thống thuỷ lợi, sông suối chỉ đáp ứng được hơn một nửa. Do đó, gặp những năm khô hạn như năm nay, nhiều diện tích cây trồng bị chết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Nhiều nơi nông dân phải tự khoan giếng để tìm kiếm nguồn nước tưới dẫn tới mạch nước ngầm suy kiệt.
Ông Phát khuyến cáo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian tới sẽ càng nghiêm trọng, nguồn nước tưới tại nhiều địa phương sẽ càng căng thẳng hơn nữa.
Dù khẳng định Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng hệ thống thuỷ lợi cũng như cải tạo, nâng cấp hệ thống hồ chứa hiện tại để tăng khả năng tích nước với những công trình hiện có, nhưng ông Phát khuyến cáo các địa phương phải cơ cấu lại cây trồng. “Chỉ nơi nào có thể đảm bảo nguồn nước tưới thì mới giữ lại các diện tích cây trồng lâu năm” – ông Phát nói.
Đặc biệt, cần khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi, đầu tư áp dụng các hệ thống tưới tiết kiệm. Hiện nay ở Tây nguyên cũng đã có nhiều mô hình tưới tiết kiệm, đem lại hiệu quả với một lượng nước như nhau nhưng tưới diện tích lớn hơn.
Các bộ ngành và địa phương cũng tiếp tục gợi ý, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sản xuất các hệ thống tưới tiết kiệm. Qua đó hỗ trợ người dân trong kinh phí, kỹ thuật lắp đặt để chuyển đổi, thay thế dần cách tưới truyền thống như hiện nay.
Tuy nhiên theo ông Phát, việc sử dụng quá nhiều phân bón hoá học, thuốc trừ sâu khiến hàng hoá nông sản Tây nguyên chưa được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu chấp nhận. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Phát, phải tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn như hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vừa đủ để đạt năng suất cao mà vẫn giữ được chất lượng và các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm…
“Bộ NN&PTNT đã xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển những khu nông nghiệp công nghệ cao, tham mưu Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản… để hỗ trợ doanh nghiệp” – ông Phát cho biết thêm.