Tự tạo cơ hội: Tre, trúc xuất ngoại
Không chấp nhận cảnh làng nghề đan đát truyền thống dần mai một, chị Diệp Thị Trang (ngụ ấp Giồng Đình, xã Đại An, H.Trà Cú, Trà Vinh) chủ động tìm hướng tiêu thụ và đưa sản phẩm xuất ngoại.
Tự tạo cơ hội: Tre, trúc xuất ngoại
Không chấp nhận cảnh làng nghề đan đát truyền thống dần mai một, chị Diệp Thị Trang (ngụ ấp Giồng Đình, xã Đại An, H.Trà Cú, Trà Vinh) chủ động tìm hướng tiêu thụ và đưa sản phẩm xuất ngoại.
Đến làng nghề đan đát Giồng Đình bây giờ, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh đàn ông chẻ tre, chuốt nan; phụ nữ ngồi đan đát. Đôi bàn tay khéo léo của những thợ lành nghề cứ thoăn thoắt đan, kéo để làm ra thúng, nia, sàng, giỏ tre, rổ rá… Tuy nhiên, các sản phẩm bây giờ nhỏ nhắn, xinh xắn dành làm quà tặng lưu niệm, trang trí, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn… chứ không như trước đây chuyên để phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình.
Quyết tâm giữ nghề
Cũng như nhiều làng nghề đan đát tre, trúc khác, làng nghề Giồng Đình có quy mô sản xuất gia đình, công cụ thô sơ, nặng về lao động thủ công. Chính vì thế, khi cơ chế kinh tế thị trường mở ra, người làm nghề đan đát tại Giồng Đình không đứng vững được trước sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng cùng loại làm bằng nhựa có mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn.
Trong lúc khó khăn đó, chị Diệp Thị Trang nghĩ ra cách để sống được với nghề là chuyển sang làm những sản phẩm chuyên phục vụ công việc sinh hoạt gia đình như: vỏ đựng bình trà, rổ đựng kim chỉ, đĩa đựng trái cây… nhằm giảm giá thành nguyên liệu, vừa bắt mắt người tiêu dùng. Chị không ngại khó lên chợ tỉnh chào hàng, tiêu thụ sản phẩm.
Đưa sản phẩm xuất ngoại
Năm 2007, tình cờ có người khách Việt kiều Mỹ quê ở ấp Chợ (xã Đại An) nhìn thấy những sản phẩm xinh xắn do chị làm ra đã tìm đến trao đổi và đặt hàng để trang trí trong nhà. Đơn đặt hàng đầu tiên tuy không nhiều nhưng giá thành cao, giúp chị có thêm lòng tin về hướng đi mới của mình.
Chị Trang cho biết: “Sau đơn đặt hàng đầu tiên thành công, vài khách Việt kiều về quê cũng đến đặt hàng. Thấy vậy tôi bắt đầu tập trung làm ra sản phẩm dành để trang trí rồi đưa đến một số chợ tỉnh lân cận chào hàng để bán. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, tôi được một số cơ sở chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng. Công việc làm ăn từ đó không ngừng phát triển”.
Để có đủ sản phẩm cung ứng cũng như giúp những người thợ nghèo quê hương có cuộc sống ổn định, cuối năm 2008, chị Trang đề xuất với Hội LHPN H.Trà Cú hỗ trợ thành lập Tổ đan đát hàng thủ công mỹ nghệ Giồng Đình. Buổi đầu thành lập, tổ chỉ có hơn chục người thợ được chị truyền nghề và bao tiêu sản phẩm. Mỗi thành viên trong tổ được vay vốn ưu đãi 6 triệu đồng để mua nguyên liệu.
Công việc ăn nên làm ra, thu nhập khá ổn định, dần dà có nhiều người xin tham gia. Hiện nay, tổ đan đát dưới sự quản lý của chị Trang, bình quân mỗi tháng làm ra 12.000 sản phẩm, gồm 12 mặt hàng: xà ngôn, rổ, rổ hột xoài, bình hoa, giỏ hoa, cần xé nấp, cần xé hoa, cần xé tàu, ky, xà men, lọ tăm tre… trong đó có 6 sản phẩm do chị Trang tự nghiên cứu và tạo mẫu. Hơn 40 lao động là những người lớn tuổi, trẻ nhỏ làm các công đoạn cạo vỏ tre, vót nan tre, xử lý mối mọt… cũng có thu nhập 600.000 – 700.000 đồng/người mỗi tháng.
“Hiện sản phẩm của Tổ đan đát hàng thủ công mỹ nghệ Giồng Đình đã có đầu ra ổn định, số đơn đặt hàng vượt khả năng cung ứng. Vì vậy, tôi đang có ý định thành lập hợp tác xã để tạo việc làm thêm cho nhiều lao động khác ở địa phương”, chị Trang nói.
Nguyên Đạt