02/11/2024

Biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông

Ngày 18.6, hàng ngàn người xuống đường ở Hồng Kông để phản đối và đòi có câu trả lời về vụ công dân “bị chính quyền đại lục bắt cóc”.

 

Biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông

Ngày 18.6, hàng ngàn người xuống đường ở Hồng Kông để phản đối và đòi có câu trả lời về vụ công dân “bị chính quyền đại lục bắt cóc”.




Đoàn biểu tình ở Hồng Kông ngày 18.6 /// Ảnh: Reuters

 

Đoàn biểu tình ở Hồng Kông ngày 18.6ẢNH: REUTERS


Ngày 18.6, ông chủ nhà sách Causeway Bay Lâm Vinh Cơ dẫn đầu nhóm biểu tình khoảng 6.000 người đi từ nhà sách đến Văn phòng liên lạc đại diện của Bắc Kinh ở Hồng Kông để phản đối tình trạng mà họ cho là trung ương “dùng bạo lực để cản trở tự do ngôn luận”, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Ông Lâm là một trong 5 người làm nghề xuất bản mất tích bí ẩn từ cuối năm 2015, gây xôn xao dư luận Hồng Kông và thế giới thời gian qua. Đến nay, 4 người đã trở về, còn ông Quế Dân Hải, chủ nhà xuất bản Mighty Current, vẫn chưa rõ tung tích.
Mighty Current và nhà sách Causeway Bay thường xuất bản, buôn bán các loại sách chứa thông tin không chính thức và gây tranh cãi về Trung Quốc đại lục. Phe đối lập ở Hồng Kông cáo buộc đặc nhiệm Trung Quốc bắt cóc những người này, trong đó 3 người bị bắt khi đang ở đại lục, 1 người bị bắt ở Hồng Kông và 1 người bị bắt ở Thái Lan. Hồi giữa tuần, ông Lâm Vinh Cơ đã tổ chức họp báo để tung ra những chi tiết chấn động về thời gian mất tích của mình.
SCMP dẫn lời ông Lâm nói mình bị bắt vào tháng 10.2015 khi đang ở Thâm Quyến. Theo lời kể, ông bị một nhóm cảnh sát mật bịt mắt, còng tay áp giải về giam giữ suốt 5 tháng trong một căn phòng nhỏ ở TP.Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. “Tôi bị giám sát suốt ngày đêm và bị thẩm vấn liên tục”, ông Lâm kể. Theo ông, phía cảnh sát tuyên bố ông phạm tội “phát tán sách cấm” và buộc ông đọc lời thú tội được viết sẵn phát trên truyền hình trung ương hồi tháng 2. Sau đó, ông Lâm được thả về Hồng Kông với điều kiện phải quay lại đại lục để cung cấp danh sách khách hàng đã mua “sách cấm”.
Ngược lại, ông Lý Ba, một trong 4 người trở về, khẳng định ông không bị bắt cóc gì cả mà là “tự nguyện đến đại lục du lịch”, còn 2 người còn lại vẫn đang im lặng.
Trên đường biểu tình, ông Lâm cùng đoàn biểu tình hô khẩu hiệu “bảo vệ tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản” và đòi mau chóng thả ông Quế Dân Hải, theo Reuters. Họ cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông điều tra rõ ràng và có biện pháp bảo vệ công dân khỏi “hành vi bắt cóc xuyên biên giới”.
Trả lời báo chí, ông Lâm Vinh Cơ tuyên bố: “Nhà sách nằm ở Hồng Kông, nơi mà tự do ngôn luận và tự do xuất bản được bảo vệ. Và nhà nước đang dùng bạo lực để phá hủy nó vì muốn thắt chặt dần tự do của người Hồng Kông”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng ông Lâm là công dân Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc gia nên Bắc Kinh có quyền xử lý, theo SCMP. Về phía chính quyền Hồng Kông, SCMP dẫn lời Trưởng ty Luật pháp Viên Quốc Cường nói cảnh sát đặc khu sẽ tìm hiểu thông tin trước khi có bước đi tiếp theo. Ông tuyên bố thêm là nếu đối tượng ở đại lục thì phải tuân theo luật pháp đại lục, còn khi ở Hồng Kông thì sẽ được luật pháp Hồng Kông bảo vệ. Giới chức đặc khu cũng khẳng định “xem trọng sự an toàn và sẽ bảo vệ quyền lợi, quyền tự do của người dân Hồng Kông”.

 

Văn Khoa